“Con ơi, bà Nhâm bạn mẹ được vợ chồng anh con trai cả tặng một chuyến du lịch nước ngoài đấy! Con trai như thế mới là con trai chứ! Mẹ ước gì cũng được như ông bà ấy, nhưng không biết con trai mẹ có sẵn lòng không?” - tiếng mẹ chồng vẳng ra từ điện thoại của anh Long, chị Nhàn ngồi bên cạnh chồng cũng nghe rõ mồn một. Thấy chồng vâng vâng dạ dạ đồng ý, chị thở dài não nề. Cảnh tượng này đã quá quen thuộc trong suốt 2 năm hôn nhân ngắn ngủi vừa qua của anh chị rồi.
Ngày cưới của anh chị, mệt mỏi bơ phờ rồi cũng xong, tối về nhà chị Nhàn và chồng vừa vào phòng cất đồ xong, chưa kịp thay đồ tắm rửa nhưng đói quá bèn đi lấy cơm nguội ra ăn. Ăn chưa nổi 2 thìa cơm thì bố chồng chị gõ cửa bảo anh Long đưa tiền trả tiền thuê xe đám cưới.
Chị không vui, vì xe đó là xe người quen lúc nào trả tiền cũng được, thế mà bố chồng chị cũng không thể đợi được đến sáng hôm sau mà nhằm đúng đêm tân hôn của các con mà đòi. Đưa tiền cho bố chồng xong, 2 vợ chồng thay phiên nhau tắm gội, xong xuôi cũng là nửa đêm, 2 người lại hì hục… đếm phong bì.
Đang hí ha hí hửng thì gần 2 giờ sáng mẹ chồng chị lại gõ cửa: “Con ơi đưa tiền sáng mai mẹ trả tiền xe đám cưới!”. “Con vừa đưa cho bố lúc nãy rồi mà!” – anh Long có vẻ ngại với vợ nên từ chối khéo mẹ mình, chị Nhàn chỉ im lặng chẳng nói nổi câu nào. Lúc đó chị chỉ thấy không bình thường về bố mẹ chồng mình, chứ chị nào biết, đêm tân hôn gắn với chữ “tiền” đó là phát pháo đầu tiên mở màn cho chuỗi đòi hỏi tiền bạc không bao giờ của bố mẹ chồng chị.
Sáng hôm sau dậy, hình như mẹ chồng chị giận, nhưng chị cũng chẳng có thời gian nghĩ nhiều vì anh chị còn phải về bên nhà gái. Đến chiều chị chồng chị gọi điện cho anh Long mắng 1 trận tơi bời, cái tội làm mẹ giận, bà khóc với chị chồng rằng 2 vợ chồng chị coi thường bà, tính toán với bà, không chịu đưa tiền cho bà! Chị Nhàn sốc lắm, không nghĩ mẹ chồng mình có thể nói và hành động như vậy. Đám cưới, anh chị tự lo tất cả, ông bà làm gì có xu lẻ nào cho. Thậm chí, anh Long còn phải bỏ tiền tiết kiệm ra sắm nữ trang cho mẹ, thiếu còn vay thêm của chị, vì bà không muốn mất mặt với nhà gái và thua kém bạn bè. Nhưng điều đó chị Nhàn không để ý, vì chị nghĩ hiếu kính bà một bộ nữ trang cũng là điều bình thường. Vậy mà hình như bà vẫn chưa thông cảm cho bọn chị, vợ chồng chị khi lấy nhau mỗi người cũng có chút tiền tiết kiệm, nhưng nào phải là giàu có gì cho cam, lo liệu đám cưới xong thì cũng gần hết rồi.
Mấy ngày sau, chị Nhàn còn phát hiện ra phòng ngủ của ông bà cũng được trang hoàng, sắm sửa mới tinh y hệt phòng tân hôn của vợ chồng chị! Chăn đệm mới, tủ quần áo mới, đến bàn trang điểm cũng đầy đủ luôn! Chị thắc mắc thì anh Long ngượng ngùng bảo, mẹ thích thế nên anh đành chiều. Hóa ra bà không muốn thua kém con dâu, chị có gì thì bà cũng phải có y chang hoặc đồ phải xịn hơn. Thảo nào mà anh Long tiền dành dụm được sau mấy năm đi làm cũng không phải là ít nhưng khi cưới xong thì còn bị nợ!
Hết thời gian nghỉ phép đám cưới, anh chị lên thành phố làm việc lại. Buổi tối trước khi đi, bố mẹ chồng chị gọi 2 vợ chồng vào “nói chuyện thân mật” để giao “nhiệm vụ”: “Bố mẹ giờ già cả rồi, chẳng có thu nhập để có thể nuôi sống mình được. Mà tuổi già cũng chỉ có các con để cậy nhờ thôi, bao năm nuôi con cái lớn khôn, cho ăn cho học trưởng thành, giờ lập gia đình rồi cũng phải đến lúc báo đáp công ơn bố mẹ chứ! Các con nói xem có phải không?” - mẹ chồng chị thủng thẳng nói. Tiếp sau đó là ông bà phân công anh chị mỗi tháng chu cấp cho ông bà bao nhiêu, hiếu kính thế nào. Hình như trước đó, ông bà đã hỏi dò anh Long về lương lậu của 2 vợ chồng chị, vậy nên con số ông bà đưa ra đúng bằng nửa tổng thu nhập của anh chị cộng lại!
