Nỗi lo bệnh dại

TP - Hàng trăm người tử vong mỗi năm do bị chó nhiễm virus dại tấn công.
Lực lượng săn bắt chó đang bắt chó dại thả rông trên địa bàn TPHCM Ảnh: L.N

> Những điều nên biết về bệnh dại

Bị cắn mọi nơi

Trong lúc giằng lấy trái bóng rơi ở sân với chú chó cưng của mình, cháu Nguyễn Thị O. 7 tuổi ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM bất ngờ bị chó cắn vào tay.

Thấy vết cắn không nguy hiểm nên gia đình chỉ đưa O. đến phòng khám tư rửa vết thương mà không đưa O đi tiêm ngừa dại. Tuy nhiên, 20 ngày sau, O. lên cơn dại, cùng lúc thú cưng của mình bỏ ăn rồi chết, gia đình mới hốt hoảng đưa O. đi tiêm ngừa nhưng đã quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM cho biết, bệnh dại gia tăng trong những năm gần đây cả về số ca mắc và số ca tử vong, đặc biệt là trẻ em từ 5-14 tuổi. “Trẻ thường hay đùa nghịch với chó trong khi chiều cao của các em còn thấp nên thường bị chó cắn vào đầu, cổ”- bác sĩ Phượng nói.

Bác sĩ Lê Hoàng San – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết: “Bệnh dại có thể xảy ra quanh năm, ở mọi lứa tuổi, đa số bệnh nhân chết do bệnh dại đều không tiêm vắc xin”.

Theo bác sĩ Sang có tới 97% số ca mắc bệnh là do tiếp xúc với chó ốm hoặc bị chó mèo cắn. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, từ năm 1991 đến năm 2010 có 3.523 người chết do bệnh dại.

Từ năm 2007 đến năm 2010, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 90 ca tử vong vì bệnh dại. Năm 2011 có 110 ca tử vong và trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 8 trường hợp chết vì bệnh dại do chó cắn.

“Nguyên nhân được cho là đàn chó nuôi trong cộng đồng quá lớn, nhưng tỉ lệ tiêm phòng cho vật nuôi còn chiếm tỉ lệ rất thấp. Trong khi người dân chưa ý thức được việc quản lý và giám sát được các ổ dịch dại ở động vật nên dịch dại đang có xu hướng lan rộng trong cộng đồng” - bác sĩ Phượng cảnh báo.

Trong khi bệnh dại đang tăng lên và lây lan thì Chi cục Thú y TPHCM số lượng nuôi chó trong cộng đồng vẫn tăng. Hiện có khoảng 8 triệu con chó đang được nuôi nhưng việc tiêm phòng dại rất hạn chế.

Theo báo cáo, năm 2011 bệnh dại trên đàn chó chỉ xuất hiện ở 11 xã với 66 con mắc bệnh, nhưng từ đầu năm đến nay bệnh dại trên đàn chó đã xuất hiện trên 27 xã với số chó mắc bệnh lên tới 235 con chó nuôi thả rông, không được tiêm phòng dại.

Đừng để thú cưng gây họa

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn – Trưởng phòng khám bệnh và tiêm ngừa thuộc Viện Pasteur TPHCM, hầu hết vắc xin phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao và đôi khi không có nguồn vắc xin để dự trữ phòng dịch khiến cho tỷ lên người bị dại tiếp cận tiêm ngừa còn hạn chế. Điều rất đáng lo ngại hiện nay là các tỉnh miền núi trung du như Điện Biên, Lai Châu không tổ chức tiêm bệnh dại cho vật nuôi trong nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng khẳng định, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc xin và có thể loại trừ được trên phạm vi toàn cầu. “Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ chó mèo phải ký cam kết thực hiện “5 không”: Không nuôi chó mèo chưa tiêm phòng bệnh dại; Không thả rông; Không để vật nuôi cắn người; Không để vật nuôi gây ô nhiễm môi trường và không nuôi chó mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương” – bác sĩ Phượng khuyến cáo.

Còn bác sĩ Lê Hồng Nga- Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho rằng ngoài tiêm ngừa cho vật nuôi, không thả rông chó, khi dắt chó ra đường phải rọ mõm; khi bị súc vật cắn, phải đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tư vấn cách xử lý; không nên xử lý bằng thuốc nam khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra, cần phải lưu ý khi tiêm vaccine phòng dại: Việc tiêm phòng phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn…

Virus dại có trong nước bọt của động vật bị bệnh dại xâm nhập, vào cơ thể người và động vật qua vết cắn hoặc do liếm trên vùng da bị trầy xước. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào số lượng virus đi vào cơ thể, mức độ vết cắn, số lượng vết cắn và vị trí của vết cắn trên cơ thể. Giai đoạn ủ bệnh trung bình khoảng 20-60 ngày, nhưng cũng có trường hợp chỉ từ 4-7 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm virus dại.

Theo Báo giấy