Dạy trò đánh răng, rửa mặt, vệ sinh…
Bị khiếm thị từ nhỏ, tuổi thơ của Hằng là những ngày cắp sách đến Hội Người mù Thăng Bình (Quảng Nam) để học chữ nổi. Cũng chính những ngày đều đặn đến trường không quản nắng mưa đó đã giúp Hằng biết đến và xin học ở Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sáu tuổi, cô học trò khiếm thị nhỏ bé ôm quần áo từ quê nghèo ra phố thị học chữ. Những ngày đầu, Hằng chỉ khóc. “Em nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè ở quê. Nhưng lúc đó nếu về thì coi như bỏ học, vì em không theo kịp các bạn nếu học trường thường. Thầy cô động viên em rất nhiều, nếu không nhờ các thầy cô, em chắc không được như bây giờ”, Hằng nhớ lại.
Những ngày tháng ở mái trường này đã vun đắp tình yêu với nghề giáo trong Hằng. Nhìn thầy cô kiên nhẫn, tỉ mẩn chỉ dạy những học trò khiếm thính, khiếm thị, cô càng quyết tâm trở thành giáo viên để quay trở lại đây, dìu dắt những phận đời không may mắn như mình. Năm 2019, Hằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng rồi xin về trường dạy. “Dù lớn lên ở đây nhưng ngày đầu đứng lớp em cũng bị “ngợp”. Trước đây, trường chỉ có các học sinh khiếm thị, khiếm thính, giờ hỗ trợ thêm cả các em khuyết tật trí tuệ như tự kỉ, down, chậm vận động,… Có em cả buổi học chỉ ngồi lỳ một chỗ, có em thì chạy nhảy quanh không dừng, có em chỉ la hét…”, Hằng nhớ lại. Thời điểm khó khăn đó, các thầy cô giáo cũ lại là những người hướng dẫn, giúp đỡ Hằng. Những buổi tâm sự về cách tiếp xúc với các trò, những buổi trao đổi chuyên môn… giúp cô rất nhiều để có bản lĩnh, mạnh mẽ như hiện tại.
Dạy lớp mẫu giáo, nhưng những bài học của cô Hằng không phải là dạy các em con chữ, dạy các em ghép vần. Những bài học của cô giáo Hằng đôi khi chỉ đơn giản như: vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo, bỏ rác đúng chỗ…; cũng có những bài học tế nhị, “trưởng thành” như: cách mặc quần lót, áo lót, cách dùng băng vệ sinh cho các bạn nữ, bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng…
Một lớp chỉ khoảng 10 em, nhưng các em đủ mọi dạng khuyết tật, cũng đủ các lứa tuổi. Có những điều rất đơn giản, nhưng ngày nào Hằng cũng phải nhắc đi nhắc lại để các em nhớ. Ấy thế mà vẫn quên. Niềm vui của cô giáo Hằng không phải là các em được danh hiệu này, phần thưởng kia, niềm vui của cô Hằng đôi khi chỉ là các em phân biệt được tờ tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng; biết bỏ rác vào thùng, biết mặc lại quần áo sau khi đi vệ sinh… “Bao năm đi dạy, có những học trò của em mãi vẫn chưa được lên lớp, vẫn học những bài học vỡ lòng kỹ năng sống đơn giản. Mỗi ngày, em đều kiên nhẫn hướng dẫn, để mong khi hết tuổi học ở đây, các con có thể nhớ được, biết tự chăm sóc bản thân mình”, Hằng chia sẻ.
Mỗi học sinh, một giáo án
Cũng như cô giáo Hằng, thầy Võ Quang Lực (SN 1992, giáo viên Toán - Tin) là học sinh cũ của Trung tâm từ lúc còn mang cái tên trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sinh ra và lớn lên ở quê nghèo Núi Thành (Quảng Nam), cậu bé Lực vốn khỏe mạnh, lanh lợi như bao bạn bè cùng trang lứa. Đến năm lớp 9, một tai nạn khủng khiếp đã cướp đi ánh sáng nơi đôi mắt cậu. Di chứng của vụ tai nạn cũng khiến Lực vận động khó khăn hơn. “Thời điểm đó, tôi bế tắc. Tôi thấy tương lai của mình cũng mờ mịt như đôi mắt”, thầy Lực nhớ lại. Sau này, gia đình biết đến trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và liên hệ để cho con ra học.
