Thu nhập thực tế của công nhân không tăng
Theo phương án 1, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 tăng từ 2 triệu đồng/tháng (hiện nay) lên 2,7 triệu đồng; vùng 2 từ 1,78 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng; vùng 3 tăng từ 1,55 triệu đồng lên 2,13 triệu đồng; vùng 4 tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,93 triệu đồng.
Theo phương án 2, mức điều chỉnh lần lượt theo các vùng là 2,5 triệu đồng, 2,25 triệu đồng, 1,95 triệu đồng và 1,8 triệu đồng. Dự kiến áp dụng từ 1-1-2013.
Chị Lê Thị Giang, công nhân may mặc tại Khu công nghiệp Phúc Điền (Hải Dương) cho biết, thực tế lương của công nhân hiện đã cao hơn mức 2,7 triệu đồng (mức điều chỉnh cao nhất - PV) rồi nên dù nhà nước có tăng lương tối thiểu vùng thì lương thực tế của công nhân cũng không tăng theo.
“Trong khi đó, nghe tin tăng lương, các loại hàng hoá thiết yếu như gạo, thịt cá, rau củ quả... lại ồ ạt tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống công nhân” - chị Giang nói.
Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân của Cty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) cho hay lo nhất là giá cả leo thang. Tiền mua xăng, tiền điện, nước, giá thuê phòng trọ... nay đã tăng cao, nếu có thông tin tăng lương, chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa.
“Với mức lương gần 4 triệu đồng như hiện nay, nếu giá cả leo thang thì cuộc sống rất chật vật, khó khăn” - chị Hương lo lắng.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Xuân Quang - Giám đốc Cty Cổ phẩn thương mại và xuất nhập khẩu xây dựng Đà Nẵng cho biết, mức lương trung bình công ty đang trả cho công nhân từ 4-6 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa làm căn cứ đóng bảo hiểm, chứ thu nhập của công nhân không tăng, vì mức doanh nghiệp chi trả cho lao động đã cao hơn lương cơ bản.
Như vậy, cũng sẽ gây khó khăn đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản... vì tăng chi phí.
“Theo tôi, việc tăng lương cơ bản như hiện nay là chưa thuyết phục. Nhà nước tăng lương mà doanh nghiệp không tăng thì chỉ khổ cho công nhân. Lương chưa lên mà tiền bảo hiểm đã tăng, giá cả hàng hoá lên thì rõ ràng việc tăng lương ít ý nghĩa”- ông Quang nói.
Theo ông Bùi Viết Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) nếu tăng lương tối thiểu vùng thì Cty cũng phải chấp hành. Dù sao cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
“Toàn Cty hiện có hơn 6.000 cán bộ công nhân viên và lương trung bình đều cao hơn quy định, nên việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng đến quỹ lương của công ty. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... chắc chắn sẽ rất lớn nếu nhân với hơn 6.000 con người” - ông Quang nói.
Tăng lương để tăng... lương hưu
Trong các phương án đề xuất tăng lương cơ bản, chính Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, mức điều chỉnh cao (phương án 1), làm tăng chi phí lớn ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hai phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp, mới chỉ đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Trong lúc tình hình doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay, mức điều chỉnh theo phương án 2 chắc sẽ được nhiều người ủng hộ (tăng thêm 500 nghìn đồng).
“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục tổ chức thêm 4 hội nghị nữa để tổng hợp ý kiến trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Tuy nhiên, dù biết rất rõ doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng phải nghĩ đến người lao động. Nếu không tăng lương tối thiểu, sẽ không tăng được tiền đóng bảo hiểm và như thế, lao động sẽ không có lương hưu” - ông Huân nói.
Theo một số chuyên gia, việc tăng lương cho lao động trong lúc khó khăn này, cần cân nhắc, phải nghĩ đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp sống thì mới có cơ hội tăng lương cho người lao động. Nếu doanh nghiệp chết thì mới lo vì lúc đó, lao động thậm chí không có lương.