Những thủ tục hành là chính: Start-up cũng… chết dở

TP - Nhiều năm qua Chính phủ và các địa phương luôn nỗ lực cải cách hành chính theo hướng phục vụ thay vì quản lý. Nhiều thủ tục rườm rà đã được cắt giảm,…để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần kêu gọi đầu tư để xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn bị “hành” với “ma trận” thủ tục hành chính. Tiền Phong ghi nhận những câu chuyện thực tế của nhiều doanh nghiệp để lắng nghe họ chia sẻ những nỗi niềm trước thực tế này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trong một lần trao đổi với giới trí thức về các vấn đề của TPHCM. Ảnh: Văn Minh

Doanh nghiệp ngoại than…

Đánh giá Việt Nam là thị trường đang có sức hút khá hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, thực tế các doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn với hệ thống thủ tục hành chính của Việt Nam.

Nhiều thủ tục như khai báo thuế, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép, mở văn phòng đại diện,… gặp khó, hay bị trì hoãn dẫn đến trễ hẹn. Những rắc rối này khiến các doanh nghiệp thường phải tiêu tốn nguồn lực chi phí, thời gian,… mà lẽ ra có thể dùng để đầu tư mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Câu chuyện dưới đây là một minh chứng. Cuối năm 2016, Công ty quảng cáo P.P (Thái Lan) nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.

Công ty này nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép từ ngày 14/12/2016 nhưng đến ngày 10/1/2017 vẫn không nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng. Trong khi đó, theo quy định thì thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ là 10 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ.

Sau 2 tháng không có phản hồi nào, ngày 14/2/2017 đại diện công ty làm đơn khiếu nại gửi lên Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TPHCM. Trong đó, đại diện Công ty P.P bức xúc về việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động của văn phòng.

“Việc chậm trễ này đi ngược lại tinh thần cải cách hành chính và quyết định của lãnh đạo Chính phủ cũng như của TPHCM. Điều này ít nhiều làm mất niềm tin của chúng tôi về môi trường đầu tư tại thành phố này”, đơn khiếu nại nêu rõ.

Một trường hợp khác, chị Lê Hương Giang, phụ trách truyền thông, chuyên viên phát triển thị trường Việt Nam và ASEAN, chuỗi cửa hàng Don Quijote (Nhật Bản) cho biết, là một doanh nghiệp có hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất Nhật Bản và đang có chiến lược phát triển mở rộng thị trường Đông Nam Á, xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay của tập đoàn khi đầu tư vào Việt Nam là khâu thủ tục hành chính.

Theo chị Giang, tập đoàn đã mở rộng thị trường ở nhiều nước, dù có những khác biệt nhưng khâu thủ tục hành chính ở Việt Nam là khó khăn nhất và thời gian cũng kéo dài nhất.

Thị trường đầu tư ở Việt Nam hiện nay đang rất hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tranh nhau đầu tư vào. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp muốn đầu tư vào thì mất khá nhiều thời gian ở khâu thủ tục hành chính như việc đăng ký thuế, thông quan, đăng ký kinh doanh… thường xuyên bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được.

Bên cạnh thời gian làm thủ tục hành chính kéo dài, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, một khó khăn nữa của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là khác biệt về ngôn ngữ.

“Tên doanh nghiệp hay slogan là đặc trưng của mỗi công ty, nó có ý nghĩa đặc biệt. Nếu giữ nguyên cũng khó, dịch sang tiếng Việt đôi khi mất đi ý nghĩa. Vấn đề kiểm soát nội dung của cơ quan chức năng cũng rất khắt khe”, chị Giang nói.

Theo chị Giang, các quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Bởi theo quy định hiện hành thì máy móc thiết bị nhập khẩu phải dưới 10 năm. Tuy nhiên, trên thực tế các thiết bị này có tuổi thọ lên đến 20 năm.

“Với quy định này, công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất đã sử dụng ở Nhật Bản qua Việt Nam cũng khó khăn mặc dù tuổi thọ của thiết bị vẫn còn sử dụng được nhiều năm. Nếu bỏ tiền đầu tư dây chuyền sản xuất mới thì rất tốn kém. Vì vậy, nếu quy định này được thay đổi thì nhà đầu tư sẽ đỡ khó khăn hơn, sức đầu tư vào Việt Nam từ đó cũng sẽ tăng mạnh hơn”, chị Giang nói.

