Sau khi biết tai nạn đau lòng này, nhằm đem đến tương lai tốt đẹp hơn cho cô nữ sinh, ông Phạm Đình Trung, một mạnh thường quân, đã đứng ra kêu gọi các tổ chức hỗ trợ phẫu thuật thẩm mỹ trả lại gương mặt bình thường cho Hương.
“Chỉ nhìn thấy một màu trắng đục”
Khi bác sĩ nói với tôi rằng “con mắt trái không thể giữ được nữa”, tôi cố mở mắt ra nhưng chỉ nhìn thấy một màu trắng đục…
Đêm đó đối với tôi là một đêm rất dài. Tôi không ngủ được vì suy nghĩ rằng “ngày mai khi cha mẹ lên tôi không biết phải giấu những giọt nước mắt đó như thế nào”. Khoảng 3-4 giờ sáng, cha mẹ đã bên cạnh tôi, cầm tay tôi nói “cha mẹ đây nè con”. Mặc dù nghe được tiếng nhưng tôi không thể nhìn thấy họ...
Để không phải khóc vì khóc sẽ ảnh hưởng tới mắt, trước đó tôi đã chuẩn bị một tâm lý khá bình tĩnh nhưng vì những lời an ủi, quan tâm từ gia đình tôi lại xúc động thêm.
Qua sáu ngày nằm viện được sự quan tâm từ gia đình, bạn bè và cộng đồng tôi cảm thấy có thêm động lực để vượt qua khó khăn này.
Ca phẫu thuật mắt ghép màng ối đầu tiên đã khá thành công. Nhưng tôi vẫn không thể chịu được khi ánh sáng đột ngột chiếu vào mắt mình. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn tin và cầu nguyện rằng mình sẽ trải qua được tất cả mọi chuyện. Giờ tôi chỉ hy vọng mắt trái của tôi sẽ bình phục để có thể đi học trở lại.
Thu Hương và mẹ.
Hương đã chia sẻ như vậy trên trang cá nhân của mình sau một tuần vụ tạt acid xảy ra.
Không ai biết rằng cô gái bé nhỏ ấy đã trải qua bao nhiêu ca phẫu thuật thất bại, vết thương bị nhiễm trùng phải nhập viện trở lại. Một bên mắt bị hỏng. Gương mặt xinh xắn trắng trẻo ngày nào chi chít những vết sẹo. Em phải bảo lưu kết quả một kỳ học và đáng lẽ ra tháng 9 này em sẽ ra trường.
Trăm mũi tiêm trên khuôn mặt
Nghe kể lại hành trình một tháng trời điều trị bên Thái Lan của Hương, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Trước khi kể, anh Phạm Đình Trung quay lại hỏi cô gái: “Nhắc lại có sợ không Hương?”. Chỉ khi nhận được sự đồng thuận của Hương, anh mới bắt đầu kể chuyện.
“Hương là một cô bé rất dũng cảm. Phần tiêm tế bào, cứ chừng khoảng 1 cm lại đâm một mũi tiêm, cứ thế căng cái mặt ra tiêm mà cô bé chịu được! Vì tế bào phải tiêm dưới mô thì mới tái tạo được da. Những phần đau nhất là những phần sẹo. Da bình thường còn đỡ, chứ phần sẹo đã tổn thương rồi, cứ tầm 1 cm lại đâm một mũi tiêm xuyên qua đó. Cả khuôn mặt phải tầm trăm mũi. Cô bé đau chảy nước mắt…” - anh Trung nhớ lại.
Đợt điều trị đầu tiên diễn ra vào khoảng tháng 10/2016. Hương được tiêm tế bào gốc nhằm tái tạo làn da đầy sẹo lồi lõm, biến dạng. Đợt điều trị thứ hai vừa diễn ra trong tuần qua tại Thái Lan với ca mổ kéo dài sáu tiếng nhằm tạo hốc mắt, phẫu thuật chỉnh hình mũi, môi. Gương mặt hiện tại của em Hương đã được cải thiện khá nhiều sau hai đợt điều trị.
Đợt điều trị thứ ba sẽ chỉnh hình lại toàn bộ khuôn mặt cho Hương lần cuối, dự kiến vào cuối tháng 5/2017.
Nội dung chú thích, diễn giải...
Ngày 20/4 xét xử vụ ánKhoảng 10 giờ ngày 30/3/2016, tại chợ Cầu đường Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM, có hai thanh niên chạy xe máy từ phía sau lao tới tạt acid vào mặt khiến Thu Hương và người bạn đi cùng bị bỏng. Đến ngày 31-3, Công an quận Gò Vấp bắt giữ ba nghi can gồm: Lương Thùy Kiều Quyên, Nguyễn Đình Thanh và Phạm Hoàng Long (đều cùng quê Bình Thuận). Nhưng nhiều người thắc mắc tại sao đến tận bây giờ vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
“Ban đầu em chỉ nghĩ vết thương của mình chỉ cần điều trị bỏng là xong nhưng không ngờ hậu quả để lại quá lớn. Người em từ trên xuống chỗ nào cũng sẹo. Em từng không muốn dồn người ta đến bước đường cùng nhưng giờ suy nghĩ đó lại khác. Em cần phải đòi lại công bằng cho em”, Hương ngẩng mặt lên trần nhà nhưng nước mắt cứ thi nhau rớt xuống. Tiếng nấc khe khẽ, giọng em nhẹ bẫng.
Hương cho biết vụ án được dự kiến xét xử vào ngày 20/4 tới tại TAND quận Gò Vấp và Hương sẽ tham dự. Các bác sĩ, các chuyên gia thẩm mỹ chúng tôi chỉ có thể tái tạo khuôn mặt cho Hương. Còn để tái tạo cuộc đời cho em - theo ý nghĩa đầy đủ nhất, đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất thì còn cần nhiều điều kiện khác. Làm thế nào để cô nữ sinh xinh đẹp ngày nào quay lại hòa nhập với xã hội, ổn định tâm lý và tạo dựng một cuộc sống mới như bao người khác rất cần sự chia sẻ, cảm thông của cộng đồng xã hội” - Ông Phạm Đình Trung