Nông dân nói chữ nghĩa

TP - Ở thôn quê, lúc ăn đám giỗ, nông dân hay bàn luận đủ chuyện. Những chuyện họ không nắm vững, họ bàn luận càng hăng. Đặc biệt về khoản chữ nghĩa, họ bàn luận càng dữ. Không khí càng gay cấn, miếng ăn miếng uống càng ngon miệng.

Ví như một nông dân A. râu tóc quên cắt, mở đề: "Có những câu vè lừng danh như: "Con chim mày đậu trên cây/Tao đứng dưới gốc mày bay đằng nào?/ Con cá mày ở dưới ao/ Tao tát nước vào mày chạy đằng mô?/ Con kiến mày ở trong nhà/ Tao đóng cửa lại mày ra đằng nào?" Tại sao nghe chúng, mình lại vui quá trời như thế? Ai giảng rõ được xem nào? Giơ tay lên?".

Vậy là nông dân B. lật đật giảng ngay: "Cái lão sáng chế mấy câu vè trên, lão cứ tưởng con chim, con cá, con kiến cũng đều là con người như lão, nên lão mới hăm dọa chúng dữ dằn đến thế. Rõ là đồ ngu nên mình phải tức cười chớ".

Cả bàn vỗ tay: "Đúng thế. Giỏi lắm. Giảng rất sát. Không chê vào đâu được".

Nông dân C. chen vào: "Nhưng đó là cái tức cười lộ liễu dễ giảng. Có những cái tức cười sâu hơn, phải nghĩ kỹ lưỡng mới biết. Tỷ như câu tục ngữ "chín người mười ý". Nghe câu này hoàn toàn không thấy vui tí nào. Vậy thì câu này có vui không? Vị nào chỉ ra được xin thưởng ba cốc rượu và một miếng thịt lụi. Có vị nào không?".

Nông dân D. tức tốc đứng dậy, giảng rành mạch:

"Xin thưa liệt vị, chín người phải chín ý, sao lại tới mười ý? Có đấy. Ông bà mình nói đâu có đấy, có mười ý đấy. Xin giảng: Vì trong số chín người ấy có một người có hai ý. Hắn ta có hai ý để dự phòng khi một ý của mình bị hỏng. Thằng cha này khó chơi đấy."

Cả bàn lại vỗ tay: "Hay lắm. Đúng quá. Gặp thằng cha hai ý ấy mệt lắm. Thưởng liền cho nông dân D. trí tuệ này ba chung rượu".

Nông dân E. nhỏ nhẹ nói:

"Còn câu tục ngữ "rung cây nhát khỉ". Câu này cũng hoàn toàn không tức cười gì cả. Vậy thì câu này có vui ở chỗ nào không? Ai giảng được sẽ tôn sư phụ. Có ai không? Giơ tay lên?".

Nông dân G. giảng ngay: "Thưa quí vị, câu này chỉ khôi hài khi ai áp dụng nó. Vì khi hắn ta hùng hổ nói với tôi rằng: "Anh đừng có rung cây nhát khỉ đấy nhé", thì lúc ấy tôi là người nhưng hắn ta lại là khỉ. Ối trời! Hắn ta đã là khỉ mất rồi!".

Cả bàn lại vỗ tay rầm rầm: "Chúc mừng sư phụ. Đúng thế. Đạt. Chúc mừng sư phụ".

Nông dân H. nói:

"Còn câu ca dao"Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Bọn nó ở chung một giàn thì cứ ở, việc chi mà phải kêu gọi ầm ĩ bầu phải thương lấy bí? Ai giải được câu này cũng xin tôn làm sư phụ".

Nông dân Y. giảng ngay: "Những việc này, có trồng bầu trồng bí mới rõ. Dây bí ở chung với dây bầu, dây bí không ra trái. Cả dây bầu cũng không ra trái nốt. Xóm mình không ai trồng bí và bầu chung một giàn cả, chỉ có tác giả câu ca dao trên là không biết điều này nên mới kêu gọi lên như thế".

Nghe thế cả bàn ngạc nhiên lắm. Có thật như vậy không nhỉ? Hóa ra cả bàn ngồi đây chưa ai trồng bầu và bí chung một giàn, nên tất cả đều mù tịt. Và thế là đột nhiên họ lúng túng, cứ loay hoay như gà mắc tóc.

Thấy thế, nông dân K. bèn nói: "Có vị nào giảng được lý do tại sao chúng ta lại lúng túng không? Giảng được cũng xin tôn làm sư phụ?"

Nông dân L. giảng giải: "Vì ai cũng "bí" nên mới ra như thế!".

Và, cả bàn lại cười rầm rộ, lại uống lại ăn...

Theo Báo giấy