Có chút thay đổi nào kể từ khi anh được phong tặng danh hiệu NSND không?
- Tôi rất vui nhưng cũng cảm thấy trĩu nặng hơn về mọi việc. Nhất là các chương trình mình làm phải thận trọng hơn, giữ gìn hơn...
Tức là các chương trình “made in Trần Bình” từ nay sẽ kém hấp dẫn hơn?
- Không, cái đó thì tôi tự tin. Cẩn trọng hơn là không để sơ sểnh, không theo cách “làm mà như không làm”.
Hiện nay, hầu hết các chương trình của Nhà hát đều được đặt hàng, mà những người đặt hàng không phải là... nghệ sỹ nhân dân. Do vậy, họ đặt hàng, thấy thích họ mới thanh toán. Năm vừa rồi, 70% tổng doanh thu cả năm của Nhà hát là từ đơn đặt hàng.
“Xé rào” vì... đói
Cách đây hơn hai chục năm, anh đã dám đứng ra tổ chức cho các nghệ sỹ trong nhà hát đi “đánh thuê” bên ngoài. Quả là chuyện “động trời” khi đó! Cái giá phải trả cho sự “xé rào” ấy là gì?
- Cũng phải trả giá đấy, vì thời đó lãnh đạo không cho đi làm ngoài, chỉ cho diễn ở nhà hát. Họ quan niệm, những đồng tiền đi làm ngoài Nhà nước không hay ho, vẻ vang gì.
Khi ấy chúng tôi “đói” quá, buộc phải làm, chấp nhận bị kỷ luật. Đã khổ càng khổ thêm! Mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt của nghệ sỹ Quốc Hương, nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu...
Còn bây giờ, lính của anh thả sức tung hoành “đánh Đông, dẹp Bắc”. Sếp Bình chắc chắn rất được lòng “quân” và có thể còn được nhiều thứ khác nữa, nhưng Nhà hát thì “mất” người?
- Đến thời chúng tôi làm lãnh đạo, nói chung xu hướng đã cởi mở hơn. Suy cho cùng, có cấm cũng không được. Chúng tôi chủ trương không quản lý quá chặt chẽ các nghệ sỹ của nhà hát, kể cả các “sao”.
Hồ Quỳnh Hương, Việt Hoàn, Lưu Hương Giang... đều có thể đi vắng. Không sao! Thay thế họ là hàng loạt gương mặt mới còn rất trẻ, nhưng “vào” chương trình rất tự tin.
Nhà hát hiện tại chỉ bảo đảm mức thu nhập cho các nghệ sỹ trung bình khoảng 3- 5 triệu/tháng. Như thế cũng ngang lương liên doanh rồi. Chúng tôi không ngăn cản họ đi diễn ngoài, mà chỉ khuyên:
Làm thêm bên ngoài giống như con dao hai lưỡi. Nếu ai không đủ bản lĩnh, tự buông thả mình khi không có người xét nét điều chỉnh về chuyên môn thì có thu nhập đấy nhưng sau một thời gian, họ sẽ không đủ sức đứng trên sân khấu lớn được nữa.
Đấy là chưa kể các diễn viên, những người đẹp, người mẫu... - những đối tượng được để ý “chăm sóc”, nếu không bản lĩnh sẽ rất dễ đánh mất mình.
Hình như Trần Bình còn là người tiên phong trong việc mời các nghệ sỹ, ca sỹ ở hải ngoại về nước biểu diễn?
- Đúng vậy. Tôi còn nhớ đó là vào tháng 9/1994, lần đầu tiên trong đời làm “bầu”, tôi phải khóc. Khóc vì sự trớ trêu của cơ chế thời đó. Tôi phải gõ cửa từng cơ quan, xin cho đủ hàng chục con dấu để được phép mời nghệ sỹ nước ngoài về nước biểu diễn.
Vậy mà cuối cùng, không rõ vì lý do gì, chúng tôi chỉ được phép diễn hai buổi và không được bán vé. Trong khi đó, các đối tác đã mời các nghệ sỹ về nước hết rồi. Chi phí ăn ở, đi lại của họ hàng tháng trời, chúng tôi phải chịu hết... Vụ ấy, tôi tưởng phải... tự tử!
Tới năm 1997, chúng tôi phối hợp với Trung ương Đoàn và Hội Thiện nguyện y tế Hoa Kỳ tổ chức thành công chương trình đầu tiên có sự góp mặt của các nghệ sỹ ở hải ngoại.
Không chịu được bất công
Hàng loạt ngôi sao thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... xuất hiện trong chương trình của anh với mức cát-sê cao ngất ngưởng. Nếu tính doanh thu và chi phí thì lỗ mười mươi rồi. Anh đã “phù phép” bằng cách nào vậy?
- Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm từ lúc chưa nổi tiếng đã cộng tác với tôi, tôi trả cao nhất bốn triệu đồng/buổi diễn. Sau khi cát-sê của các bạn ấy tăng cao, tôi với tư cách là tổng đạo diễn chương trình, không trực tiếp ký hợp đồng với họ nữa.
