50 năm "Hà Nội - điện biên phủ trên không" (bài 4):

Những trận đánh trước khi B-52 ném bom Hà Nội

TP - Một thời gian trước khi ném bom Hà Nội, B-52 địch oanh tạc chiến trường Quân khu 4, đặc biệt tại thành cổ Quảng Trị. Từ những trận chiến này, cùng với những lần tiêu diệt B-52 trước đó, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã đúc kết nên cách đánh B-52 để sẵn sàng tiêu diệt “siêu pháo đài bay” này trên bầu trời Thủ đô.

Bắn rơi B-52 bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Anh hùng lực lượng Vũ Trang, Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết, ngày 20/6/1972, đồng chí Lại Cao Liên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62 được điều về làm Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 236, và tiểu đoàn phó Nguyễn Quang Hùng lên thay làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62. Sau đó, Tiểu đoàn 62 nhận đài điều khiển của Tiểu đoàn 89 để triển khai chiến đấu. Trong quá trình hành quân, xe tính toán bị địch đánh hỏng, đơn vị phải ghép những khí tài còn tốt của những xe khác để thành một xe hoàn chỉnh có khả năng chiến đấu. Tối 12/7/1972, khi Tiểu đoàn 62 đang nạp đạn, kiểm tra khí tài thì được tin B-52 của địch vào ném bom thị xã Đông Hà (Quảng Trị), cách trận địa của Tiểu đoàn 62 gần 10km. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng nói với đơn vị qua micro: “B-52 đã vào đây, nhất định sẽ đánh thành cổ Quảng Trị. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”.

Ông Nguyễn Quang Hùng (người cầm sổ) cùng kíp chiến đấu Tiểu đoàn 62 rút kinh nghiệm về cách đánh B-52. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Lúc này, thành cổ Quảng Trị thuộc quyền kiểm soát của ta. Đúng như dự đoán, đêm đó B-52 bay vào khu vực này, hòng tiếp sức cho lực lượng của chúng để chiếm lại thành cổ. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng chỉ đạo kíp trực phải diệt được B-52 trước khi máy bay ném bom thành cổ Quảng Trị. Một khẩu lệnh ngắn gọn được phát ra từ người chỉ huy tiểu đoàn: “Tiêu diệt mục tiêu bằng ba tên lửa, cự ly phóng 38km, phương pháp điều khiển 3 điểm”. Ba quả tên lửa liên tiếp được phóng ra, kíp chiến đấu nín thở chờ và không thấy quả bom nào nổ dưới đất. Theo kinh nghiệm, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng báo cáo về Sở chỉ huy Trung đoàn 236: “B-52 đã bị tiêu diệt”.

Sau này, đại tá Nguyễn Quang Hùng được biết, đêm 12/7/1972, Tổng thống Mỹ Ních- Xơn đã ra lệnh quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) phải chiếm được thành cổ Quảng Trị để quay phim, chụp ảnh, và hôm sau sẽ loan tin địa danh này vẫn trong tay chính quyền Sài Gòn. Sau thất bại này, hôm sau, ngày 13/7/1972, chính quyền Mỹ tuyên bố hủy bỏ cuộc họp tại Hội nghị Pa-ri vô thời hạn.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ ngày mở đầu tiến công Quảng Trị đến nay, chỉ có Trung đoàn 236B là gắn bó với mảnh đất này, bây giờ chuyển sang phòng ngự để giữ vững vùng giải phóng nơi đây thì sự khó khăn, ác liệt cũng chẳng kém. Ngày 19/8/1972, tại trận địa ở rừng cao su Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh, Quảng Trị), bằng phương pháp bắn tên lửa ba điểm (gồm đài điều khiển, tên lửa và mục tiêu cùng nằm trên một đường thẳng) đã tiêu diệt được một B-52. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 1.700 bị bắn rơi tại địa bàn Quân khu 4. Tiếp đó, trong các ngày 30/8 và 26/9/1972, cũng tại Nông trường Quyết Thắng, Tiểu đoàn 61 cũng tiêu diệt được hai chiếc B-52. Đây là hai chiếc B-52 cuối cùng bị tiêu diệt trên đất Quảng Trị.

