Nữ tiến sĩ duy nhất nhận giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024

TPO - Bằng nội lực mạnh mẽ, dám bước đi can trường trên hành trình nghiên cứu khoa học đầy chông gai, nữ tiến sĩ trẻ đã và đang tiếp tục khẳng định mình để phá vỡ những định kiến giới tưởng chừng như đã đè nén lên giấc mơ ấy.

TS. Lê Trần Phước Mai Hoàng (SN 1992) - Giảng viên Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM là nữ tiến sĩ duy nhất trong 9 nhà khoa học nhận giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024.

TS. Lê Trần Phước Mai Hoàng (SN 1992) - Giảng viên Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM.

"Đương đầu" với những con số

Đam mê nghiên cứu đến với Mai Hoàng khá muộn, khi cô làm luận văn tốt nghiệp đại học. Mai Hoàng dần cảm thấy thú vị khi các con số trong mô hình nghiên cứu của mình có thể giúp nhà quản lý và xã hội quan tâm, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, dù là rất nhỏ.

"Lần đầu tiên được tiếp xúc với mô hình nghiên cứu, mình còn không hiểu được tính mới là gì? Làm thế nào để có tính mới trong mô hình? Và làm thế nào để các con số từ những câu trả lời tưởng chừng như không liên quan và mang tính đánh giá chủ quan có thể trả lời được những câu hỏi nghiên cứu to lớn và giải quyết được các bài toán kinh tế như thế?", Mai Hoàng nhớ lại.

Ngay sau khi tham gia khóa học hướng dẫn chạy phần mềm AMOS, cuộc dạo chơi với những con số đã kích thích sự hứng thú và niềm đam mê của cô gái trẻ. Xuất thân là dân chuyên Toán, nên thay vì chỉ phải chiến đấu với những lời văn, Mai Hoàng được "đương đầu" với những con số.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Mai Hoàng làm nhân viên phiên dịch, phục vụ tại một nhà hàng chay trong 6 tháng rồi mới quyết định theo đuổi con đường học vấn. May mắn xin được học bổng chương trình MBA của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, Mai Hoàng tạm an tâm để làm nghiên cứu. Trong thời gian này, cô cũng làm nhân viên kinh doanh của một công ty để có thêm thu nhập.

Vừa học Thạc sĩ, vừa làm thêm, Mai Hoàng vẫn có thể "chịu được nhiệt" nghiên cứu. Cô có 1 công bố trên hội thảo quốc tế và 2 bài báo đăng trên tạp chí Scopus Q4. Với thành tích này, Mai Hoàng đã tốt nghiệp Thạc sĩ loại Giỏi và vinh dự nhận Huy chương Vàng cho kỳ tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2017.

Sau khi tốt nghiệp Th.S, Mai Hoàng xin vào làm tại một công ty với vị trí Trợ lý khai thác mẫu. Đến năm 2019, sau 5 năm tích lũy kinh nghiệm về kiến thức thị trường và trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, cô gái trẻ cảm nhận thời điểm vàng đã đến.

"Xin được học bổng tiến sĩ toàn phần chuyên ngành Marketing từ khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Hanyang, Hàn Quốc, mình từ bỏ mọi thứ hiện có tại Việt Nam, từ công việc, từ tình cảm và sự đùm bọc của gia đình, bạn bè để xách vali sang một vùng đất xa lạ và bắt đầu hành trình nghiên cứu ở xứ kim chi", Mai Hoàng nhớ lại.

Mai Hoàng là nữ tiến sĩ duy nhất trong 9 nhà khoa học nhận giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024.

TS. Mai Hoàng mở rộng mạng lưới hợp tác học thuật tại Hội nghị Quốc tế SIBR 2023 tại Seoul, Hàn Quốc.

Đổi tuổi xuân dành cho nghiên cứu

Là một người phụ nữ, lại sinh ra và lớn lên tại vùng quê, quan niệm "trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" đã trở thành áp lực lớn đè nén lên giấc mơ nghiên cứu của Mai Hoàng.

"Khi vừa tốt nghiệp đại học, gia đình đã vội vàng tìm người làm mai mối, mình từ chối vì lúc đó mình còn quá trẻ con để bước vào hôn nhân. Sau 25 tuổi, mọi người trong gia đình, bà con láng giềng càng hối thúc mình hơn trong việc kết hôn. Mình chọn cách im lặng và ít về quê hơn, nếu có về thì mình chỉ ở trong nhà đọc sách, báo hay học bài", nữ tiến sĩ kể.