Đơn giản vì tôi không thể đặt bút ký 20 hoặc 30 triệu cho một ngôi sao Sài Gòn, trong khi tôi ký với Thanh Lam, Mỹ Linh chỉ vài triệu đồng. Tôi không đủ dũng cảm để làm điều ấy. Nó quá bất công!
Sau này, tôi vẫn phối hợp với họ trong những chương trình đối tác mời Nhà hát hoặc mời tôi tổ chức, nhưng toàn bộ cát-sê cho những ngôi sao này do phía đối tác trả. Khoảng 4 năm nay tôi áp dụng chính sách như thế và tôi cũng không cần biết mức cát-sê của các bạn ấy là bao nhiêu. Với Trần Bình chỉ dừng ở con số 5- 7 triệu thôi, đó là sự thực.
“Thương hiệu” Gala vẫn ăn khách lắm, vậy sao “cha đẻ” của nó lâu nay lại kém mặn mà?
- Tính chất của Gala là buổi hội tụ những ngôi sao, để trình diễn nhưng gì nổi bật nhất. Ở nước ngoài, nó thường chỉ diễn ra trong 1 đêm, nhưng một chương trình Gala tôi làm kéo dài... hai tháng rưỡi và một năm làm Gala rất nhiều lần... Gala gần đây nhất tôi thực hiện vào năm 2002.
Sau này, phần vì bận, phần vì tôi bắt đầu nhìn lại sự tập hợp ấy bằng một con mắt khác nên chưa muốn làm tiếp. Một số ca sỹ khi đã trở thành “sao” thực sự theo nghĩa nhà nghề tự nhiên lại kém hấp dẫn. Việc đứng lại và tụt dốc của các "sao” khiến tôi “mất hứng”, nên trong tương lai, nếu tiếp tục làm Gala, tôi sẽ phải tính lại.
“Thích mấy cũng phải... dừng!”
Nhiều người kháo rằng, em nào muốn lên “sao” đều phải qua bàn tay “chăm sóc” của Trần Bình. Anh có muốn thanh minh không?
- Tôi hiểu ý người ta muốn nói gì rồi. Tôi xin khẳng định ở nhà hát này và với cá nhân tôi thì đến giờ chưa có chuyện ấy. Trần Bình sẽ giúp nhiệt tình, rất vô tư, chỉ với điều kiện là các bạn ấy phải có tài năng thực sự, phải chịu khó và đặc biệt là đam mê, nghiêm túc trong công việc.
Các bạn có thể gặp và hỏi tất cả các ca sỹ, nghệ sỹ. Trần Bình là người tận tình, rất chiều diễn viên nhưng cũng hay... lên cơn điên nếu họ đi quá giới hạn.
Trong lúc “trà dư, tửu hậu” với bạn bè, anh thường kêu mình khổ. Liệu có quá lời?
- Nhiều người cứ bảo Trần Bình sướng nhất, nhưng lắm lúc tôi thấy mình thật khổ. Hôm vừa rồi, cô vợ tôi than: giá kể anh dành nhiều thời gian hơn cho gia đình! Đấy cũng là một cái khổ.
Hay tôi nói mình nghèo, chắc cả nước này chả ai tin, vì tôi làm ăn như thế và lúc nào cũng phong lưu với bạn bè... Nhưng đó là sự thật. Đứa út của tôi vừa tròn tuổi. Đáng lẽ phải sinh lâu lắm rồi, nhưng cô vợ nhất định không chịu vì mấy năm nay cô ấy luôn sống trong cảnh sắp mất nhà, vì có mỗi cái nhà đang ở lại sắp bị giải toả. Đó cũng là mối bận tâm đấy, nhất là khi nhìn bọn trẻ còn quá nhỏ...
Có thể giải thích cho “sự nghèo” ấy là vì anh... lắm chốn, lắm nơi quá?
- Những năm làm Gala, tôi là ông bầu đúng nghĩa, tức là sau khi trả tiền cho mọi người, phần còn lại vào túi mình hết. Nên nói thật, hồi trước tôi có ba nhà, hai ô tô, xe máy cũng có ba, bốn cái.
Bắt đầu từ tháng 7/1991, anh em bầu tôi làm Phó giám đốc, thế là những vụ làm ăn ấy của mình biến hết thành của Nhà hát. Tiêu chuẩn chế độ thì như anh em, thậm chí còn thấp hơn các đơn ca, vì tiền tập luyện không có. Trong khi những mối quan hệ, tiếp xúc để tạo ra những chương trình, những hợp đồng thì vẫn phải tiếp tục.
Kết cục là giờ này, tôi đã bán hai cái nhà, hai chiếc ô tô và ba xe máy, giờ chỉ còn lại mỗi cái Spacy để vợ đi. Khi vợ tôi sinh một đứa con nữa, tôi quyết định “thưởng” cho cô ấy một cái xe. Nhưng cô ấy bảo bây giờ đổi xe lại phải vay tiền thì thôi.
