Ngày 12/12, phóng viên Dân trí đã tìm đến nhà em Phan Thị Ca (học sinh lớp 9, trường THCS Cát Tường, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) - nữ sinh mua hàng nhưng không nhận - gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, bởi câu chuyện cảm động phía sau.
"Tôi hạnh phúc khi con cái còn nhỏ mà biết lo, có hiếu như vậy"
Căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm ở cuối con đường đất nhỏ băng qua cánh đồng lúa thuộc đội 3, thôn Tường Sơn (xã Cát Tường), là tổ ấm của gia đình 3 thế hệ sinh sống, gồm ông ngoại, cha mẹ và 4 anh em của Ca.
Trên chiếc giường cũ đặt ngay cửa ra vào, bà Phạm Thị Lan (40 tuổi, mẹ của Ca) nằm co ro vì bệnh nguy hiểm (bệnh giun lươn) khiến bà không thể ngồi dậy tiếp chuyện.
Em Ca chia sẻ: "Mẹ đau nằm viện, đồ giặt không kịp khô, có một bộ đồ cứ mặc suốt. Cháu lên mạng vào shop của cô Nha đặt mua một bộ rồi tranh thủ đi nhặt ve chai bán kiếm tiền, nhưng chưa nhặt đủ thì chú shipper đến giao nên em mới nhờ chú gọi cô Nha để xin lỗi".
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Ca tâm sự: "Cháu không dám ước mơ gì về tương lai, cháu chỉ sợ mẹ bị bệnh, mất rồi bỏ lại anh em tụi cháu. Giờ cháu chỉ cầu mong có một phép màu để mẹ sớm khỏi bệnh, sống cùng bố con cháu".
Ông Phan Văn Tra (45 tuổi, cha ruột Ca) nghẹn ngào khi xem clip trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện con gái đi nhặt ve chai bán kiếm tiền mua quần áo cho mẹ.
"Tôi hạnh phúc khi con cái còn nhỏ mà biết lo, có hiếu như vậy. Nếu vợ tôi không bị bệnh thì không đến nỗi con bé phải lo cho mẹ sớm đến vậy", ông Tra nghẹn ngào.
Theo ông Ca, hơn 4 năm qua, từ ngày vợ mắc bệnh nặng, mọi công việc gia đình đều do ông gánh vác. Ngoài đám ruộng hơn 1.500 m2, hằng tháng, ông Tra vào TPHCM để buôn bán trái cây, kiếm thêm thu nhập để gửi về lo thuốc men cho vợ và chăm lo ăn học cho 4 con.
"Tôi rất cảm động trước tấm lòng nhân ái, bao dung của chị Nha. Vừa rồi, chị ấy có đến nhà thăm vợ tôi và gia đình, có tặng thêm một số tiền", ông Tra kể.
Còn bà Mai Thị Phượng (47 tuổi, hàng xóm bà Lan) đã khóc khi xem clip chia sẻ trên mạng xã hội, trước câu chuyện cháu Ca đi nhặt ve chai bán kiếm tiền mua quần áo cho mẹ lúc nằm viện.
Thấy hoàn cảnh gia đình bà Lan quá khó khăn, bị bệnh nhưng không có tiền đi viện, chị em phụ nữ trong thôn đi vận động bà con giúp bà Lan có điều kiện chữa trị.
Ông Nguyễn Kế Sinh, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, chia sẻ: "Gia đình ông Tra, bà Lan thuộc diện hộ nghèo. Từ khi bà Lan bị bệnh, kinh tế gia đình kiệt quệ, hết khả năng chữa trị. Sau khi biết chuyện của bé và mẹ, xã đã vận động bà con chung tay giúp sức, hỗ trợ kinh phí cho gia đình".
Không ngờ câu chuyện chạm đến trái tim nhiều người
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Lê Thị Quỳnh Nha (thị xã An Nhơn, Bình Định) - chủ shop bán hàng online - bất ngờ vì không nghĩ câu chuyện chị chia sẻ lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy.
"Tôi nghĩ mình chia sẻ câu chuyện gặp phải hàng ngày trong công việc chứ không nghĩ lại chạm đến tình cảm của mọi người nhiều đến vậy", chị Nha tâm sự.
Theo chị Nha, sự việc là tình cờ vì từ trước đến nay, việc xử lý đơn hàng của khách đều giao cho nhân viên làm, nhưng xảy ra sự việc trên, nhân viên giao hàng nghỉ nên chị phải xử lý.
"Lúc nghe giọng bé bảo con không nhận hàng được vì không đủ tiền và bảo mẹ bị đau, tự nhiên tôi tin. Có người hỏi sao tôi dễ tin đến vậy, nhưng tôi nghĩ em còn nhỏ vậy thì không thể nào nói dối được, nhất là chuyện mẹ bị đau. Tôi cũng xuất thân từ nghèo khổ, nghe bé nói mẹ đau nặng mà giấu, lúc đó tôi có một cái gì đó đồng cảm", chị Nha kể.
Cũng theo chị Nha, khi câu chuyện được chị chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng cảnh đó là "diễn".
"Bản thân tôi chỉ muốn chia sẻ một câu chuyện có thật, nhưng khi có ý kiến trái chiều, tôi muốn làm sáng tỏ câu chuyện và để ngưng việc suy diễn. Vì vậy, tôi quyết định tìm về nhà bé, rất tình cờ người dân còn cho biết về gia cảnh đáng thương hơn tôi nghĩ.
Mẹ bé bệnh nặng không có tiền đi viện, bà con trong thôn phải góp tiền giúp mẹ bé đi viện. Lúc đến nhà chứng kiến hoàn cảnh tôi mới thấy sự tin tưởng ngay từ đầu với cô bé là đúng", chị Nha nói.