Ninh Thuận: 3 người tử vong do mưa lũ cuốn trôi

TPO - Trong 2 ngày qua có 3 người ở xã Sơn Lâm, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tử vong do mưa lũ cuốn trôi.

Ngày 18/9, lực lượng của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ xã Sơn Lâm đã vớt được thi thể của chị Lê Thị M. (SN 1975, ở xã Lâm Sơn) bị lũ cuốn trôi khi đi xe qua tràn của thôn Tân Bình, xã Sơn Lâm.

Nhận được tin báo về việc chị M. đi làm không thấy về từ tối 17/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ xã Lâm Sơn cùng người dân địa phương đã tìm kiếm quanh khu vực tràn thôn Tân Bình. Đến 11h ngày 18/9, thi thể chị M. mới được tìm thấy ở hạ nguồn sông Ông, cách tràn khoảng 4km.

Lực lượng chức năng cùng người dân tìm kiếm thi thể chị Lê Thị M. Ảnh: Hoàng Long.

Trước đó, chiều ngày 17/9, tại khu vực thôn Lâm Quý (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) có 3 cháu bé (SN 2014, 2016 và 2018, đều là học sinh Trường Tiểu học Lâm Sơn B) đi qua đập tràn từ thôn Lâm Quý qua thôn Gòn 1 thì bị nước cuốn trôi, trong đó 1 cháu bám vào cành cây và 2 cháu bị cuốn trôi, mất tích.

Sau khi nhận được tin báo, Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ninh Sơn - Bác Ái đã điều động 1 xe cứu hộ chở 7 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp với Công an xã Lâm Sơn và quần chúng nhân dân tìm kiếm người bị nạn. Đến khoảng 21h30 tối cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tìm được thi thể 2 cháu cách nơi xảy ra tai nạn 3 km.

Bình Định tổng kiểm tra hệ thống hạ tầng phòng chống bão: Ngày 18/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định tổ chức họp về công tác phòng chống thiên tai năm 2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho hay, những năm gần đây Bình Định đã từng chịu ảnh hưởng những cơn bão mạnh, chứng kiến sức gió bão, mưa lớn và đã có thiệt hại. Một số khu vực xảy tình trạng sạt lở đất như núi Gành, núi Cấm, núi Hòa Sơn, núi Trang Dài gây bất an cho người dân.

Năm nào tỉnh cũng có lũ, lũ lớn tàn phá hạ tầng. Năm nay đã được cảnh báo là năm có thiên tai bất thường, xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tỉnh Bình Định từ 1-2 cơn, và khoảng 4-5 đợt mưa lớn trên diện rộng.

Năm nào tỉnh Bình Định cũng có lũ, lũ lớn tàn phá hạ tầng.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - yêu cầu tập trung cho công tác phòng là chính, và cần chủ động, cảnh báo sớm cho người dân. Tập trung xử lý những điểm có nguy cơ mất an toàn; nạo vét tất cả các hệ thống cống rãnh; cắt tỉa cây xanh, gia cố lại các bảng hiệu quảng cáo…

Đến ngày 30/9 phải tổng kiểm tra lại tất cả hệ thống đường giao thông, cầu cống, các công trình xây dựng… “Nếu sau này xảy ra chuyện gì thì người đứng đầu các sở, ngành chịu trách nhiệm”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương phải chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống lụt bão một cách linh hoạt, gắn với từng tình hình diễn biến thời tiết.

Về công tác chống, trên cơ sở các phương án đã xây dựng, khi bão vào sẽ kích hoạt và tuân thủ theo phương án.

Chủ tịch tỉnh Bình Định chỉ đạo các Ban Quản lý dự án của tỉnh kiểm tra phương án chống lụt bão của các nhà thầu; Sở Giao thông vận tải làm việc với các nhà thầu thi công ở các tuyến quốc lộ để kiểm tra theo đúng phương án; phối hợp chặt với lực lượng công an, quân đội trên địa bàn ngay từ công tác chuẩn bị.