Những quy định ‘oái oăm' năm 2013
Hơn 3 vạn văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương được đánh giá là… trái luật trong hội nghị của Bộ Tư pháp hôm 30/11 tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND.
Thực trạng này có thể thấy rõ qua nhiều nghị định, thông tư (dự thảo hoặc chính thức) với các quy định “phá sản” khi thực thi hoặc thiếu khả thi trong năm 2013 mà Báo GĐ&XH bình chọn dưới đây.
Yên tâm đội… mũ rởm
Cũng trong lĩnh vực giao thông, Thông tư liên tịch số 06 giữa các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, GTVT ký ngày 28/2 đã khiến dư luận một phen xôn xao với quy định cho phép các lực lượng chức năng xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng khi tham gia giao thông.
Như vậy, quy định này đương nhiên “bắt” người dân phải có trách nhiệm, kinh nghiệm, trình độ đủ để nhận biết thật – giả khi mua mũ bảo hiểm, nghĩa là làm thay một phần việc của… quản lý thị trường.
Tuy nhiên, trước sức “nóng” của công luận và các chuyên gia, Bộ Tư pháp sau đó đã lên tiếng khẳng định, Thông tư 06 phải tạm dừng và chưa thể có hiệu lực từ ngày 15/4 như dự kiến vì căn cứ xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là thiếu thuyết phục. Bởi hiện nay việc quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm chưa tốt.
Trong khi đó, nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn... người dân rất khó phát hiện, phân biệt, thậm chí là rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông.
Quán cóc ngập khói thuốc
Nghị định số 67/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 15/8 với nội dung đáng chú ý là sẽ khó mà tìm được một hàng quán vỉa hè nào ở các tỉnh, thành đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thuốc lá mà loại quán cóc này lại là “đặc trưng văn hóa” khó thay đổi nhất của Việt Nam.
Cụ thể, người bán lẻ thuốc lá phải: Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, quy định tưởng chừng rất hữu ích, tốt đẹp cho sức khỏe con người đã không thể được hiện thực hóa.
Đô la vẫn là quà tặng
Ngân hàng Nhà nước cũng hâm nóng dư luận với dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Điểm nổi bật của dự thảo này phải kể đến quy định dự kiến cấm cá nhân cho - tặng ngoại tệ lẫn nhau và cấm người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Việt Nam. Nhưng, sau một tuần lấy ý kiến và nhận quá nhiều ý kiến phản đối, ngày 6/11, Ngân hàng Nhà nước lại thừa nhận quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân.
Dù ban soạn thảo cho rằng mục đích chính của việc cấm cho tặng là nhằm chống đôla hoá, hạn chế các tiêu cực phát sinh, song cũng thừa nhận có nhiều ý kiến lo ngại tác động xấu tới thu hút kiều hối và hạn chế quyền chính đáng của người dân.
Quyền được nhìn lần cuối
Một quy định khá kỳ quặc nữa trong Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ VH,TT&DL chủ trì soạn thảo là “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” với lập luận “để tránh việc nhìn vào thi thể đã để mấy ngày, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dự tang lễ”.
Một việc làm rất riêng tư, truyền thống và thiêng liêng liên quan đến quyền được nhìn mặt lần cuối người đã khuất, lại được đưa vào khuôn khổ pháp luật khiến Nghị định này bị dư luận phản đối trước khi bị các cơ quan chức năng khác kiến nghị hủy bỏ quy định trên.
Theo Việt Nguyễn
Gia đình và Xã hội