Những người giữ hồn Việt trên đất Thái

TP - Đậu Văn Khánh là người Việt đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Thái trong chuyến đi này. Anh đưa xe ra tận bến phà đón chúng tôi rồi đưa về khách sạn lo nơi ăn nghỉ.
Thầy giáo Vương Đình Chính và thầy Nguyễn Sĩ Tưởng trong lớp dạy tiếng Việt ở Thái Lan

Chúng tôi chỉ mới biết anh là đại diện của Hội Việt kiều ở tỉnh Na – khon – pha – nôm và là một trong những doanh nhân người Việt thành đạt ở tỉnh này. Không ngờ, anh còn bỏ tiền ra mua đất, xây nhà, sắm sửa bàn ghế và thiết bị dạy học rồi mời thầy đến dạy tiếng Việt miễn phí cho tất cả mọi người.

Trên chuyến phà từ Thà Khẹc vượt sông Mêkông sang đất Thái, tình cờ tôi gặp một cô gái rất xinh trong bộ sắc phục sĩ quan Không quân Hoàng gia Thái Lan. Thấy chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, cô vui vẻ  hỏi:

- Các anh mới từ Việt Nam sang đây hả?

Chúng tôi gật đầu và ngạc nhiên khi nghe cô phát âm tiếng Việt rất chuẩn.

- Bên ấy mùa này đã có gió Lào chưa?  Là tôi hỏi ở Vinh ấy mà?

- Sao cô biết ở Vinh có gió Lào?

- Tôi đã từng có hai mùa nắng ở đó. Ghê quá, gió như đổ lửa. Con gái ra đường phải trùm kín mặt, chẳng còn nhận ra nhau...

- Cô đi du lịch hả? Trời sinh ra đất Nghệ nắng gió Lào thì trời cũng bù lại cho xứ Nghệ một bãi biển Cửa Lò nước trong cát mịn tuyệt vời rồi còn gì?

- Nhưng tôi đến xứ Nghệ không phải để hưởng thú vui du lịch, mà phải giam mình trong phòng, đánh vật với từng con chữ ở trường Đại học Vinh nên mới thấy cái gió Lào nóng ghê nóng gớm.

Tôi lại ngạc nhiên khi nghe mấy chữ cái gió Lào nóng ghê nóng gớm:

- Ra thế! Chả trách cô nói tiếng Việt vừa hay vừa chính xác lại biết cả thổ âm nữa. Giỏi thật!

Nghe lời khen, cô gái lắc đầu:

- Không phải đâu. Tôi giỏi tiếng Việt là nhờ thấy giáo làng ở quê. Thầy dạy tôi từ bé...

- Nhưng cô là người Thái Lan kia mà?

Nữ sĩ quan Hoàng gia Thái gật đầu xác nhận:

- Tôi người Thái, sinh ở huyện Mương, tỉnh NakhonPhanôm, ở đó có rất đông người Việt. Từ bé tôi rất thích chơi với các bạn người Việt, nghe họ nói rất hay. Thế là tôi theo họ đến lớp học tiếng Việt của thầy Chính từ bé. Đến bây giờ đã gần hai chục năm rồi mà thầy giáo tôi vẫn miệt mài dạy tiếng Việt ở đó. Kỳ nghỉ  hè này, tôi dành mấy ngày đầu tiên đến thăm thầy...

Nhìn bộ sắc phục Không quân Hoàng gia Thái với quân hàm thiếu úy trên ve áo, tôi hơi nghi ngờ điều cô vừa nói.

- Tưởng cô đang làm việc trong lực lượng Không quân Hoàng gia rồi chứ?

Nữ sĩ quan trẻ xinh đẹp gật đầu xác nhận và kể thêm:

- Sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, tôi về nước dự tuyển vào Học viện Không quân Hoàng gia Thái. Vào học một thời gian, do tôi giỏi tiếng Việt nên Bộ Quốc phòng Thái cử sang học ở Học viện Không quân Việt Nam. Tôi đang học năm thứ hai...

