Nóng tuần qua: Khởi động dự án triệu đô đổi mới giáo dục

TPO - Khởi động dự án triệu đô hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Đình chỉ hiệu trưởng “bỏ túi riêng” hàng trăm triệu đồng tiền ăn của trẻ, công bố bộ đề thi thử nghiệm 14 môn thi kỳ thi THPT quốc gia là những thông tin quan trọng của ngành giáo dục tuần qua.

Công bố bộ đề thi thử nghiệm 14 môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Chiều 20/1, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố bộ đề thi thử nghiệm 14 môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị thi.

(Xem 14 bộ đề thi thử nghiệm 14 môn kỳ thi THPT tại đây)

Khởi động dự án triệu đô hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông

Chiều 17/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị khởi động dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông" (RGEP) với cam kết tài trợ cho vay 77 triệu USD (vốn ODA ưu đãi) và 3 triệu USD (vốn đối ứng) từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để thực hiện dự án.

Ông Đoàn Văn Ninh - Giám đốc Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho hay, kết quả đầu ra chính của dự án gồm 7 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân; Bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn được phê duyệt cho phép sử dụng; Học sinh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; Sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số); Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng được đưa vào hoạt động; Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và áp dụng.

Dự án bao gồm 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí. Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí. 25% còn lại dành cho hai thành phần “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.

Đình chỉ hiệu trưởng “bỏ túi riêng” hàng trăm triệu đồng tiền ăn của trẻ

Liên quan vụ bà Ngô Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) “bỏ túi riêng” hàng trăm triệu đồng tiền ăn của trẻ, UBND quận Liên Chiểu vừa có quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với bà Hòa.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), qua thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động nhà trường tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phát hiện trường này sai phạm quy định hành chính, pháp luật trong thu chi hành chính với tổng số tiền hơn 628 triệu đồng. Trong đó, thu tiền học năng khiếu của trẻ không nhập quỹ gần hơn 195 triệu đồng, phần chênh lệch từ tiền ăn các bữa và tiền sữa của trẻ từ tháng 9/2015 - 5/2016 là hơn 433 triệu đồng.

Từ tổng số tiền sai phạm quy định hành chính, pháp luật hơn 628 triệu đồng, bà Ngô Thị Hòa đã lấy sử dụng cho mục đích cá nhân gần 200 triệu đồng; sử dụng chi cho các hoạt động không đúng mục đích của nhà trường hơn 428 triệu đồng.

Sẽ công bố báo cáo giáo dục hằng năm


Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi làm việc với Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam gồm UNESCO, UNICEF, UNFPA và UN Women vào sáng 18/1.
“Chúng tôi rất chú trọng đến tăng cường các hoạt động giáo dục, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc và các vùng khó khăn, đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đồng thời rất quan tâm đến giáo dục suốt đời, nhiệm vụ này nếu quan tâm đầu tư tốt sẽ nâng cao năng suất lao động và đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhiều người” - Bộ trưởng nói.

Trao đổi với đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra 5 nội dung mong muốn nhận được hỗ trợ, quan tâm từ các tổ chức của Liên hợp quốc trong 5 năm tới. 

Đó là: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho các nữ giáo viên (đặc biệt nữ giáo viên sống ở khu vực nông thôn, các vùng miền núi, khó khăn, các khu công nghiệp, chế xuất); Nâng cao tầm vóc, thể lực cho học sinh để góp phần phát triển giáo dục toàn diện; Tìm giải pháp để khắc phục, hạn chế bạo lực học đường, tạo ra sự an toàn và thân thiện trong mỗi nhà trường và môi trường giáo dục nói chung; Hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý giáo dục ở mọi cấp học và trình độ đào tạo từ mầm non đến đại học; Hỗ trợ kỹ thuật về phương pháp thống kê các chỉ số phát triển nguồn nhân lực và chỉ số phát triển con người.

Để thực hiện 5 nội dung trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tổ chức một nhóm chuyên gia nghiên cứu. Nhóm chuyên gia này sẽ kết nối với các tổ chức của Liên hợp quốc để triển khai hiệu quả và bền vững các ý tưởng. Đơn vị đầu mối được Bộ trưởng giao thực hiện là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây, GD&ĐT sẽ có công bố báo cáo giáo dục Việt Nam thường niên. Đây sẽ là một báo cáo tiếp cận với chuẩn mực quốc tế về mặt kỹ thuật cũng như những nội dung, mục đích đặt ra.

Diễn đàn giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu tháng 3 năm 2017.