Phải vá víu vì thiếu vốn trùng tu
Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn được đánh giá là ngôi đền có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bậc nhất ở Nghệ An. Nghệ thuật chạm khắc ở ngôi đình này đạt đến trình độ tinh xảo, đề tài phong phú, đa dạng với hình tượng tứ linh, tứ quý…
Với những giá trị đó, năm 1996, đình Trung Cần được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, trải qua gần 300 năm với nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình này đang xuống cấp nặng nề.
Ông Hồ Thanh Bình, người trông coi đình Trung Cần cho biết, khoảng 20 năm trước, đình đã được sửa chữa nhẹ một lần, đến nay, mái ngói đã bị dột rất nhiều điểm. Lá mái bằng gỗ phía sau tòa hạ điện bị hỏng, kéo theo mái ngói bị oằn xuống.
Những ngày mưa, nước dột nhiều, thấm vào bên trong kèo, cột và các khung gỗ chạm trổ bên trong đình. Lâu ngày, các hoa văn điêu khắc cũng bị phai mờ, có dấu hiệu mục nát. Chính quyền cũng đã nhiều lần báo cáo hiện trạng của đình và đề nghị sửa chữa, trùng tu, nhưng đến nay vẫn chưa được vì không có kinh phí.
Nghệ An có 2.602 di tích, trong đó có hơn 480 di tích đã được xếp hạng, gồm 145 di tích cấp quốc gia, số còn lại là cấp tỉnh. Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, mỗi năm UBND tỉnh Nghệ An cấp khoảng 13 tỷ đồng để tu sửa cấp thiết, tu bổ tôn tạo các di tích bị hư hỏng. Với số tiền đó, không thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay mà cần sự chung tay của nhiều cấp, đặc biệt là các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư.
Cùng chung số phận, quần thể di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Rậm ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cũng đang kêu cứu khi dự án trùng tu đã được phê duyệt từ năm 2014 đến nay vẫn nằm trên giấy. Đền Rậm được xây dựng từ năm 1831 để thờ các vị thần và vị tướng của Lê Lợi.
Ngôi đền này không chỉ là chốn linh thiêng, nơi người dân khắp nơi về thắp hương chiêm bái mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hiếm có. Hiện, hạ điện của đền bị hư hỏng nhiều chỗ, cả một đoạn đường bờ, thanh chắn đòn tay và ngói trên mái trước hạ điện đã bị gãy, rơi rụng xuống mái hồi. Nhà tứ quan cấu kiện gỗ đã mục, ngói bị vỡ...
Nguy cơ thành phế tích
Di tích quốc gia hang Đồng Trương ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn - nơi lưu dấu khảo cổ đa văn hóa quý hiếm thời kỳ Hòa Bình và Đông Sơn đang rơi vào cảnh bị lãng quên. Đây là nơi được xác định có nhiều thế hệ người Việt cổ sinh sống, có cả đồ đá, kim khí, thủy tinh.
Từ năm 2004 - 2006, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Nghệ An tổ chức khai quật hang, phát hiện 1.173 di vật đồ đá, đồng, sắt, đất nung, xương răng động vật, dấu tích tro than thuộc văn hóa Hòa Bình cùng 4.083 mảnh gốm, 16 dọi se chỉ đất nung, dụng cụ lao động văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn.
Đặc biệt nhất là tìm thấy 12 ngôi mộ táng gần cửa hang, niên đại 10.000 - 12.000 năm. Việc phát hiện hang Đồng Trương được xếp vào một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2004. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá đây là di tích hiếm có ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Năm 2017, di chỉ khảo cổ Đồng Trương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Được kỳ vọng là địa điểm phát triển văn hóa, du lịch, thu hút du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ, song đến nay hang Đồng Trương có nguy cơ trở thành phế tích. Hiện di tích khảo cổ này là hang đá hoang vu.
Trước cửa ra vào có hàng rào sắt và dây thép gai, song đã hoen gỉ. Bảng chỉ dẫn cũ kỹ được đặt một bên vách đá, bên trong rác thải vương vãi. Hàng chục cụm thạch nhũ bị vỡ, mặt đất nhiều chỗ bị đào xới, vỏ sò trồi lên khỏi mặt hang... Đường dẫn vào di chỉ cây dại mọc cao gần 2m, che khuất cả lối đi lẫn bảng dẫn tích đặt bên quốc lộ 7...
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: “Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, xã cũng kỳ vọng di tích khảo cổ này trở thành nơi trải nghiệm, giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa trong những giờ ngoại khóa. Song để làm được điều đó, ước tính cần hàng chục tỉ đồng để tôn tạo lại di tích, điều này nằm ngoài khả năng của xã.
Để ngăn người dân, trâu bò vào xâm hại di tích, xã chỉ có thể chi tiền thuê một người dân sống gần hang trông coi, đồng thời làm đề án nâng cấp, duy tu bảo dưỡng di tích”.
Không chỉ đang bị lãng quên, một số di tích quốc gia ở Nghệ An thậm chí còn bị xâm hại. Lèn Hai Vai thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu được công nhận là di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia năm 1994. Di tích này là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m.
Tuy nhiên, 30 năm qua, lèn Hai Vai vẫn chưa được cắm mốc để bảo vệ, thường xuyên bị đục khoét để lấy trộm đất, đá. Đầu năm 2024, một đơn vị thi công cho máy múc vào đào đất mở đường, xâm hại đến di tích, vì “không biết ranh giới của di tích”. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng.