Đi học thêm buổi tối sau giờ làm việc đang trở thành xu hướng mới nhất của giới trẻ Trung Quốc, bắt nguồn từ thành phố Thượng Hải.
Trong thời gian tuyển sinh của Trường Nghệ thuật Quần chúng Đêm Thượng Hải cho học kỳ mùa thu vào tháng 9/2023, hơn 650.000 người tranh nhau đăng ký các lớp học, khiến nền tảng trực tuyến nhiều khi bị quá tải, theo Think China.
Các lớp học ban đêm được cung cấp tại Trung tâm Văn hóa Chiết Giang cũng kín lịch. Một lớp trang điểm chỉ với 30 suất học thu hút tới 1.700 người đăng ký, lớp cắm hoa thậm chí còn có 22.000 người muốn xin học.
Thư pháp, yoga, may vá, vẽ móng, luyện thanh, trang điểm hay các khóa học về di sản văn hóa phi vật thể… rất phổ biến hiện nay. Các trường học buổi tối cũng đang mọc lên như nấm ở các thành phố hạng nhất và hạng hai của Trung Quốc.
Trở lại sau 40 năm
Lần cuối cùng xu hướng học ban đêm lan khắp Trung Quốc là vào những năm 1980. Sau đó, các trường học buổi tối dần biến mất khi mở rộng tuyển sinh cao đẳng và đại học vào những năm 1990.
Trường Nghệ thuật Quần chúng Đêm Thượng Hải, khởi đầu cho "cơn sốt" trường học buổi tối hiện nay, được thành lập vào năm 2016 tại Trung tâm Nghệ thuật Đại chúng Thượng Hải. Ban đầu, nơi này chỉ cung cấp 7 khóa học như hội họa Trung Quốc, thư pháp, luyện thanh và cắt giấy, chủ yếu cho người lớn tuổi.
Xu Hao - phó giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đại chúng Thượng Hải - nói với tờ Laodong Daily rằng, kể từ khi trường học ban đêm được mở, học viên của trường chủ yếu là người trưởng thành, đang đi làm trong độ tuổi 25-40. Công việc của họ trải dài từ lập trình viên, dân văn phòng cho đến người làm việc tự do.
Sau khi trở nên nổi tiếng, trường bắt đầu cung cấp nhiều khóa học ban đêm hơn. Theo cctv.com, các khóa học trở nên độc đáo hơn, bao gồm vòng tay đính cườm, chữa bệnh, thể thao điện tử, trang điểm cổ xưa và tương tác với thú cưng.
Ngay cả các khóa học về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể được chia thành "AI we-media" (truyền thông xã hội), "AI drawing" (vẽ tranh) và "AI writing" (viết văn).
So với những năm 1980, các trường học ban đêm giờ đây cung cấp những khóa học theo sở thích phục vụ người lớn. Chúng đang mọc lên như nấm ở những thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, đồng thời lan sang nhiều địa điểm như Thành Đô, Nam Kinh, Côn Minh, Thạch Gia Trang, Trịnh Châu, Vô Tích.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại của trường học ban đêm đã bắt đầu nảy sinh. Trang Shidianrenwuzhi chỉ ra rằng, những người muốn đăng ký vào các trường học buổi tối sẽ được thêm vào nhóm WeChat khổng lồ và được yêu cầu liên tục chọn các khóa học mà họ quan tâm. Không hề có quy trình bài bản hay tiêu chuẩn dịch vụ phù hợp ở đây.
Ngoài ra, một số trường học trực tuyến ban đêm không có địa điểm cố định và rất khó để xác định bằng cấp của giáo viên. Việc thiếu dịch vụ hậu mãi cho các khóa học cũng là nguy cơ tiềm ẩn.
Trào lưu kinh doanh mới
Mặc dù còn nhiều bất cập, các trường học buổi tối vẫn thu hút giới trẻ đổ xô đăng ký. Một trong số lý do chính là chi phí của những khóa học khá thấp.
Một cuộc khảo sát trên thị trường cho thấy, các khóa học hầu hết có giá 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng) cho 12 buổi. Ở các thành phố hạng nhất, con số sẽ cao hơn, lên tới hàng nghìn nhân dân tệ.
Thực tế, với không ít người, việc tham gia lớp học buổi tối không phải để có kiến thức chuyên sâu mà là cơ hội để trải nghiệm thứ mình thích với mức giá phù hợp túi tiền.
Trong những tuần qua, các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc như Xinhua, People's Daily và China Youth Daily đều đăng bài viết về các trường học ban đêm và ủng hộ sự lựa chọn của giới trẻ.
China Youth Daily cho rằng, các trường học ban đêm có thể giúp người lao động cảm thấy tốt hơn giữa cuộc sống mệt mỏi. Đó là nơi mang đến những trải nghiệm mới và giúp khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Điều đáng suy nghĩ là, khi các trường học buổi tối được mô tả như một kênh thuận tiện để tiếp thu các kỹ năng, phương thuốc chữa khỏi tình trạng kiệt sức của dân công sở, nơi trú ẩn tinh thần cho mọi người, đằng sau "sự yên bình" này có ẩn chứa nhiều lo âu hơn không?
Khi số lượng thanh niên đi học ban đêm tăng lên, số người có công việc phụ cũng tăng lên đáng kể.
Giữa cuộc sống thành thị bận rộn, việc tìm được nơi trú ẩn tinh thần phù hợp với bản thân quả thực rất có giá trị. Nhưng có thể, ngay cả ở đây, người trẻ Trung Quốc vẫn tiếp tục mang trong mình nỗi bất ổn và lo lắng lớn về tương lai.
Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/noi-an-nau-giup-tron-tranh-ap-luc-ve-dem-cua-gioi-tre-trung-quoc-20240103153930073.htm