Theo ban soạn thảo, Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành ngày 26/12/2018.
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kết quả của triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc việc triển khai thực tiễn, trong đó có đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý.
“Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới dựa vào đội ngũ nhà giáo, từ thừa thiếu ra sao, đào tạo thế nào, rồi đến cơ sở vật chất thiết bị trường lớp. Đây là hai chuyện lớn. Vấn đề bồi dưỡng nhà giáo đã sẵn sàn, cơ sở vật chất thì đang triển khai”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục cho biết, hai vấn đề trên cần sự tham mưu của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới thành công hay không phụ thuộc sự kết hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, phân công nhiệm vụ cũng như trách nhiệm rõ ràng của các địa phương, Sở, phòng giáo dục và đặc biệt trách nhiệm của hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên.
“Sự thành công phụ thuộc nhiều vào sự nhịp nhàng trong phối hợp các bên liên quan. Bộ GD&ĐT các bên trao đổi cởi mở những vấn đề cần làm rõ, Bộ sẵn sàng chia những thuận lợi cũng như khó khăn, không nên đặt vấn đề lỗi ở đâu mà cùng nhau chia sẻ thì công việc sẽ tốt hơn. Tất cả vì mục đích đổi mới chất lượng giáo dục”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cho biết,Bộ GDĐT cùng các Sở/Phòng GDĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và CBQL trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó có môt số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới như năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đánh giá học sinh theo năng lực,...
Cũng theo ông Minh, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Các Sở/Phòng GDĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình đào tạo mới. Cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật thực hiện đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy môn học Giáo dục nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông; đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học; đào tạo giáo viên theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 2%/năm)”- ông Minh nhấn mạnh.
Chương trình mở liệu… có mở
Trước vấn đề băn khoăn của nhiều lãnh đạo các Sở GD&ĐT các tỉnh khi tham gia hội nghị trực là chương trình mở thì quyền hạn của địa phương, nhà trường, giáo viên cũng như học sinh sẽ thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng cho rằng, cần làm rõ những quyền hạn của địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh trong chương trình giáo dục mới này.
GS Thuyết cho rằng, địa phương sẽ có quyền tự xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương - một phần chương trình học bắt buộc theo khung chương trình mới phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực của từng địa phương và đặc thù của vùng miền.
Đối với quyền hạn của nhà trường, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy.
“Đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam không quy định số tiết mỗi môn hàng tuần, chỉ đưa ra số tiết, số môn trong năm học. Nhà trường sẽ hoàn toàn tự quyết và cân đối số lượng tiết học của mỗi môn trong mỗi tuần học”- GS Thuyết nói.
Cũng theo ông Thuyết, chương trình môn học này được tích hợp ở cấp tiểu học vào hoạt động trải nghiệm nhưng từ lớp 6 trở lên, số lượng tiết học cho chương trình học này khá đáng kể nên việc chủ trì biên soạn, tổ chức thẩm định tài liệu và báo cáo Bộ GD&ĐT phê duyệt sẽ do UBND các tỉnh chủ động triển khai.
Về vấn đề các môn học, GS Thuyết chỉ ra, với môn ngoại ngữ cấp tiểu học, trường có quyền quyết định việc sẽ dạy ngoại ngữ từ lớp 1, lớp 2 hay không. Nếu tỉnh nào phát triển, cha mẹ có nhu cầu và nhà trường đáp ứng được thì quyết được việc dạy hay không.
Ngoài ra, ở ấp THCS, trường cũng sẽ quyết định việc dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh hay không căn cứ vào nhu cầu của địa phương, học sinh và điều kiện của nhà trường.
Liên quan đến băn khoăn về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng không quá 7 tiết/ngày khiến thời gian buổi học chiều bị dôi dư, GS Thuyết cho rằng trường hoàn toàn chủ động tổ chức vui chơi văn hóa, nghệ thuật cho học sinh, điều này không bắt buộc, phụ huynh có quyền lựa chọn cho con.