Viên ruby mận hậu
8 năm trước, Nguyễn Ngọc Huyền (quận Ba Đình, Hà Nội) bán trà sữa với một chiếc tủ lạnh trong quán. Chiếc tủ đặt những chai trà sữa, ké thêm vài loại trái cây nhập khẩu. Không ngờ, khách mua trái cây nhiều hơn mua trà. Thấy mặt hàng này khả quan, cô mạnh dạn đem những loại đắt đỏ như nho mẫu đơn của Nhật về Việt Nam với giá 3-5 triệu mỗi chùm, hồng đen Socola 2 triệu/kg, nho Ruby Roman 11 triệu một chùm, vải Quý phi không hạt 3 triệu/kg… Lúc ấy, chẳng ai tin những loại quả như “dát vàng” này sẽ bán được ở nước ta. Nhưng giới thượng lưu và người nổi tiếng lại ưa chuộng, liên tục tìm mua, tạo nên “cơn sốt” sử dụng trái cây cao cấp. Nhiều năm kinh doanh mặt hàng đắt đỏ này, Huyền luôn ấp ủ làm thế nào để trái cây Việt Nam “có giá hơn” trên thị trường trong và ngoài nước. “Tôi có niềm tin rằng chất lượng trái cây của nước mình rất ngon và hoàn toàn có thể cạnh tranh với quốc tế”, Huyền trải lòng.
Cô cùng đội ngũ Tập đoàn Mia Group của mình bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vùng trồng trên cả nước và lập nên Bản đồ trái cây Việt Nam bằng công nghệ số. Bản đồ giới thiệu trái cây đặc trưng từng vùng, mùa vụ, hình ảnh… “Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu vấn đề dẫn đến việc trái cây Việt Nam không bán được giá cao trên thị trường. Đó là không có sự liên kết chặt chẽ giữa 5N: Nhà nước, nhà kinh doanh, nông dân, nhà khoa học và người tiêu dùng. Từ đây, chúng tôi xây dựng các dự án nông nghiệp, bán lẻ, xuất khẩu… để tăng giá trị cho trái cây Việt Nam”, Huyền nói.
Nhiều năm tham gia các hội chợ nông sản ở nước ngoài, Huyền được rất nhiều bạn bè quốc tế hỏi về trái cây Việt Nam nhưng chưa có bất kì một cổng thông tin tổng hợp nào để giới thiệu. Đó là lý do bản đồ trái cây Việt Nam (bandotraicayvietnam.com) ra đời với hai ngôn ngữ hỗ trợ Anh, Việt. Bản đồ trái cây Việt Nam cũng được giới thiệu tại hội chợ trái cây lớn nhất châu Âu- Hội chợ trái cây Macfrut, tổ chức ở Ý.
Từng mục sở thị và bỏ nhiều công sức tìm hiểu việc trồng trái cây ở nhiều nước, Huyền nhận thấy một số vùng trồng ở nước ta người dân chú trọng vào số lượng, bỏ qua nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, kích cỡ…nên trái cây không được người tiêu dùng coi trọng. Cô dẫn chứng như nho mẫu đơn tại Nhật, nông dân trồng với khoảng cách xa, khi ra trái, lại cắt đi 50% số lượng chùm và 50% số lượng trái trên mỗi chùm để trái to, ngon hơn. Đem câu chuyện này tới thung lũng Nà Ka (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), vùng trồng mận hậu nổi tiếng, cô đã thuyết phục được chính quyền địa phương và người dân áp dụng. Những cây mận được trồng với khoảng cách 5 - 6m để hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, rồi hạ tán tỉa cành. Khi cây ra trái nông dân lại cắt bớt, chừa lại trên cây rất ít quả để cây cung cấp đầy đủ dinh dưỡng khiến quả ngon hơn, to hơn. Các hộ trồng mận cũng theo lời Huyền, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Đặc biệt khi thu hoạch luôn có giấy kiểm định về dư lượng thuốc trừ sâu. “Thay vì trước kia một cây thu hoạch cả trăm kg, bán với giá vài ngàn hoặc vài chục ngàn mỗi kg, thì nay sản lượng chỉ còn khoảng 20kg. Nhưng giá bán tại vườn có khi lên tới 100.000 đồng/kg, rõ ràng nông dân được lợi hơn”, Huyền phân tích.