Chẳng biết vì sắc đẹp và câu chuyện như huyền thoại của cô gái Thái hút hồn hay vì câu chuyện về người thầy giáo dạy tiếng Việt trên đất Thái cuốn hút mà dòng sông Mê Kông hẹp lại rất nhanh. Phà cập bến, chúng tôi cố làm thật nhanh thủ tục nhập cảnh vào đất Thái và ngỏ ý muốn theo cô về thị trấn Mương gặp thầy giáo cũ của cô.

Người sĩ quan trẻ mỉm cười gật đầu và giúp chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh khá nhanh. Vừa lên xe, cô đổi giọng xưng hô và tự giới thiệu:

- Tên cháu gọi theo tiếng Việt là Núi. Năm nay cháu tròn 24 tuổi. Trường cũ nơi cháu học ở An – phi – Ban – xa – na nhưng bây giờ ta đến nhà thăm thầy giáo trước đã. Thầy giáo của cháu tên là Vương Đình Chính, năm nay đã gần tám mươi tuổi rồi...

Chỉ hơn mười lăm phút  sau, xe đã dừng lại trước căn nhà nhỏ ở một đường phố hẹp. Núi nhảy xuống  rất nhanh, biến vào nhà. Lát sau, một người đàn ông thấp, gầy, đầu hói, tóc bạc, mắt lấp lánh chiếc kính cận dày cộp xuất hiện trước cửa. Chúng tôi đoán ngay đây là bác Vương Đình Chính, thầy giáo cũ của Núi.

Ông niềm nở bắt tay từng người rồi dẫn chúng tôi vào bộ xa lông cũ kỹ kê ở góc nhà, chỉ tay vào những két nước giải khát đủ màu sắc chất đống ngồn ngộn giữa nhà:

- Ta chịu khó ngồi chật vào đây. Ngoài kia tôi nhường cho con gái làm kho chứa hàng. Bà nhà tôi đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn đi bán hàng cùng con gái ngoài chợ. Các anh ở đâu ta bên Việt? Còn tôi quê Nghệ, bố mẹ đưa sang đây từ lúc mới lên 9. Hồi đó ở quê ta bọn giặc đàn áp Cộng sản ác liệt lắm. Bố tôi là công nhân Đềpô Vinh, cũng đi theo Cộng sản, bị truy lùng dữ quá nên phải đưa cả nhà lánh sang đây. Mới đó mà đã gần một thế kỷ rồi!

- Nghe nói  bác cũng làm thầy giáo dạy tiếng Việt trên đất Thái đã gần nửa thế kỷ và học trò của bác có nhiều người  thành đạt lắm?

Bác Chính gật đầu, cười và thêm:

- Tôi dạy học hơn nửa thế kỷ rồi chứ, từ năm 1948 kia mà. Hồi đó đi dạy tiếng Việt cho học sinh cũng bị lính tráng và nhà cầm quyền ở đây truy lùng. Các anh đã nghe chuyện tôi cưới vợ đến bốn lần không?

Thấy cả đám chúng tôi trố mắt ngạc nhiên, bác Chính lại cười rung cả hai cánh vai gầy:

- Nhưng chỉ có một bà là vợ thật, còn ba lần kia là cưới giả. Tôi không chỉ dạy học ở huyện Mương, mà còn  đi dạy ở nhiều tỉnh khác nữa. Đâu có người Việt mình là tôi tìm đến dạy.

Hồi đó làm gì có lương. Phụ huynh nuôi tôi trong nhà và cho ăn cơm. Mỗi năm họ góp tiền may cho thầy hai bộ quần áo. Đến nơi nào cũng bị tra vấn truy xét bắt bớ nên tôi phải chọn nhà phụ huynh nào có con gái lớn, xin làm đám cưới giả, mang tiếng đến ở rể để che mắt nhà chính quyền và dạy học.

- Chắc những lần cưới giả ấy vợ bác không biết chứ? Nếu không thì...