Chuỗi cửa hàng Don Quijote (Nhật Bản). Ảnh: Ngô Bình.

Một cản trở khác khiến doanh nghiệp nước ngoài gặp khó là hệ thống luật pháp của Việt Nam còn nhiều chồng chéo, bất cập… Để tháo gỡ rào cản các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đại diện chuỗi cửa hàng Don Quijote cho biết, trước hết tại các cơ quan hành chính cần có đội ngũ cán bộ rành ngoại ngữ, rút ngắn thời gian trả lời…

Bên cạnh đó, quy định và hướng dẫn rõ ràng, minh bạch các điều kiện thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án trên thực tế.

Chính quyền nên tạo điều kiện thuê đất cho các nhà đầu tư tại khu công nghiệp. Thực hiện công tác hậu kiểm sau cấp phép vừa để giám sát hoạt động dự án đầu tư vừa để hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Bất động sản cũng “bất động” vì giấy phép

Hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TPHCM quan tâm là việc xin giấy phép xây dựng gặp nhiều trở ngại. Các quy trình, thủ tục kéo dài khiến công trình, dự án bị trì trệ. Chủ đầu tư mong muốn cơ quan chức năng xem xét rút ngắn việc cấp giấy phép xây dựng để dự án giảm thiểu tối đa về mặt tài chính.

Ông Nguyễn Văn Đực, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng cho rằng, Sở Xây dựng TPHCM nên tách riêng giấy phép thi công móng dự án, vì thời gian xây móng của dự án địa ốc mất từ 6 tháng đến một năm, tùy quy mô. Nếu chờ đợi giấy phép cả dự án thì doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều từ vật tư đến nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Đực, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng. Ảnh: Đình Du.

Ông Dương Quốc Hùng, đại diện Công ty CP Địa ốc Thảo Điền cho hay, công ty phải mất nhiều năm xin giấy phép để triển khai dự án nhà ở xã hội (chung cư cao tầng Nam Lý tại phường Phước Bình, quận 9). Khi doanh nghiệp chờ quyết định giao đất để thực hiện các thủ tục tiếp theo thì bị ngưng để thanh tra về đất đai.

Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây Dựng Sài Gòn chia sẻ, bất cập lớn trong việc kiểm tra thẩm định dự án. Luật quy định dự án cấp 1 thì thẩm quyền này thuộc Bộ Xây dựng, dự án 24 tầng trở lên được coi là dự án cấp 1. Hầu hết các dự án chung cư tại TPHCM đều thuộc dạng này. Tuy nhiên, việc chờ đợi kiểm tra thẩm định mất quá nhiều thời gian.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) nhận định, TPHCM và Hà Nội nhân lực tại chỗ hoàn toàn có thể đáp ứng tốt việc thẩm tra, kiểm định đối với dự án. HoREA sẽ kiến nghị Bộ phân cấp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm tra, thẩm định dự án. Tùy đặc thù của địa phương để phân cấp. Nếu để tình trạng này kéo dài thì dự án bị ùn ứ, khổ sở cho DN rất nhiều”.

Kỹ sư Ngô Cự Mạnh, thủ lĩnh dự án Khóa nhà thông minh Glock. Ảnh: NVCC

Start-up cũng… chết dở

Kỹ sư Ngô Cự Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Giao thoa cho biết, công nghệ phát triển cộng với nhu cầu thị trường là những động lực to lớn cho các kỹ sư bắt đầu dự án Khóa thông minh Glock. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm khóa với các tính năng vượt trội về tính an toàn, tính thẩm mỹ và tiện dụng. Dự án này do nhóm kỹ sư Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM) mày mò nghiên cứu, cho ra đời một sản phẩm công nghệ Việt thật sự, do chính người Việt tạo ra, một sản phẩm an toàn cho chính người Việt.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, ngoài nhận được sự hỗ trợ từ Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, hiện nay nhóm kỹ sư trẻ cũng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu ra thị trường.

Kỹ sư Ngô Cự Mạnh cho biết, ngoài chi phí sản xuất sản phẩm mẫu khá cao, đòi hỏi phải tập trung vốn lớn. Công nghiệp phụ trợ sản xuất, nghiên cứu yếu nên tìm kiếm cơ sở sản xuất sản phẩm mẫu cho nghiên cứu là một vấn đề nan giải. Các doanh nghiệp Start-up, nhất là trong lĩnh vực công nghệ khó tiếp cận nguồn vốn, đồng thời khó thuyết phục được các quỹ hỗ trợ đối với những dự án quy mô nhỏ bởi thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài.

“Trong khi đó hiện nay, Nhà nước cũng chưa có cơ chế rõ rệt thúc đẩy cho các dự án Start-up phát triển. Ví dụ, ở các nước có công nghệ phát triển, họ thường dành một phần cho Start-up tham gia trong những dự án lớn. Tất cả đều có quy định, tuy nhiên ở Việt Nam thì chưa thấy. Đa phần hiện nay các dự án Start-up trong lĩnh vực công nghệ tự bơi, tự cứu mình trước những đối thủ công nghệ lớn trong và ngoài nước”, kỹ sư Mạnh thông tin.

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cùng nhóm kỹ sư của dự án Khóa nhà thông minh trong một lần triển lãm công nghệ Start-up hồi tháng 8/2017. Ảnh: NVCC

Nỗ lực của TPHCM

Từng đề cập về đầu tư nước ngoài tại buổi gặp gỡ đại biểu trí thức TPHCM hồi tháng 5/2017, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ băn khoăn khi tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (17,5% so với 24,4%).

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt ra câu hỏi: “Cần phải tìm hiểu lý do tại sao khi mà thu hút đầu tư nước ngoài đã từng là điểm mạnh, là thương hiệu của TPHCM”. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM thì trong thời gian tới, TPHCM sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài bàn cách làm sao để nhà đầu tư hứng thú đổ vốn vào TPHCM.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Huy Thịnh.

Ông Nguyễn Thành Phong nói chính quyền TPHCM đang vận động các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp và tạo điều kiện để sản xuất phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại thành phố là khoảng 360.000 doanh nghiệp nhưng số nộp thuế chỉ khoảng 160.000.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, loại bỏ các thủ tục gây cản trở phát triển, từ đó phát sinh những chi phí không chính thức, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép.

Mới đây, gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đô thị, tự đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong nói: Tôi cầm tiền đầu tư cho thành phố, các anh cho đầu tư hay không thì nói, bắt chờ 5-7 tháng mới nói “không được” thì chết rồi. Có đặt mình vào nhà đầu tư mới thấy bức xúc như thế nào. Không phải cứ làm doanh nghiệp là có lời. Doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro. Chính các doanh nghiệp đang đồng hành cùng thành phố, góp phần làm thành phố phát triển. Chúng tôi xem thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố, bức xúc của doanh nghiệp là bức xúc chung của thành phố.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết đối với bức xúc về thủ tục hành chính, UBND TPHCM đã giao các sở ban ngành lập 2 tổ công tác về lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực xây dựng. Tổ công tác sẽ xem xét hồ sơ và cấp phép luôn nếu thấy đủ điều kiện, không lòng vòng xuống từng sở như trước để không làm mất thời gian của doanh nghiệp và người dân.

Nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Lý, chia sẻ: "Trước đây, các tổ liên ngành chỉ là nơi trao đổi ý kiến, cùng lắm là phối hợp chứ quyết định cuối cùng vẫn là các sở. Tổ liên ngành không phải là cơ quan trên sở, chỉ đạo cho các thành viên phải làm thế này, thế kia. Phải thay đổi mô hình cũ, tạo cho các tổ liên ngành đủ quyền để có thể đưa ra quyết định và quyết định đó phải được các cơ quan thành viên chấp hành, như vậy mới có hiệu quả”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện mô hình một cửa liên thông, một cửa điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến đến cuối 2017, TPHCM sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy phép kinh doanh bằng giấy và chỉ làm thủ tục qua mạng.

Đừng để vụ lợi cá nhân “ngáng” đường

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM), cho rằng bên cạnh nỗ lực của các cấp lãnh đạo thì còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chậm thay đổi hoặc để yếu tố vụ lợi cá nhân gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Điều này không chỉ đi ngược lại tinh thần cải cách hành chính mà còn làm mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay với tinh thần khởi nghiệp của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì không nên để tình trạng thủ tục hành chính gây trở ngại.

Do đó, bên cạnh việc ban hành chính sách pháp luật, nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính công trong sạch, luôn có tinh thần hết mình phục vụ nhân dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Cần công khai, minh bạch các điều kiện, thủ tục hành chính và quan trọng nhất là nhanh chóng triển khai dịch vụ công trực tuyến cho tất cả các lĩnh vực.