Ngành điện ảnh gặp khó
Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) (sửa đổi) chiều ngày 26/11 với tỷ lệ tán thành đạt 84,97%. Với bộ luật này, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Trước đó, mức thuế của những hoạt động này được quy định ở mức 5%. Như vậy, thuế VAT với ngành văn hóa đã tăng gấp đôi. Phần lớn những người làm điện ảnh, văn hóa, việc tăng thuế là tin buồn. Hiện tại, với nhiều người, việc tồn tại, phát triển trong ngành này vốn đã có nhiều khó khăn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - nêu thực trạng điện ảnh Việt đang phải đối diện với khó khăn lớn khi phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến từ nước ngoài và thị hiếu ngày càng cao của khán giả, công chúng.
"Có sự thật rằng xã hội còn nhìn nhận ngành điện ảnh tương đương như một hoạt động giải trí, có hay không có cũng như nhau. Trong thời gian sắp tới lĩnh vực điện ảnh cần tập trung tự cứu mình trước khi chờ cứu", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Đóng hàng trăm tỷ đồng tiền thuế
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - chia sẻ câu chuyện về dự kiến đóng thuế VAT sau khi mức thuế tăng gấp đôi. Theo ông Tú, nhà sản xuất Trinh Hoan (HK Films) thông tin mỗi năm HK Films sản xuất nhiều phim Việt Nam. "Số tiền nộp thuế nếu thuế VAT ở mức 10% lên đến hàng trăm tỷ. Số tiền ấy để làm nhiều đầu phim mới thì có giá trị hơn nhiều", Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu.
Theo đó, mức thuế VAT khi áp dụng dễ thấy nhất sẽ ảnh hưởng đến khán giả, công chúng.
Một số nhà sản xuất lo ngại khi giá vé tăng, khán giả sẽ ngại ra rạp. Điều này càng khiến thị trường điện ảnh nhỏ bé như Việt Nam ngày càng thất thế trước các phim ngoại nhập.
"Các rạp sẽ phải tăng giá vé lên thêm 5%. Người xem sẽ cân nhắc nhiều hơn khi bỏ tiền ra mua vé xem phim. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra rào cản cho những phim Việt Nam có ít yếu tố thương mại, hoặc không đủ mạnh. Vì khán giả có xu hướng chọn phim nước ngoài và bỏ qua phim Việt", nhà sản xuất Án mạng lầu 4 Nguyễn Hữu Tuấn nhận định.
Đạo diễn Bi, đừng sợ Phan Đăng Di nhận định thuế VAT không chỉ đánh trực tiếp vào khán giả mà còn đánh vào mọi hoạt động sản xuất phim. Việc này ngầm khuyến khích biến hoạt động văn hóa thành hoạt động kiếm tiền.
"Tất nhiên sẽ có những dự án hoặc những người mà đối với họ 10% không sao cả, nhưng khi có một sự đánh đồng như vậy vô tình khiến tất cả phải tập trung kiếm tiền. Về bản chất việc này sẽ là rào cản để tạo ra những sản phẩm mới, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật, độc lập. Những phim này dẫu khó tiếp cận công chúng nhưng cần thiết cho đời sống tinh thần người dân, làm đa dạng và nổi bật tiếng nói nghệ thuật độc lập", đạo diễn Phan Đăng Di cho biết.
'Ngoài thuế còn nhiều công cụ khác hỗ trợ điện ảnh'
Ngành điện ảnh đối mặt với nhiều thách thức sau khi thuế VAT, tuy nhiên, tin vui cũng nhanh chóng đến với ngành khi Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 vào sáng ngày 27/11.
Theo đó, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cho phép tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
"Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Ngành điện ảnh cần nỗ lực lớn hơn để vượt qua khó khăn này. Chúng ta cũng cần tìm kiếm thêm cơ hội để khẳng định thương hiệu điện ảnh Việt", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Thực tế, ngoài thuế VAT, vẫn còn có rất nhiều công cụ khác để hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà làm phim điện ảnh. Theo nhà sản xuất Cu li không bao giờ khóc Trần Thị Bích Ngọc, việc tăng thuế là cần thiết với những khu vực điện ảnh có thu cao, xã hội hóa thành công.
"Ở một số quốc gia khác ngoài, thuế còn có các quỹ hỗ trợ văn hóa, sản xuất điện ảnh… nhằm hỗ trợ phát triển điện ảnh nội địa. Điện ảnh luôn có sự đa dạng, có sự đóng góp của các tác phẩm khác nhau như điện ảnh Nhà nước, điện ảnh độc lập, điện ảnh tư nhân… Tuy nhiên, với những bộ phim có ngân sách thấp hay những tác phẩm đầu tay của các đạo diễn vẫn cần hỗ trợ bằng nhiều cách", nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết.
Những bộ phim đặc thù này dù mang lại sự đa dạng cho điện ảnh nhưng lại khó cạnh tranh công bằng với các bộ phim có ngân sách để truyền thông, quảng bá khi ra rạp. Vì vậy, bà Trần Thị Bích Ngọc đề xuất dòng phim độc lập, các tác phẩm đầu tay cần sự hỗ trợ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất vẫn mong muốn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ để phát triển điện ảnh. Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn mong nhà nước có chính sách để những người làm phim tiếp cận được với vốn ngân hàng, phần vốn trích Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...
Về thị trường, ông Hữu Tuấn mong nhà nước có thể tích cực đưa ra các quy định để quản lý thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Một trong những nguồn lực hỗ trợ phát triển điện ảnh được các nhà làm phim chờ mong nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới nhất được thông qua, việc sử dụng quỹ này không có tiến triển.
"Hiện nay trong Luật điện ảnh có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng chưa có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Phần lớn mọi người đều mong chờ bởi quỹ này càng sung túc thì các tác giả càng có điều kiện làm phim, đặc biệt là tác giả trẻ, mang được phim đến các liên hoan phim quốc tế", ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nêu.
Để phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tư là việc phải làm. Tuy nhiên, đầu tư chưa chắc đã có tác phẩm xứng tầm nhưng nếu không đầu tư sẽ không có gì.