Từ trường học…
Thấu hiểu nguyện vọng có được việc làm để tự nuôi sống bản thân của học sinh khuyết tật sau khi rời ghế nhà trường, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk thành lập Phòng hướng nghiệp từ năm 2008 để hỗ trợ kỹ năng hòa nhập xã hội và liên hệ các cơ sở dạy nghề phù hợp với thể trạng từng người , như nghề may, thêu, đan lát, làm sản phẩm thủ công… Hiện tại Trung tâm cũng đang có lớp dạy nghề làm hoa voan và mộc cho các học sinh sắp ra trường.
Ghé lớp dạy làm hoa voan vào buổi chiều mát đúng lúc học sinh đang tập trung bọc voan trùm lên khung cánh hoa theo hướng dẫn của cô giáo, các em lễ phép cười tươi cúi chào chúng tôi rồi tiếp tục phần việc của mình. Tuyệt nhiên không hề thấy có sự e ngại, rụt rè tự ti. Nổi bật trong nhóm là Trần Lê Huỳnh, 17 tuổi, nhà ở huyện Ea Kar, Đắk Lắk, bị câm điếc bẩm sinh. Huỳnh vừa chơi thể thao giỏi, vừa là một “cây văn nghệ” mang về nhiều giải thưởng cho trường trong các cuộc thi cấp tỉnh. Hiện Huỳnh đã hoàn thành xong khóa học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật và sắp ra trường, nên em chăm chỉ học nghề mong sau này kiếm được công việc ổn định, hợp với bản thân.
Cô Nguyễn Thị Thoa - Phó giám đốc Trung tâm cho hay: Học sinh ở đây đến từ các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk… Khi nhận vào, Trung tâm sàng lọc, chọn những em có tiềm năng, khả năng tiếp thu. Học xong khóa chuyên biệt 5 năm hoặc đủ 16 tuổi, học sinh ra trường tham gia hòa nhập cộng đồng. Có em tiếp tục theo học chữ, em lớn tuổi muốn học nghề thì Trung tâm liên lạc với những cơ sở dạy nghề nhiệt tình muốn giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn để giới thiệu. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức hội thảo hướng nghiệp cho học sinh, mời các doanh nghiệp cùng tham gia để tìm cơ hội việc làm, tạo môi trường xã hội tốt cho trẻ em hòa nhập, ổn định cuộc sống.
…đến trường đời
Một trong những nơi đi đầu trong việc nhận, đào tạo trẻ khuyết tật thành thợ có tay nghề giỏi là chị Trần Thị Phương Thu - chủ cơ sở thổ cẩm Phương Thu (đường Y Ngông, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột). Sau nhiều năm công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk, chị Thu dành niềm đam mê đặc biệt với nghề dệt thổ cẩm, mong muốn tạo công ăn việc làm bền vững cho người khuyết tật.
Tháng 7/2013 chị Thu thành lập cơ sở với số vốn ban đầu hơn 500 triệu đồng. Chị sửa sang lại 2 phòng trọ của gia đình làm chỗ nghỉ ngơi cho học viên, tận dụng khoảng sân trống trước nhà làm nơi sản xuất và dành một vị trí nhỏ mặt tiền để trưng bày sản phẩm. Lớp đầu tiên chị nhận 4 học viên khiếm thính ở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy Vọng (nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk). Thời gian đầu, chuyện bất đồng ngôn ngữ khiến chị gặp khó trong việc dạy nghề may và hướng dẫn các em sinh hoạt như người bình thường. “Ngay từ đầu tôi xác định chọn các em khuyết tật để gắn bó, dù khó đến đâu tôi vẫn quyết làm bằng được. Tôi cùng 3 thợ may lành nghề, mỗi người kèm một em dạy từng đường kim mũi chỉ cho đến khi thạo. Có em nhanh trí hướng dẫn vài lần là làm được ngay, nhưng cũng có em chúng tôi phải kiên trì, bền bỉ “cô trò cùng đánh vật” - Chị Thu tâm sự. Vừa dạy nghề, chị Thu vừa dạy cho các em làm bếp, rèn thói quen sinh hoạt, nắm bắt tâm sinh lý từng em để kịp thời uốn nắn, khuyên bảo.
Các lứa học viên của chị hòa nhập với môi trường xã hội rất tốt, nhiều em đã lập gia đình, sinh con và luôn xem cơ sở là gia đình thứ hai. Một trong số đó là Nguyễn Viết Hòa (22 tuổi) nhà ở nội thành Buôn Ma Thuột. Hòa mất mẹ khi mới lọt lòng, bố đi bước nữa, Hòa sống với ông bà nội già yếu. Thiếu thốn tình cảm gia đình, lại bị câm điếc bẩm sinh nên Hòa dồn hết vui buồn, tâm sức vào việc tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Hiện cơ sở có 10 học viên khuyết tật tuổi đời từ 18-22, coi nhau như anh em một nhà, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc lẫn sinh hoạt thường ngày. Nơi ở miễn phí, hằng tháng mỗi học viên chỉ đóng tiền ăn 800 nghìn đồng/ người, với mức lương dao động 2-3 triệu đồng/tháng. Nhờ nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, giá cả phải chăng nên cơ sở kinh doanh Phương Thu có việc làm và thu nhập ổn định quanh năm.
