Có thư ngoài cửa
Letter To Angel (L2A) là một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng thư tay như một phương tiện nghệ thuật để xây dựng sự cảm thông và sự tự nhận thức bản thân cho tất cả mọi người. “Có thư ngoài cửa” là một dự án chia sẻ thư tay trực thuộc L2A. Theo đó, tất cả mọi người có thể chia sẻ câu chuyện và suy nghĩ của mình một cách tự do không giới hạn chủ đề, và mọi câu chuyện đều sẽ nhận được phản hồi bằng thư tay, hơn nữa đều sẽ được đính kèm một món quà nghệ thuật độc quyền từ L2A.
Bởi vì nội dung thư đều rất riêng tư và đa phần nhạy cảm, L2A cam kết không để lộ thông tin cá nhân của người viết dưới bất kì hình thức nào.
L2A thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ nhận thư trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, nhưng đến đầu tháng 6/2017 đã mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Những “chị Thanh Tâm” giống như trong tất cả các đường dây tư vấn tâm lý khác, đều không dùng tên riêng. Và theo như chia sẻ của ban tổ chức, họ đều “đã được tuyển chọn kỹ lưỡng, phần lớn đều trải qua mấy “cái tình” của tuổi trẻ, có kỹ năng tư vấn tâm lý và… khả năng viết tay từ đẹp trở lên”.
Một thành viên của L2A lý giải về ý tưởng viết thư tay: “Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận các câu chuyện bằng rất nhiều phương tiện khác nhau: qua chuyện trò trực tiếp, qua điện thoại, qua báo đài v.v… Nhưng sẽ không có câu chuyện nào đặc biệt như chuyện của thư tay. Bởi vì chúng lỗi thời. Hoài niệm. Và khác biệt. Những bí mật của lá thư thời chiến, của người vợ xa chồng, của người con gửi cha mẹ, của bè bạn gửi nhau lúc chia tay khoảnh khắc học trò… đều được ghi lại một cách chân thật qua những lá thư. Viết thư khiến người ta dễ dàng cởi mở hơn”.
Ngoài việc nhận thư và hồi âm, mỗi năm, L2A còn tổ chức các chương trình nghệ thuật về thư dưới hình thức triển lãm cùng với các hoạt động sáng tạo thu hút hàng trăm người tham gia.
Viết thư để chữa trầm cảm
Những người viết thư cho L2A đa phần còn trẻ, và những nội dung thư đa phần đều “có vấn đề”. Đó là câu chuyện của một cô gái bị căn bệnh trầm cảm giày vò mỗi giây phút. Là câu chuyện của người con có mẹ tâm thần. Lắm khi là về cái bối rối của tình yêu đầu tiên, cái đau xót khi tình chia xa lỡ dở. Và cả cái vui dịu dàng của đôi ba kí ức bạn bè, mẹ cha, thời thơ ấu.
Cũng có một số người tham gia “Có thư ngoài cửa” đơn giản vì thích viết thư tay, như Hà Phương Thảo: “Mình rất thích thư tay và con tem của bưu điện, nhưng xã hội hiện đại quá, chẳng mấy ai có thời gian đủ để viết. Nhiều khi, rất muốn viết, nhưng không biết viết cho ai, và chắc gì người ta cũng thích thể loại thư viết tay giống mình”.
Đối với một số trường hợp có vấn đề tâm lý nặng, L2A đã phải nhờ đến bác sĩ tâm lý tham gia tư vấn giúp.
Một thành viên L2A cho biết: “Những “lá thư nặng nề” nhận được mỗi ngày chúng tôi vừa buồn lại vừa vui. Buồn vì tuổi trẻ bây giờ sao nhiều “bóng tối” quá. Vui vì các bạn nói ra được, đó là có hy vọng thoát ra được”.
Có những lá thư gửi đến L2A chỉ vỏn vẹn có 8 chữ: “Bạn sẽ viết gì cho tôi về cú sốc đầu đời?”
Có những lá thư “u ám đến nghẹt thở”: “Mình là một kẻ suýt nữa thì nhảy từ tầng 24 xuống vào một ngày đầu tháng tư đây. Mình đã suýt nữa thì nhảy ra khỏi thế giới này. Từ một tầng thứ 24 của một tòa nhà nào hoang vắng. Mình là một kẻ mắc chứng rối loạn lưỡng cực”...
