Thông qua thời trang đương đại NTK đã kết nối yếu tố nghệ thuật giữa xưa và nay nhờ chất liệu màu sắc và kỹ thuật thể hiện.
Về màu sắc: NTK đã khai thác màu nâu non, màu nâu đỏ, màu của đồng lúa nương dâu, màu của phù sa đồng bằng bắc bộ trên chiếc áo mớ ba mớ bẩy của phụ nữ hát quan họ. Chất liệu thể hiện: là gấm, lụa, the, đũi…
“Lửa” là đề tài xuyên suốt trong BST mà NTK đã xây dựng cho tất thảy phụ nữ Việt khi ra thế giới, một hình ảnh ẩn dụ của những “Liền chị” quan họ. Trên tà áo dài ấy những câu chuyện về nghệ thuật dân gian xưa, những nét đẹp qua từng đường chỉ từng mũi thêu của nghệ nhân thêu Thường Tín, sự cách điệu hoá cánh hoa sen, hoa cúc dây, gốm Lý Trần nhờ màu sắc có tính nghệ thuật mang yếu tố đương đại…
Bên cạnh áo dài “Góc xưa” là BST áo bông, những chiếc áo bông của nhà văn Thạch Lam như được hiện hữu bởi các chi tiết khâu tay hoàn toàn bằng thủ công, trên chất liệu nhung the, chất liệu được các NTK trên thế giới đưa vào BST Thu Đông 2017 của họ. BST áo Bông lần này được Xuân Thu chần rất đặc biệt. Áo bông được kết hợp với áo dài cách tân váy đụp đã đẩy tính nghệ thuật lên cao, cho thấy chiếc áo bông đã không còn nhàm chán mà rất thời thượng.
“Son” được thể hiện trong không gian Bảo tàng lịch sử nơi mà NTK Xuân Thu đã giành thời gian nghiên cứu, đó là những nét đẹp văn hoá xưa. Việc kết nối giữa xưa và nay đã thành hiện thực dưới dàn ánh sáng của đạo diễn Đặng Xuân Trường, người có giải thưởng làm phim tại Beclin.
Không cầu lợi cá nhân, không xin tài trợ, NTK Xuân Thu vẫn có "Son" mang tầm cỡ và chuyên nghiệp. Và gửi thông điệp về giá trị của về đẹp truyền thống và nhắn nhủ các NTK trẻ hãy yêu văn hoá Việt như chị.
"Son" sẽ ra mắt vào Chủ nhật, ngày 23/4/2017 vào lúc 17h30 ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự hợp âm nhạc là nghệ sĩ Phó An My .