Nợ xấu ngân hàng dự báo lên tới 8,2%

TPO - Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, nợ xấu của các ngân hàng dự báo lên tới 8,2%.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra sáng nay tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) tăng lên 3,79%. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%.

Theo Phó Thống đốc NHNN, dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng, và thậm chí tỷ lệ này có thể cao hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Nợ xấu tăng cao cũng là một trong những thách thức với ngành ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.

“Cập nhật mới nhất, đến nay tăng trưởng tín dụng đạt 12,97%, dự báo đến hết năm 2021 có thể đạt khoảng 14% vì những ngày cuối năm các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân tín dụng”, ông Tú cho hay.

Ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đây là con số đặt ra để định hướng điều hành còn việc triển khai, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên hay các lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế sẽ được điều hành cụ thể qua việc tăng trưởng hạn mức cho các ngân hàng thương mại, hoặc qua các công cụ điều tiết gián tiếp.

Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, ngành ngân hàng sẽ quan tâm, quán xuyến nhiều hơn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các gói tín dụng chính sách; không tăng vốn thậm chí giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng năm qua tiếp tục chảy mạnh 5 lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng cao hơn năm 2020. Đáng chú ý có các ngành xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ,... tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số.

Về giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.