Việc tổ chức rước, trưng bày, chiêm bái “xá lợi tóc Phật” mới đây gây xôn xao mạng xã hội. Theo đó, việc tổ chức hoạt động này đã vi phạm một số quy định pháp luật như Nghị định về hoạt động triển lãm, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước đó, mạng xã hội bức xúc trước hình ảnh người đàn ông trong trang phục nhà tu hành xuất hiện trong quán bar, ăn thịt chó, thậm chí đăng tải những video có ngôn ngữ và hành xử phản cảm. Người này tự xưng đại đức Thích Tâm Phúc, nhưng sau đó đã bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “cô đồng”, “bói toán” trên các nền tảng mạng xã hội, người dân có thể thu được hàng triệu kết quả khác nhau, muôn hình muôn vẻ từ gieo quẻ, xem bói cho đến chữa bệnh bằng bùa ngải, làm lễ giải hạn...
Khách hàng được kết nối trực tiếp với chủ tài khoản qua Zalo, Facebook hoặc số điện thoại của “thầy”, được giới thiệu dịch vụ xem tình duyên, công danh sự nghiệp, giải vong tiền duyên, xin bùa yêu, bùa cầu con...
Không chỉ dừng lại ở việc bói toán, các chủ tài khoản này còn kêu gọi tổ chức lễ di cung hoán số nhằm thay đổi vận mệnh cho khách hàng. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của cô đồng “đúng nhận sai cãi” Trương Thị Hương (Hải Dương). Tháng 8/2023, cô đồng này bị cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 10/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an TP Hà Nội bắt ổ nhóm chuyên lừa bán các “bùa ngải” và đồ vật tâm linh trên mạng. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là đóng giả cô đồng, thầy đồng thực hiện hành vi xem bói, đe dọa giải vận hạn bằng cách mua các đồ vật tâm linh như bùa chú hoặc vật phẩm mang lại may mắn như tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn...
TS. Lê Thu Huyền (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, những vi phạm về trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo đang vướng về mặt chính sách nên việc xử phạt còn gặp khó. “Để xử phạt hành vi vi phạm hành chính cần có yếu tố về lỗi. Câu chuyện ở đây là chúng ta không xác định được có lỗi hay không. Bản thân người mua, sử dụng những dịch vụ tâm linh không xác minh được tính chân thật, tuy nhiên họ có niềm tin về nguồn gốc tâm linh của những vật phẩm này”, TS. Lê Thu Huyền phân tích.
TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) khẳng định, để xác định một hành vi trục lợi hoặc kiếm lợi ích đằng sau việc tổ chức, thực hiện các hoạt động tôn giáo rất khó.
“Về bản chất, hành vi bỏ tiền mua các hiện vật dâng cúng tại các cơ sở tôn giáo là tự nguyện, không bắt buộc và cũng không có cam kết ngược lại rằng bỏ bao nhiêu tiền, đóng góp bao nhiêu thì nhận lại được chừng nào lợi ích tương ứng. Chưa kể, hầu hết những người tham gia hoạt động đó không khiếu kiện”, TS. Hoàng Văn Chung nêu.
Khoản 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nêu rõ nghiêm cấm các hành vi trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ mức phạt hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để lừa dối hoặc là gây xâm phạm đến trật tự nơi công cộng.
“Để đẩy mạnh việc xử lý những hành vi này, không chỉ trông vào việc xử phạt nghiêm minh mà còn phụ thuộc vào việc tố giác, tố cáo, khiếu kiện của người trong cuộc, người dân. Về lâu dài, việc giáo dục tôn giáo cần phải đưa vào trường học ở những cấp cơ bản. Học sinh phổ thông nên học, có sự hiểu biết chung về tôn giáo, tín ngưỡng. Khi lên đại học, sinh viên cũng cần học sâu thêm về tôn giáo, tín ngưỡng, nắm được giá trị, bản chất của một vài tôn giáo lớn, cũng như những chính sách pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng”, TS. Hoàng Văn Chung đề xuất.
Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động tôn giáo
Theo Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động khi vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tôn giáo bị cấm gồm xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Tùy mức độ mà cơ quan ra quyết định xác định thời hạn đình chỉ, nhưng không quá 24 tháng. Khi nhận được quyết định, các tổ chức vi phạm phải dừng tất cả hoạt động tôn giáo và có trách nhiệm khắc phục trong thời gian bị đình chỉ.