Thoạt nhìn, Ái Liên có tạng người na ná ca sĩ Siu Black, tóc ngắn bồng bềnh và đôi mắt đen láy. Cô tên thật là Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1972, là cô út trong gia đình nghèo có 9 người con, ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, Đăk Lăk. “Mình “lỗi nhịp” với ước mơ được học thành ca sĩ chuyên nghiệp nên có nhiều điều để hối tiếc. Nhưng dù sao cũng từng vui khi con đường ca hát đến quá bất ngờ!”, Liên tâm sự.
Thi lấy bằng lái xe… thành ca sĩ
Do quá mê nghề ôm vô lăng chạy xe đường trường nên từ nhỏ, Liên đã có giấc mộng trở thành nữ tài xế. 23 tuổi, Liên mới được lên Buôn Ma Thuột học lấy bằng lái xe ôtô tải. Đang ở trường lái, nghe bạn bè trong trường kháo nhau về cuộc thi Tiếng hát phát thanh toàn tỉnh Đăk Lăk 1997, Nguyễn Thị Liên mang hồ sơ đi nộp.
Cô nhớ như in cái ngày ấy: “Hôm đó, khoảng 500 người đến ghi danh. Khi em mang hồ sơ đến thì người ta lắc đầu bảo hồ sơ nhiều quá rồi em ơi, giờ chỉ nhận những hồ sơ ở các địa phương xa và các bạn người dân tộc thiểu số thôi! Thế là em nhảy xe đò về tận huyện Ea H’Leo cách thành phố gần trăm cây số để ghi danh với tên Ái Liên”.
Trong phần đăng ký dự thi có đến 50 người cùng chọn thể hiện ca khúc Hà Nội đêm trở gió. Nhưng sau khi nghe Ái Liên ráp nhạc thì tất cả đều rẽ qua bài hát khác vì “Biết thua rồi!”. Quả nhiên, Ái Liên đoạt giải Nhất.
Sau cuộc thi, nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân trưởng Đoàn ca múa nhạc Đăk Lăk đề nghị: “Chú sẽ tạo điều kiện hết mức để cháu tiếp tục theo con đường ca hát, phát triển tài năng”. Ái Liên nghiễm nhiên thành… ca sĩ chưa từng qua trường lớp thanh nhạc. Từ đó, bên cạnh ca sĩ Y Moan, Đoàn có thêm một Sơn ca, là 2 giọng hát đinh liên tục lưu diễn từ phố phường đến biên giới hải đảo xa xôi.
Năm 1999, Ái Liên dự thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc. Đây là năm được xem quy tụ nhiều nhân tài nhất trong các lần tổ chức, với nhiều cái tên thành danh sau này như: Trọng Tấn, Nam Khánh (nhóm AC&M), Anh Thơ, Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Ngọc, Kasim Hoàng Vũ, Thanh Thảo, Đức Tuấn.
Bao nhiêu người lo lắng cho Ái Liên khi cô chọn bài Em muốn sống bên anh trọn đời đã gắn liền với tên tuổi hai “cây đại thụ” Siu Black và Y Moan. Nhưng sau khi nghe cô hát bốn câu đầu, cả hội trường dồn nén đến ngộp thở rồi vỡ oà vì chất giọng đặc biệt và cách xử lý tinh tế.
Nhạc sĩ Mạnh Trí - nguyên Phó đoàn ca múa Đăk Lăk nhận xét: “Ái Liên có một giọng hát không thể lẫn vào đâu được, khỏe, vang và hát được những nốt cao mà khó ai hát được”.
Giải Nhất Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999 thuộc về ca sĩ Trọng Tấn, Ái Liên nhận giải Nhì. “Khi nghe đọc tên mình đạt giải Nhì, bất ngờ quá, Liên xỉu luôn”, Ái Liên thích thú cười.
Đa nghiệp và đa truân
Do gia đình khó khăn, Liên chỉ học đến lớp 9 rồi bước thẳng vào đời, tự lập.
Anh ruột của Liên là Nguyễn Viết Đoàn bấy giờ là võ sỹ quyền anh thành danh với danh hiệu vô địch nhiều năm liên tiếp của các giải trong và ngoài tỉnh, sau này được cử đi huấn luyện tại Cu Ba nên lò võ của anh rất nhiều môn sinh. Liên cũng là môn sinh ưu tú, đi thi đấu ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Định... liên tục giành chiến thắng.
Lúc này, ít võ sỹ nữ nên… có đối thủ là vui lắm, nên dù nhỏ bé, cô chấp nhận thượng đài trước những đối thủ cao hơn mình cả cái đầu và hàng chục cân... Nhiều khi cô thành “võ sư” đứng lớp cho anh trai.
Phong trào thượng đài thoái trào, Liên chuyển sang học nhiếp ảnh. Ái Liên kể: “Hồi đó chụp ảnh kiếm được nhiều tiền lắm. Liên tha hồ tiêu xài!” nhưng niềm háo hức được ôm vô lăng năm xưa vẫn còn ám ảnh trong đầu và Ái Liên quyết nộp đơn đi học, lúc đó gia đình cưng con nên thuận lòng. Lấy được bằng tài xế hạng B2 cũng là lúc Liên... thành ca sĩ !
Biết Liên đã đầu quân cho đoàn Ca múa Đăk Lăk, lãnh đạo Cty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đăk Lăk - nơi trước đây Ái Liên đầu quân và được khuyến khích động viên đi thi hát - vẫn mời Liên quay về lái xe cho công ty, để lôi cuốn hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ quan đi lên.
“Bên nào cũng quý mình cả nên không thể từ chối được, hai phía cơ quan đều biết Liên làm việc cho hai nơi nhưng bên này cứ tưởng Liên cộng tác cho bên kia thôi. Cho đến khi lễ hội festival Huế và hoạt động văn nghệ ngành giao thông đường bộ ở Hà Nội diễn ra cùng lúc thì mọi người mới biết chuyện...”, Liên nói!
Sau giải nhì cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc1999, rất nhiều lời mời biểu diễn từ các chương trình và sân khấu lớn nhưng cô chọn con đường học hành.
Ái Liên đã dành được 2 HCV ca múa nhạc chuyên nghiệp 2003-2005, 15 HCV không chuyên toàn quốc và nhiều giải thưởng khác. Mới đây cô lại giành giải nhất đơn ca ngành GTVT với bài hát Đánh thức Trường Sơn. Ái Liên thể hiện khá thành công các ca khúc: Không thể và có thể, Chảy đi sông ơi, Tiếng đàn bầu; Em muốn sống bên anh trọn đời... Cô hát ngon lành nhiều thể loại từ rock, trữ tình đến... cải lương.
Sắp tới, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 3-2011 tổ chức tại Đăk Lăk, Liên cũng được mời hát nhiều đêm phục vụ du khách đến với Buôn Ma Thuột.
Ái Liên tâm sự: “Chỉ những người trong nghề mới hiểu, nghề ca hát là người của công chúng nên lúc nào gặp mọi người mình cũng phải vui, phải niềm nở và sống hết mình. Nhưng trở về đời thực thì ca sĩ thường rất cô đơn.
Nhiều đêm hát về, Liên rơi nước mắt vì chẳng có ai đón mình!”. Có lẽ hiếm quá đàn ông nào mơ tưởng đến một người yêu hay người vợ vừa là tài xế xe tải, vừa là ca sĩ lại kiêm võ sĩ quyền anh ! Cô vẫn mơ có một phòng trà để hát cho mọi người nghe.