Chiều 9/8, đoàn công tác do ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình (tỉnh Yên Bái) làm trưởng đoàn đã đi thực tế nắm bắt tình hình các gia đình bị ảnh hưởng do thủy điện Thác Bà xả lũ gây ra.
Tại đây, ông Lê Hồng Đông (ở tổ dân phố 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình) cho biết đây là đợt xả lũ lịch sử từ năm 1996 đến giờ. Các gia đình khi biết thông tin xả lũ không nghĩ lưu lượng nước lại lớn như vậy, không chủ động di dời tài sản đến chỗ cao, khiến nhiều đồ đạc, máy móc bị hư hỏng.
Ông Đông thẳng thắn cho hay trước đây, khi thủy điện xả lũ nước tiêu thoát nhanh, nhưng hiện tại thủy điện Thác Bà 2 (cách thủy điện Thác Bà khoảng 9 km) đang xây dựng dưới hạ lưu, các hạng mục chưa hoàn thành, gây tắc dòng chảy, dẫn đến ùn ứ, ngập úng và sạt lở nhiều vị trí giáp bờ sông.
Cùng quan điểm với ông Đông, ông Phạm Kim Thao (ở tổ 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình) cho hay sau khi nước rút bờ kè và chuồng lợn bị sụt trượt, trôi xuống sông. Nhà cửa bên trong nứt toác, có nguy cơ bị cuốn xuống sông lúc nào không hay. Việc này một phần do thiên tai, lũ từ thượng nguồn đổ dồn xuống, một phần do các thủy điện trên sông Chảy gây ra.
Theo ghi nhận của PV báo Tiền Phong, dọc 2 bên bờ sông Chảy nhiều điểm bị sạt trượt nguy hiểm, nhiều ngôi nhà bị nứt gẫy phần giáp bờ sông. Dọc thị trấn Thác Bà, nhiều ngôi nhà phải di dời khẩn cấp do bị nứt nhà, sạt hở hàm ếch, có nguy cơ bị trôi sụt xuống sông. Các địa điểm khác, người dân đang dọn dẹp, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết đối với ý kiến của người dân về nguyên nhân nhà máy thủy điện Thác Bà xả lũ gây ngập, địa phương tiếp thu và phối hợp với các đơn vị liên quan để trả lời công khai tới người dân.
Lý giải về điều này, ông Linh nói thủy điện Thác Bà 2 thi công theo phê duyệt, thiết kế, thẩm định từ đầu đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật. Để đánh giá nguyên nhân cần các đơn vị chuyên môn xác định cụ thể. Việc này cần thời gian xác minh, làm rõ.
Sau việc trên, huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn để chủ động, kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân. Ngoài ra, xác định các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà nói: "Công ty rất chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của bà con. Hiện, đơn vị đang phối hợp cùng chính quyền địa phương lên danh sách những hộ bị ảnh hưởng, trước tiên sẽ đi thăm hỏi, động viên. Việc sau này hỗ trợ người dân như thế nào, công ty chưa thể cam đoan, sẽ lên phương án sau khi mùa mưa lũ kết thúc".
Ông Cường cho biết thêm, điều quan tâm nhất trong thời gian tới là nếu công ty tiếp tục xả lũ, việc phối hợp cần được quyết liệt hơn trong di dời người và tài sản để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, đề nghị các địa phương khu vực hạ du quyết liệt hơn trong việc tuyên truyền người dân di dời, chủ động cảnh báo sớm để bà con nắm bắt tình hình.