Bác Chính lắc đầu cười:

- Bà ấy biết hết, bởi bà ấy cũng đi làm giáo viên như tôi. Vợ tôi quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, được bố mẹ cho ăn học có bằng Prime thời Pháp. Sang đây  thấy hầu hết các em gái người Việt không biết chữ, cô ấy mở lớp dạy chữ cho các em. Chúng tôi quen nhau từ công việc dạy học rồi nên vợ nên chồng...

- Một cặp vợ chồng nghèo lại đi dạy không có lương bổng thì làm sao nuôi con được?

- Vậy mà chúng tôi có với nhau ba mặt con và đều nuôi dạy chúng nên người. Công lao ấy là của vợ tôi và gia đình bên ngoại. Cô ấy dạy trong làng, mọi việc nhờ bố mẹ vợ lo liệu. Còn tôi đi khắp nơi. Mỗi lần mở lớp dạy học, phải tính toán chỗ tiến chỗ lui như một trận đánh...

Mỗi lớp chỉ mươi lăm em, nam riêng nữ riêng. Trên bàn là sách vở nhưng dưới đất để sẵn đồ nghề. Hễ có  người lạ vào là thu sách vở thật nhanh rồi bày đồ  nghề lên cắm cúi làm...

Đã cẩn thận thế mà nhiều bận vẫn bị bất ngờ, lính ập vào nhanh quá, không kịp giấu sách vở, tôi phải trốn vào bức tường hai ngăn đã xây sẵn trong hố xí  hoặc trèo lên nằm dài trên máng nước nhà khác để tránh bị bắt...

- Bác chỉ dạy chữ và tiếng Việt thôi à?

Thầy giáo Chính lắc đầu:

- Phải dạy đầy đủ các môn như chương trình phổ thông bên ta chứ. Hồi đó con em người Việt không được đến các trường học của người Thái nên phải dạy toàn diện để lớn lên các em có thể học nghề kiếm sống và làm những việc có ích cho nước nhà nữa chứ. Tôi dạy các em học từ vỡ lòng đến hết cấp II (lớp 7 trước đây).

Ngoài dạy chữ dạy tiếng, còn phải truyền đạt cho các em tình yêu Tổ quốc Việt Nam, giữ cho được cái hồn Việt trong mỗi con người. Những năm đất nước mình bị chia cắt, hai miền thù địch nhau, dạy cho các em hiểu điều này là vô vùng khó...

- Chương trình do thầy tự biên soạn à?

Bác Chính chưa trả lời  mà lại lục tủ lấy ra một số tập sách cũ, màu giấy đã ngả vàng, đưa cho chúng tôi xem:

- Chỉ một vài môn như lịch sử, địa lý, sinh vật... là tôi tự soạn, còn các môn khác theo đúng chương trình bên ta. Tôi phải nhiều lần viết thư nhờ bạn bè trong nước mua sách giáo khoa đem về tháo rời ra từng tờ, xáo trộn nhiều môn khác nhau rồi gửi qua bưu điện. Hồi còn chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, thư từ khó khăn lắm. Có khi phải gửi vòng qua nhiều nước hàng mấy tháng mới đến nơi...

Bác Chính cho biết thêm: “Hiện nay, tuy con em mình được đến trường Thái nhưng chúng tôi vẫn duy trì nhiều lớp dạy tiếng Việt ngoài học chính quy để cho con em mình về học tiếng Việt. Một điều rất mừng là bây giờ không chỉ có con em người Việt, mà còn nhiều trẻ người Thái, người Hoa, người Lào... cũng được bố mẹ đưa đến xin học tiếng Việt.

Cô Núi không phải là trường hợp đặc biệt đâu. Những lớp dạy tiếng Việt ban đêm còn có rất đông các nhà doanh nghiệp nước ngoài đến học. Lát nữa các anh đến trường của anh Khánh sẽ thấy tất cả”.