Những năm tháng cấp 2, cấp 3 của thầy Lực là những ngày đều đặn ngày 2 buổi lên lớp: một buổi ở trường chuyên biệt và một buổi học văn hóa ở trường thường. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, thầy Lực chọn thi Đại học chuyên ngành sư phạm Toán - Tin, nối nghiệp “bảng đen phấn trắng” của những thầy, cô giáo đã dìu dắt mình. Năm 2016, tốt nghiệp, thầy quay về gắn bó với mái trường thân thuộc.
Về lại đây, thầy Lực phải học nhiều điều để “hòa nhập” lại với các em. Mỗi lớp chỉ có khoảng vài em, nhưng mỗi em lại có một dạng tật khác nhau. Thầy phải học thêm chữ nổi để dạy cho các em mù, khiếm thị; học thêm ngôn ngữ kí hiệu để trao đổi với các em điếc, khiếm thính… Ngoài ra, thầy cũng học thêm các khóa về giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập để biết cách giảng dạy, truyền đạt cho các em tự kỉ, tăng động, khuyết tật trí tuệ…
Lớp dạy Tin học buổi chiều của thầy Lực chỉ có khoảng 5 em học sinh. Sau khi nắn nót viết cách gõ từ tiếng Việt trong phần mềm Word lên bảng, thầy tới từng bàn để hướng dẫn các em gõ chữ. Dù màn hình Word đã phóng to đến 200% nhưng em Trần Minh H. (12 tuổi, học sinh lớp 3) vẫn dí sát mắt vào màn hình để vừa nhìn, vừa dò dẫm gõ. Bị khiếm thị từ nhỏ nhưng H. rất ham học, nhất là những tiết học Tin của thầy Lực.
“Các em khiếm thính hay khiếm thị dù nhìn, nghe khó nhưng tôi vẫn có cách để giao tiếp. Nhưng đối với những em khuyết tật trí tuệ thì khó khăn hơn nhiều. Nhiều khi một câu nói, một hành động cũng có thể khiến các em chạnh lòng, tủi thân hoặc quá khích. Với mỗi em, tôi đều có “bài” riêng để dỗ. Mỗi lần đứng lớp là vừa dạy vừa dỗ theo đúng nghĩa đen luôn”, thầy Lực chia sẻ.
Với mỗi dạng khuyết tật, thầy Lực cũng chuẩn bị các giáo án riêng cho các em, từ cách giảng bài, nội dung và thời lượng mỗi bài giảng cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Có những bài học chỉ gói gọn trong một tiết, nhưng để các em dễ dàng tiếp thu, thầy phải “xé” ra thành nhiều tiết, dạy cho các em đến khi nào hiểu mới thôi. Thầy Lực cũng trở thành thầy giáo “đa zi năng” khi có thể dạy từ cấp 1 tới cấp 3. Thầy cười hiền, bảo ngày trước, các thầy cô kiên trì với mình như thế nào, thì nay mình dành sự kiên trì và yêu thương như vậy và nhiều hơn cho các em, để các em có thể hòa nhập tốt, trở thành những người có ích.
Nhắc về những học trò cũ, đôi mắt mờ đục của thầy Lực ánh lên niềm tự hào. “Có em ở xã miền núi Hòa Phú giờ đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, có em học tâm lý, có em học sư phạm ở trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Mọi năm, cứ đến dịp này, mấy đứa lại nhắn tin chúc mừng, hỏi thăm hoặc ghé nhà chơi, ôn lại chuyện cũ. Sự thành công của các em là món quà quý giá nhất thôi thúc tôi tiếp tục làm nghề, giúp đỡ những học trò đặc biệt”, thầy Lực tự hào.