L2A đã phải đắn đo rất nhiều mới ra một lá thư hồi âm, phá lệ tiết lộ tên người viết và người nhận:”Hồi ấy, Linh cũng sợ tương lai lắm, vì không biết mình sẽ thành người như thế nào. Thế là Linh ngồi viết thư cho Linh của tương lai. Từ Phong Linh 17 tuổi gửi cho Phong Linh 25 tuổi, 35, 60,... Linh hỏi “người ấy” rất nhiều: rằng Linh có khỏe không, có đang hạnh phúc không, còn hỏi rằng liệu 60 tuổi Linh có đang cùng chồng lái môtô xuyên Việt không? Có thể những ước mơ của Linh trong tương lai ấy sẽ thay đổi, nhưng chí ít, Linh đã từng có một mơ ước gì và nhắn nhủ gì đó cho tương lai. Ít nhất Linh đã từng sống rất trọn vẹn”.
Còn những băn khoăn kiểu như: “không biết tương lai về đâu, không biết mình muốn gì” chính là “món hàng ngày” ở L2A.
Trích thư gửi: “Giờ tôi 20, là sinh viên đại học năm 2 sắp sửa năm 3 nhưng muốn chạy mà cứ bị xích lại. Khó chịu vô cùng! 20 tuổi lên mạng đọc báo bằng tuổi mình hay kém hơn đã làm được ra tiền và những điều thật có ích cho đất nước của họ. Nhìn xuống bản thân mình thấy xấu hổ vô cùng”.
Một hoang mang khác: “20 tuổi có anh người yêu tốt bụng, luôn động viên tôi cố gắng thế mà tôi lúc nào cũng ủ rũ, ảm đạm, kém cỏi. Trong nhà, bố thì có con ở ngoài, về nhà không vừa ý là quát mắng, tôi chẳng hiểu gì về cái gia đình này nữa, tôi đã yêu thương nó hơn chính bản thân nhưng giờ đây nhà là nơi tôi khóc nhiều hơn. Nó không còn là nơi tôi chia sẻ nữa, nó hỗn độn, rối rắm, bế tắc không nút nào tháo ra được. Bản thân giờ chẳng biết phải tiếp tục sống như thế nào nữa”.
Trích thư trả lời: “Mỗi người trong chúng ta có một thứ tài sản, đó là câu chuyện của riêng mình. Mười người thì sẽ có mười câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Bạn có biết điều đầu tiên khiến cho chúng ta có giá trị là gì không? Đó là ở đâu đó vẫn có người chúng ta yêu thương, và vẫn có người yêu thương chúng ta”.
Một biện pháp trị liệu tốt
Chưa nhiều, song đã có người đem câu chuyện thư tay của L2A lên facebook để cảm ơn.
Mộc Miên viết: “Lúc ngồi viết thư cho L2A là lúc tôi tuyệt vọng nhất. Bố mẹ ly hôn, bạn trai quay đầu. Lúc ấy vừa buồn vừa xấu hổ, nhìn đâu cũng thấy như người ta đang cười mình. Tôi xù lông như con nhím, câng mặt lên với bất kỳ ai có ý định hỏi han. Nhưng tối về thì mất ngủ, chỉ biết ôm gối khóc. Tôi quyết định viết thư cho L2A, như viết nhật ký. Khi nhận thư hồi âm, tôi sờ vào những chữ viết tay rất nhiều lần, cảm giác như có người đang an ủi mình. Sau này đỡ hơn, tôi vẫn hay khuyên bạn bè của mình nếu bế tắc hãy thử viết ra. Viết nhật ký cũng được. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu viết thư và được hồi âm, thì tâm trạng sẽ đỡ tệ hơn nhiều”.
Hoa Hướng Dương kể: “Một bí mật tôi tự giấu trong lòng gần mười năm, như cái dằm, rất khó chịu. Viết thư cho L2A xong, tôi cảm thấy như đã bỏ xuống một gánh nặng. Nhận thư hồi âm và được nghe câu chuyện tương tự, tôi mới biết, hóa ra mình không phải là bất hạnh duy nhất. Cảm ơn L2A nhiều lần”.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Hà (BV Tâm thần Mai Hương) cho biết: “Viết hoặc nói ra vấn đề của mình là một bước bắt buộc trong điều trị các ca chấn thương tâm lý. Biện pháp động viên người bệnh viết thư cho một người tin cậy (không lo bị lộ thông tin hoặc bị cười cợt, đánh giá) là một cách làm hay, có lẽ tôi sẽ thử áp dụng trong các trị liệu của mình. Người ta có tâm lý cởi mở và cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ bí mật với một người lạ. Viết là một cách dễ mở lòng hơn nói vì dù sao nó là giao tiếp gián tiếp. Đối với những người trẻ đang có vấn đề về tâm lý, nhiều khi chỉ cần một người biết lắng nghe, nghe vấn đề của họ, trò chuyện và thông cảm, tức thì rất nhiều rắc rối đã được giải quyết và không để kéo dài thành bệnh mãn tính”.