“Niềm vui của tôi là được thấy các em khuyết tật vừa giỏi tay nghề vừa lanh lẹ, tự tin trong giao tiếp. Năm nào tôi cũng giúp các em tham gia mở gian hàng hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội cho các em thích nghi với cuộc sống vừa nhộn nhịp vừa phức tạp ngoài kia…”- Chị Thu nói.
Mối tình lặng im
Nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ 443 Nguyễn Văn Cừ, thành phố Buôn Ma Thuột, cơ sở gỗ mỹ nghệ của anh Trần Đăng Đạo được nhiều khách hàng biết đến nhờ sản phẩm được chạm khắc tinh xảo do đôi tay những bạn trẻ khuyết tật tạo nên. Trong đó, có đôi vợ chồng khiếm thính Minh - Huệ khiến bất cứ khách nào đến xưởng cũng ngưỡng mộ.
Anh Trần Thanh Minh (28 tuổi) nhà ở Cư Kuin và chị Trần Thị Minh Huệ cùng tuổi ở huyện Buôn Đôn bị câm điếc bẩm sinh, quen nhau khi cùng học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Ngày tháng bên nhau cùng học tập, lao động họ cảm mến nhau và quyết định gắn bó với nhau. Sau 8 năm tìm hiểu thử thách, anh chị mới chính thức nên duyên vợ chồng. Khi biết chắc chị Huệ có thai, cả hai vợ chồng đều lo lắng. “ Sợ con sinh ra giống bố mẹ, cả đời sống trong im lặng. Khi con chào đời khỏe mạnh, bình thường, vợ chồng mình bật khóc vì hạnh phúc” - chị Huệ xúc động nói bằng cử chỉ.
Hiện con gái anh chị Huệ-Minh đã 5 tuổi. Cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả nhưng luôn hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. “Bây giờ mình đã có vợ, có con và công việc ổn định nên không mong ước gì hơn ngoài sức khỏe để lo cho tổ ấm. Nhờ có Trung tâm giúp mình mới gặp được vợ, còn anh Đạo đã tạo công việc cho vợ chồng mình ổn định cuộc sống. Xã hội này thật tốt lành, nhân hậu, nên những người không may chịu cảnh khuyết tật như chúng tôi mới được sống vui như thế !”- Anh Minh múa tay, diễn tả niềm vui không nói hết với chúng tôi.
“Ngay từ đầu tôi xác định chọn các em khuyết tật để gắn bó, dù khó đến đâu tôi vẫn quyết làm bằng được. Tôi cùng 3 thợ may lành nghề, mỗi người kèm một em dạy từng đường kim mũi chỉ cho đến khi thạo. Có em nhanh trí hướng dẫn vài lần là làm được ngay, nhưng cũng có em chúng tôi phải kiên trì, bền bỉ “cô trò cùng đánh vật”.
Chị Thu tâm sự
“Với hơn hàng chục cơ sở luôn sẵn sàng nhận các em đến tư vấn giới thiệu đến tư vấn học nghề và làm việc. Những tấm lòng vàng của các cơ sở sản xuất đã mở rộng vòng tay nhân ái tiếp nhận, tạo cơ hội việc làm cho các em.
Một cảm nhận sâu sắc rằng, nếu chỉ có tạo việc làm không thôi cho các em thì chưa đủ mà cần phải có tình thương, có sự nhẫn lại, có sự tha thứ các lỗi lầm, coi các em như thành viên trong gia đình. Có những sự cảm thông ấy của các cơ sở sản xuất kinh doanh thì mới có kết quả thành công cho các em như ngày hôm nay.
Hiện nay các em coi cơ sở như nhà của mình. Có em khi được hỏi tại sao không về nhà thăm nhà? Em trả lời do ham mê công việc và môi trường năng động, hấp dẫn, cuốn hút của Trung tâm nên…quên. Có em, khi gia đình muốn đưa về nhà cùng bố mẹ làm nương rẫy, buồn quá bèn giả bộ đau ốm liên tục sau đó trốn đi đến cơ sở tiếp tục học chữ, làm nghề… Chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc khi thấy các em khôn lớn trưởng thành, say mê với công việc, các em đã chứng minh được khả năng của bản thân và tự tin hơn vào cuộc sống. Đặc biệt là các em luôn mong muốn gắn bó lâu dài với cơ sở”. Một lãnh đạo Trung tâm chia sẻ.