Khi quyết định bay sang Hàn Quốc tiếp tục theo đuổi và phát triển con đường nghiên cứu, Mai Hoàng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ tất cả mọi người xung quanh như ba mẹ, họ hàng, hàng xóm, bạn trai và cả gia đình của bạn trai.

Với vô vàn câu hỏi: Con gái cần phải học cao như vậy sao? Con kết hôn coi như trả hiếu cho mẹ cho bà ngoại đi? Học nhiều như vậy để làm gì? Làm sao mà có thể tìm được người con trai tốt như vậy nữa? Em đi qua đó rồi không cần phải cố gắng quá đâu, coi như trải nghiệm là được rồi? Hay là cưới đi rồi hãy đi học?... Mặc tất cả sự phản đối, nữ tiến sĩ lấy hết khoản tiền tiết kiệm 320 triệu đồng trong tay, gửi ba mẹ trang trải và xách vali bay sang Hàn Quốc.

"Mình nhớ lúc đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất trên con đường nghiên cứu của mình, nó còn áp lực nhiều hơn khi phải thực hiện một dự án lớn cùng giáo sư. Tất cả mọi người đều dồn áp lực lên mình khiến mình như muốn nổ tung...", Mai Hoàng nhớ lại.

TS. Mai Hoàng chia sẻ kết quả nghiên cứu với các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị Quốc tế SIBR 2023 (Seoul, Hàn Quốc).

Trong suốt 3 năm học tiến sĩ tại Hanyang, Mai Hoàng dồn toàn sức vào học tập và cải thiện các kỹ năng nghiên cứu hiện đại về các chiến lược kinh doanh và quản lý. Thời gian làm luận án có lẽ là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất trong cuộc đời cô gái trẻ khi phải vừa viết luận án, vừa đi làm thêm 3 công việc một lúc để kiếm tiền chi trả cho sinh hoạt phí. Từ rửa chén tại nhà hàng, dọn dẹp và bán bánh mì tại quán cà phê, hay cọ chảo tại quán gà.

"Tất cả những công việc này gần như đã lấy cạn đi tất cả nguồn sinh lực và quỹ thời gian của mình. Nhưng với sự kiên trì và nỗ lực, mình cũng đã vượt qua và tốt nghiệp tiến sĩ loại Xuất sắc", nữ tiến sĩ trẻ nhớ lại.

Nghiên cứu nổi bật của TS. Lê Trần Phước Mai Hoàng là “Exploring the relationship between social media use and anti-luxury behavior” nhằm khám phá và phân loại các nhóm khách hàng phản đối hàng xa xỉ (anti-luxurians) trên mạng xã hội. Đồng thời phân tích đặc điểm của từng nhóm, xu hướng tẩy chay các thương hiệu xa xỉ và lý do đằng sau sự phản đối của họ. Mức độ phản đối và sự tách biệt đối với các thương hiệu xa xỉ của từng nhóm được phân tích và lập bản đồ, từ đó đề xuất các chiến lược tương tác để thương hiệu có thể tái kết nối với các nhóm này hoặc giảm thiểu sự phản đối.

Thành tích nghiên cứu nổi bật của TS. Mai Hoàng.

Hiện tại, khi công tác ở Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, TS. Mai Hoàng tích cực tìm kiếm các tài năng trẻ phù hợp cho nghiên cứu khoa học từ nguồn sinh viên tài năng của trường để đào tạo, tạo điều kiện cho các bạn tham gia trải nghiệm các đề tài và dự án khoa học các cấp. Từ đó, tạo nên một thế hệ tiếp nối và tạo thành một nhóm nghiên cứu năng động, trẻ trung.

"Động lực lớn nhất của mình là niềm khát khao đem lại kiến thức mới và giúp giải quyết được các bài toán quản lý từ các kết quả nghiên cứu của bản thân. Mình cũng sẽ không ngừng nỗ lực để trở thành tấm gương sáng về nhà nghiên cứu trẻ, năng động, sáng tạo cho các thế hệ sinh viên tiếp bước, cùng nhau xây dựng, phát triển và đóng góp cho lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn", TS. Mai Hoàng chia sẻ.