Tổng kết cách đánh B-52 từ thực tế chiến đấu

Đại tá Nguyễn Quang Hùng giới thiệu cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”

Từ đầu tháng 10/1972, cục diện cuộc chiến tranh ở Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, quân dân ta tiếp tục giành được những thắng lợi lớn. Điều đó khiến Đế quốc Mỹ điên cuồng tăng cường không quân lẫn hải quân để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Đặc biệt, vào tháng 11/1972, sau khi Ních-Xơn tái đắc cử tổng thống, chính quyền Mỹ không chịu ký vào bản Hiệp định tại Hội nghị Pa-ri như đã thỏa thuận trước đó, mà muốn kết thúc cuộc chiến tranh bằng sức mạnh bom đạn. Thực hiện mưu đồ đó, chính phủ Mỹ đã bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác trên miền Bắc. Cuộc tập kích chiến lược đường không mang tên “Lai-nơ-bếch- cơ 2” nhằm đánh hủy diệt, hòng làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra tại Hội nghị Pa-ri.

Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ tháng 9/1967 đến tháng 11/1972, lực lượng phòng không của ta đã tiêu diệt tổng cộng 24 máy bay B-52, bao gồm cả máy bay mang nhiễu và không mang nhiễu. Qua đó, Quân chủng PK-KQ đã tập hợp ý kiến, kinh nghiệm của những đơn vị đã từng đánh B-52 tại chiến trường Quân khu 4 để biên soạn và cho ra đời tài liệu “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”. Cuốn sách này hoàn thành tháng 11/1972, được phổ biến tới tận kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa, trong đó có cả những đơn vị chưa từng đánh B-52 bao giờ.

Sau này, khi tìm hiểu thông tin để viết cuốn “SAM-2 đã vít cổ B-52 như thế đấy”, đại tá Nguyễn Quang Hùng có dịp biết thêm một số điều về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Trong đó, ông có dịp biết đến những chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trong chiến dịch quan trọng này. Và một chuyên gia Liên Xô được đại tá Nguyễn Quang Hùng viết trong cuốn sách là Thượng tướng, Giáo sư tiến sĩ khoa học Khiupênen Anatôly Ivanôvic, Chủ tịch Hội đồng liên minh Cựu chiến binh bộ đội tên lửa phòng không thuộc lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Nga-Việt. Trong kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, khi đang là Phó Tư lệnh thứ nhất Tập đoàn quân phòng không Độc lập, ông Khiupênen được cử sang Việt Nam làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Đến Việt Nam ngày 15/12/1972, ông Khiupênen đã làm việc với những cán bộ cao cấp của Quân đội, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Quân chủng PK-KQ…, qua đó nắm được tình hình trước khi trận chiến diễn ra. Và tối 18/12/1972, Mỹ đã dùng B-52 tập kích vào Hà Nội, mở màn chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 2. Ông Khiupênen đã sát cánh cùng Quân chủng PK-KQ, cùng bàn bạc và đưa ra những biện pháp phù hợp, đảm bảo cho chiến đấu ở mức cao hơn. Ông Khiupênen rất vui mừng khi ngay tối 18/12/1972, lực lượng phòng không Việt Nam đã tiêu diệt được chiếc B-52 đầu tiên tại bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm rực lửa.

Sau khi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc thắng lợi, ông Khiupênen tiếp tục làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự ở Việt Nam cho tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 2001, khi trở lại thăm Việt Nam và Quân chủng PH-KQ, ông Khiupênen đã phát biểu: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”. Đó là một nhận xét chân thành của một chuyên gia từng sát cánh cùng chúng ta trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu.