Những thách thức chờ Tân Chủ tịch thành phố Hà Nội

TP - Rác thải, ô nhiễm môi trường, hiện tượng "băm nát" quy hoạch là những vấn đề mà tân chủ tịch thành phố Hà Nội cần giải quyết. Nếu xử lý được, đây sẽ là những dấu ấn nhiệm kỳ được nhân dân Thủ đô đánh giá cao.

Cơn "ác mộng" rác thải

Trong vòng 2 năm qua, đã 15 lần nội thành Hà Nội rơi vào cảnh ngập rác thải do các bãi rác gặp sự cố.

Hiện 2 bãi xử lý rác Nam Sơn và Xuân Sơn là các khu xử lý chính của thành phố, tiếp nhận khoảng 6.500 tấn/ngày. Các khu xử lý đều vận hành từ năm 1999, đến nay hạ tầng liên tục quá tải nhưng vẫn chỉ "vá víu" bằng các biện pháp tạm thời.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu quy hoạch mô hình phát triển của Hà Nội phải là hệ thống các đô thị đáng sống, kết nối giữa trung tâm với các đô thị vệ tinh, sinh thái, lấy người dân làm trung tâm, phát huy tối đa nguồn lực của Thủ đô. "Quy hoạch phải được lượng hóa bằng những chỉ tiêu cụ thể, tránh tình trạng chung chung", một chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, Nhà máy điện rác Thiên Ý - nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt hoạt động.

Riêng đối với rác khu vực phía Nam thành phố, dự án nhà máy điện rác ở Châu Can (huyện Phú Xuyên) sau thời gian "ngủ quên", lãnh đạo thành phố đã đề nghị Sở KH&ĐT khẩn trương trình UBND thành phố việc thu hồi chủ trương đầu tư. "Nhà đầu tư không triển khai thì phải thu hồi, tiếp tục kêu gọi thực hiện dự án hoặc chuyển sang đầu tư công. Sau đó sẽ đấu thầu việc vận hành, quản lý để phát huy hiệu quả", lãnh đạo thành phố thông tin.

Bãi rác Xuân Sơn có nguy cơ bị rỉ nước rác bất cứ lúc nào nếu gặp mưa lớn Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng khẳng định: "Vấn đề môi trường vẫn luôn "nóng", ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà lãnh đạo Hà Nội cần giải quyết". Bà An cho rằng, tân Chủ tịch thành phố Hà Nội cần xử lý được dứt điểm vấn đề ô nhiễm kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho nhân dân. Nếu làm được, đây sẽ là dấu ấn đặc biệt của nhiệm kỳ, được nhân dân Thủ đô đánh giá cao.

Chống "lợi ích nhóm" trong quy hoạch, phát triển đô thị

Mới đây, Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt "khoảng tối" về công tác quy hoạch tại Hà Nội. Trong đó công tác điều chỉnh quy hoạch tùy tiện khiến hàng loạt cao ốc xây dựng vượt tầng, sai quy hoạch, sai tổng mặt bằng... gây hệ lụy lớn về hạ tầng xã hội, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, không đúng tiến độ, không đảm bảo về môi trường...

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng nhận định: Điều chỉnh quy hoạch mang lại lợi ích rất lớn cho các chủ đầu tư, hơn gấp nhiều lần so với việc xây dựng sai phép. Thế nhưng từ trước đến nay chưa có tiền lệ cán bộ nào bị xử lý do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Tại Thủ đô, còn các tuyến đường khác cũng có dấu hiệu điều chỉnh quy hoạch, nhồi thêm cao ốc vào nội đô khi hạ tầng chưa đảm bảo như đường Nguyễn Tuân, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)... Những việc này đang rất cần một lãnh đạo có tầm nhìn, quyết tâm dẹp "lợi ích nhóm" để tránh biến Thủ đô thành một thành phố "méo mó".

Tháng 4/2022, Hà Nội đã công bố 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, chính thức "phủ sóng" toàn bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch xây dựng các huyện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, sau đó còn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... việc này cần nguồn lực rất lớn, cùng lộ trình cụ thể để thực hiện quy hoạch.

PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng từng nêu ý kiến: Do đặc thù Thủ đô có tính chức phức tạp, nhiều quy hoạch ở các cấp độ khác nhau do đó đòi hỏi thành phố cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tổ chức bộ máy, nguồn lực thực hiện quy hoạch cụ thể.

Tới đây, một nhiệm vụ quy hoạch lớn được đặt ra đối với Thủ đô đó là hoàn thành theo tiến độ việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.