Bất ngờ,  chúng tôi quay cả lại nhìn người đàn ông mặc áo phông vàng ngồi tít một góc xa. Đó là Đậu Văn Khánh, người Việt đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Thái trong chuyến đi này. Anh đã đưa xe ra tận bến phà đón chúng tôi rồi đưa về khách sạn lo nơi ăn nghỉ.

Chúng tôi chỉ mới biết anh là đại diện của Hội Việt kiều ở tỉnh Na – khon – pha – nôm và là một trong những doanh nhân người Việt thành đạt ở tỉnh này. Không ngờ, anh còn bỏ tiền ra mua đất, xây nhà, sắm sửa bàn ghế và thiết bị dạy học rồi mời thầy đến dạy tiếng Việt miễn phí cho tất cả mọi người.

Khi chúng tôi đến lớp học tiếng Việt trên phố Aphi – Ban – ba – xa, thầy giáo Nguyễn Sĩ Tưởng đang dạy các học trò đọc một bài ca dao tiếng Việt. Điều lạ là trong lớp, ngoài hơn chục trò nhỏ lứa tuổi thiếu niên, ở hàng ghế cuối có mấy người lớn cũng dán mắt vào sách giáo khoa tròn miệng vừa đánh vần vừa đọc từng chữ. Khi thầy Tưởng ngừng dạy, mời chúng tôi vào lớp, tôi ghé tai hỏi nhỏ:

- Mấy người kia là phụ huynh học sinh à?

Thầy Tưởng lắc đầu cười:

- Cũng là học trò. Họ học lớp buổi tối nhưng chiều nay rảnh rỗi họ đến sớm, xin phép tôi cho vào học thêm cùng các cháu – Rồi thầy kéo chúng tôi xuống hàng ghế cuối, chỉ vào hai cô gái xinh đẹp khoảng bốn mươi tuổi – đây là trò Vũ Thị Thủy, Việt kiều, chủ một tiệm ăn lớn. Còn đây là trò Lưu Huệ Thanh, người Hoa, bạn của Thủy đang làm việc trong một công ty lớn.

Tôi hỏi Thanh:

- Sao cô không học các ngoại ngữ khác mà lại chọn tiếng Việt?

Thanh cầm bút viết tên mình bằng chữ Hán rồi số nhà, số điện thoại vào sổ tay của tôi và ngẩng lên nói bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Các anh cứ gọi em là Xíu Muội. Em thích học tiếng Việt vì em có nhiều bạn bè người Việt. Hơn nữa em nghe nói nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và rất mạnh. Em rất mong có ngày được cùng thầy Tưởng sang Việt Nam kinh doanh...

Thầy Tưởng cũng là một doanh nhân? Tôi quay sang thầy Tưởng, thầy gật đầu xác nhận:

- Tôi có ba nhà xay xát lớn, công suất 6.000 tấn/ngày, chuyên thu mua các loại lúa rồi xay xát thành gạo để xuất khẩu. Quê tôi ở Nam Định nhưng tôi đã sang Nghệ An hai lần để tìm địa điểm xin xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo đặc sản  để xuất khẩu.

Tôi chọn đất Nghệ là vì  từ đây sang đó rất thuận tiện, chỉ mất chưa đầy một ngày đường. Tất nhiên toàn bộ công việc kinh doanh ấy tôi giao hết cho vợ để mình chuyên tâm vào công việc đi dạy tiếng Việt không lương...

Tôi thật sự xúc động và cảm phục trước một nhà doanh nghiệp tài ba, có những ý tưởng kinh doanh rất độc đáo như Nguyễn Sĩ Tưởng lại sẵn sàng giao hết mọi việc cho vợ để tự nguyện làm một thầy giáo dạy tiếng Việt không lương không chỉ cho con em người Việt trên đất Thái, mà còn tình nguyện dạy cho bất cứ ai, dù thuộc quốc tịch nào miễn là họ yêu thích và say mê tiếng Việt.

Bản Nà Choọc, Tiết Hạ Chí – Đinh Hợi