Chị Nhàn nghe mà ngã ngửa, cứng họng chả biết đáp sao. Chị là dâu mới , vừa về nhà chồng được mấy ngày chả lẽ lại đứng lên cãi mẹ chồng rằng con không đồng ý, như thế là quá vô lí. Vì mức sống ở quê so với ở thành phố khác nhau 1 trời 1 vực, ông bà 2 người già cả đâu có nhu cầu gì chi tiêu nhiều. Chưa nói, anh chị còn phải lo cho con cái sau này, còn vẫn thuê nhà và ti tỉ thứ cần đến tiền. Sau cùng, anh Long cũng không thể chấp nhận được ý kiến của chính bố mẹ mình nên đã lên tiếng phản đối. Cò kè qua lại một hồi mới chốt được một mức giá, thế mà ông bà vẫn than vắn thở dài rằng con cái nó keo kiệt với mình!
Chị Nhàn dần dần thấy sợ lòng tham như động không đáy của bố mẹ chồng mình (Ảnh minh họa).
Chị Nhàn những tưởng thế là xong, vì không ở chung, mỗi tháng lại chu cấp đầy đủ thì ông bà còn cớ gì để hạch sách vợ chồng anh chị nữa. Nhưng ai ngờ, ở xa nhau hàng trăm cây số mà ông bà vẫn thích can thiệp vào tài chính của nhà chị. “Hai đứa có tiền tiết kiệm đưa mẹ giữ cho!”, “Tháng này được thưởng nhiều không con?”, “Chúng mày tiêu gì mà tiêu ác thế, tiền nhiều hơn bố mẹ mà lúc nào cũng hết tiền, chả cho bố mẹ được thêm đồng nào!”… - là những câu nói quen thuộc của mẹ chồng chị.
Ngoài tiền chu cấp cố định hàng tháng, các dịp lễ Tết chị Nhàn cũng làm “nhiệm vụ” đầy đủ với bố mẹ chồng, chẳng bao giờ thiếu. Có món gì ngon, cái gì bổ mà chị có hoặc ông bà chủ động gợi ý, chị cũng hết lòng phụng dưỡng. Nhưng hình như ông bà chưa bao giờ biết giới hạn, vừa mua cho xong cái này lại gợi ý ngay cái khác.
Có những lúc xoay xở không được anh chị không đáp ứng được việc "đưa mẹ 60 triệu để thay bộ bàn ghế" hoặc khi gạt ngang ý tưởng "Nghe nói Dubai đẹp lắm mà tiền tour chỉ có 35 triệu một khách. Cuối tháng bố mẹ muốn đi, các con lo nhé" của bố mẹ...
Thế là ông bà lại giận, lại trách. Đặc biệt mẹ chồng chị rất hay than mệt, mà mỗi lần than là một lần bảo chị gửi tiền để bà đi bệnh viện khám. Nhưng khi chị gửi xong thì lại không chịu đi nữa, lí do: “Mẹ mệt quá không muốn đi!”, trong khi mỗi lần như thế nào có phải là ít.
Cứ thế, chị Nhàn dần dần thấy sợ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reo. Hôm nào bố mẹ chồng gọi lên thì y như rằng cả ngày hôm đó hai vợ chồng chị ra vào thở dài thườn thượt.
Chồng chị ngoài việc an ủi chị thì cũng chẳng thể làm được gì khác, đành rằng ông bà quá đáng nhưng dẫu sao cũng là bố mẹ mình. Chị biết anh là người đứng giữa hai bên, anh đang vô cùng khó xử nên dẫu có nhiều khi bức xúc, chị cũng đành tự "nuốt trôi" những ấm ức đó.
Lúc chị mang bầu sắp đẻ đến nơi, ông bà lại gợi ý anh chị phụ giúp ông bà "chút ít" để "nâng thêm 2 tầng nhà cho bằng bạn bằng bè" trong khi ngôi nhà 3 tầng chỉ có mình ông bà ở. Thấy chị giấu nỗi buồn vào trong, anh lại an ủi “Anh hứa, khi nào sinh con sẽ không chiều ông bà như này nữa, chỉ cố định gửi cho 2 cụ 1 khoản hàng tháng thôi!”.
Chị Nhàn nghe vậy cũng chỉ biết nhìn chồng cảm thông. Chị hiểu, giờ đây việc bố mẹ chồng liên tục xin những khoản tiền lớn không còn là nỗi ám ảnh của riêng chị!