Ngọc Huyền đã “phù phép” cam bóc Phủ Quỳ, na dai Nữ Hoàng, hồng mật… Những loại quả này bước vào những siêu thị trái cây sạch với một diện mạo mới to hơn, đẹp hơn, ngon ngọt hơn và tất nhiên đến tay người tiêu dùng với giá cao hơn.
Những quả mận hậu được tuyển chọn to tròn, căng mẩy, một ký chỉ tầm 20 quả, ăn miếng nào nhớ miếng ấy. Từ đó thương hiệu "Mận hậu Ruby" ra đời, với ý nghĩa quả mận quý như những viên ruby. Hàng tấn mận hậu Ruby vào TPHCM giữa năm 2021 được bán với giá hơn 200.000 đồng/kg, những ngày đầu rơi vào tình cảnh cháy hàng. Huyền chia sẻ thêm, cô còn tìm cách bán những "viên ruby" trên rẻo cao cho người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên… để có sức lan tỏa.
Cũng cách làm tương tự như mận hậu Ruby, từ chuẩn việc trồng, kiểm định chất lượng, đặt lại tên thương mại, logo, bao bì, có câu chuyện truyền thông để truyền tải được thông điệp của loại trái cây, Ngọc Huyền đã “phù phép” cam bóc Phủ Quỳ, na dai Nữ Hoàng, hồng mật…Những loại quả này bước vào những siêu thị trái cây sạch với một diện mạo mới to hơn, đẹp hơn, ngon ngọt hơn và tất nhiên đến tay người tiêu dùng với giá cao hơn.
Ngàn tấn trái cây qua châu Âu
Mận hậu Ruby không chỉ “làm mưa làm gió” ở thị trường trong nước mà còn được chào đón ở Singapore và Malaysia. Trong mùa đầu tiên, hơn một tấn mận được vận chuyển bằng đường hàng không đến hai nước này, bán với giá gần 300.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên mận hậu Ruby xuất khẩu, đặt viên gạch mới trên thị trường quốc tế.
Tháng 9/2021, Nguyễn Ngọc Huyền được Đại sứ quán Việt Nam tại Ý tin tưởng giao cho trách nhiệm xây dựng gian hàng triển lãm trái cây tại Hội chợ trái cây Macfrut (tổ chức ở thành phố Rimini, Ý) với hơn 80 nước tham dự. Tận dụng cơ hội này, cô đã giới thiệu trái cây Việt Nam một cách bài bản đến bạn bè thế giới. Từ đó rất nhiều doanh nghiệp đã liên hệ đặt vấn đề xuất khẩu trái cây.
Đặc biệt, đầu tháng 11/2021 tại Paris (Pháp) Nguyễn Ngọc Huyền đã ký kết hợp tác với Tập đoàn MCE - Amélie EU Gateway trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, để năm 2022 xuất khẩu sang thị trường này 5.000 tấn trái cây Việt Nam. MCE - Amélie EU Gateway là một trong ba tập đoàn lớn nhất cung cấp nông sản cho các siêu thị lớn tại châu Âu. Theo ký kết này, Mia Group sẽ cung cấp khoảng 20 loại trái cây nhiệt đới như chuối, nhãn, thanh long… Huyền chia sẻ, MCE đã cảnh báo trước đây nhiều đơn vị từng bị đền hợp đồng do cung cấp trái cây không đủ số lượng, tiêu chuẩn. Vậy nên cô cùng đội ngũ của mình tiến hành rất nhiều việc như quy hoạch vùng trồng dài hạn, hợp tác với các hợp tác xã đảm bảo số lượng, chất lượng. Đây là thị trường khó tính nên phải đi từ gốc, vừa để đáp ứng yêu cầu, vừa khẳng định giá trị của trái cây Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 25/11/2021 trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản tại Tokyo có sự tham dự và chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Mia Group và Công ty Endo Seian (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác dài hạn để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ sang Nhật Bản.