Anh giỏi giang và phong lưu, vây quanh anh toàn các thiếu nữ trẻ, đẹp. Bà xã anh chắc hẳn có hàng tá lý do để lo lắng?
- Cũng lo lắng! Nhưng được cái, bà xã cũng biết tính tôi hay “bị lộ”. Tôi có quý mến, cưng chiều họ, nhưng đó là quan hệ rất công khai, rõ ràng.
Tôi tự vào trường xin họ về nhà hát. Rồi tạo điều kiện hết sức, cho thi tuyển vào biên chế để ổn định nghề nghiệp, công việc, phát triển tài năng. Chỉ với điều kiện là họ làm việc cho “ngon”, giữ nội quy cơ quan cho tốt. Nếu vi phạm hơn một lần, mọi thứ sẽ trở lại vạch xuất phát.
Chuyện rõ ràng như vậy nên bà ấy tin rằng, nếu có chuyện tình ái hoặc điều “khó nói”, tôi nhất định giơ cao nhưng không thể đánh mạnh được.
Anh hùng cũng khó qua ải mỹ nhân. Lạc giữa một rừng người đẹp, chẳng lẽ anh không rung động chút nào ư?
- Tất nhiên. Người đàn ông đứng trước phụ nữ đẹp không rung động mới là lạ. Nhà hát có khoảng 65 chị em, người già nhất sinh năm 1975, trẻ nhất sinh năm 1988.
Tôi chỉ cần có tình cảm đặc biệt, chăm sóc một ai đó thì “lộ” ngay và rất khó làm việc. Thế nên thích mấy cũng phải dừng. Ở ngoài thì thoải mái hơn, nhưng không có điều kiện, vì suốt ngày ở Nhà hát. Đi ăn cũng lại chỉ thích đi ăn với người quen cũ thôi...
“Nhiều người đặt tôi viết tự truyện...”
Một phần cuộc đời anh gắn với cái tên Ái Vân. Nghe nói khi cưới nhau, hai anh chị nghèo lắm. Anh em bạn bè mỗi người phải xúm một tay lo cho đám cưới của hai người?
- Làm gì đến nỗi thế. Thực ra, Vân cưới mình đúng hơn là mình cưới Vân. Lúc ấy, Vân vừa ở Nga về sau khi tham dự chương trình “Giai điệu bạn bè”. Có được bốn chỉ vàng, làm cái gác xép ở 38 Phố Huế mất khoảng chỉ rưỡi. Còn lại đủ tiền làm đám cưới ở tầng hai Bodega, Tràng Tiền.
Thực ra hồi ấy tôi làm bầu rồi, cũng nhiều tiền lắm, nhưng khi chia tay bà vợ đầu, tôi để lại hết mọi thứ cho bà ấy.
Cưới xong, tôi ở rể. Đấy là sai lầm lớn nhất. Tới khi thấy ra vấn đề thì không kịp chữa nữa.
Vì sao vậy?
- Vì nhất cử nhất động của hai vợ chồng, cả nhà biết hết. Chưa kể gia đình bố mẹ vợ, mọi người đều phản đối Vân lấy tôi. Lúc ấy, Vân là “cành vàng lá ngọc”, toàn Việt kiều theo đuổi. Trong khi tôi chỉ là anh diễn viên quèn, ai thích?
Riêng chuyện ăn cơm thôi, gần 20 năm đến giờ tôi vẫn thấy... khiếp. “Con mời ba ăn cơm, con mời má ăn cơm, em mời anh..., em mời chị..., em mời...”. Đấy, bữa cơm nào tôi cũng lần lượt mời hàng chục thành viên trong gia đình như thế...
Rồi chuyện mùa hè, hai vợ chồng nằm với nhau, ông “bô” lên dựng dậy bắt làm kiểm điểm.... Nhiều người bạn đã đặt tôi viết tự truyện rồi đấy!
Dẫu sao đi nữa, Trần Bình nhờ có Ái Vân mới nổi tiếng?
- Nổi tiếng và cả tai tiếng nữa.
Tôi vào nghề được 13 năm thì năm 1979, Ái Vân mới về Nhà hát. Lúc đó tôi đã là solist múa của Nhà hát. Năm 1982, khi chúng tôi lấy nhau, tôi nói với Vân rằng:
“Em là người nổi tiếng, nhất là sau phim Chị Nhung và đoạt giải thưởng lớn ở Đức năm 1981. Hai người mà tham ăn thì không chơi được với nhau huống hồ là hai người nổi tiếng. Vì vậy anh tình nguyện đứng sau lưng em thôi và làm tất cả mọi điều để em trở thành số một”.
Nhưng thôi, chuyện cũ đã qua lâu lắm rồi, chả nên nhắc lại nữa ...
Theo Thu Nguyệt - VNN