Theo TS. BS.Vũ Trường Khanh-Giám đốc trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai, thông thường ung thư dạ dày không biểu hiện, khi phát hiện, nhiều trường hợp đã ở giai đoạn trễ. Các biểu hiện thường thấy như đau bụng, đầy bụng, chán ăn, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen là khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày sớm cần lưu ý
Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện khi tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan khác hay khi khám sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra bệnh lý định kỳ.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần lưu ý gồm
Đau bụng: Các cơn đau bụng ban đầu xuất hiện từng đợt, khi chuyển sang ung thư sẽ ngày càng trầm trọng và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.
Bụng to trướng: Bệnh nhân ung thư dạ dày thường có cảm giác đầy bụng bất thường sau khi ăn kèm với cảm giác khó chịu, buồn nôn và bụng to bất thường.
Thường xuyên ợ nóng: Chứng ợ nóng khá phức tạp, có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, chúng thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị. Những người bị ợ nóng có thể bị loét dạ dày, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Ợ nóng biểu hiện qua cảm giác nóng rát, buồn nôn hoặc thậm chí đau ngực, do đó, người bệnh không dễ dàng tự chẩn đoán. Nếu chúng xuất hiện thường xuyên, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra.
Sụt cân nhanh chóng: Đây là triệu chứng dễ thấy nhất ở những đối tượng mắc ung thư tiêu hóa. Trong một thời gian ngắn người bệnh có thể sút 1/3 trọng lượng cơ thể.
Đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu trong phân: Dấu hiệu này thường bắt gặp ở bệnh nhân bị viêm loét dạ dày đã biến chứng nặng hoặc mắc polyp dạ dày.
Chán ăn, cơ thể mệt mỏi: Ung thư dạ dày khiến người bệnh luôn chán ăn trong một thời gian dài đi kèm với triệu chứng khó nuốt, cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng, sức khỏe giảm sút nhanh chóng.
Nôn ra máu: Cần kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa ngay khi có triệu chứng nguy hiểm này.
Các nguyên nhân ung thư dạ dày
Các tổn thương tiền ung thư: Teo niêm mạc dạ dày; tế bào ở niêm mạc dạ dày biến đổi hình thái giống như tế bào ở ruột và đại tràng (chuyển sản ruột); tế bào niêm mạc dạ dày biến đổi cấu trúc, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể (nghịch sản).
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
Béo phì: Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.
Di truyền: Tỷ lệ di truyền gen viêm teo dạ dày từ mẹ sang con là 48%. Ngoài ra, sự đột biến di truyền của E - cadherin gen (CDH1) hay mắc phải các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp cũng liên quan đến ung thư dạ dày.
Nhóm máu: Người có nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn so với các nhóm máu O, B, AB.
Phẫu thuật dạ dày: Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khoảng 15 – 20 năm sau phẫu thuật.
Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.
Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.
Những đối tượng có nguy cao mắc ung thư dạ dày
Theo nghiên cứu, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày thường gặp ở những trường hợp sau:
Người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày (có tính chất gia đình), đặc biệt có người thân bị ung thư dạ dày ở tuổi dưới 40, dễ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm và những người đã từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc… cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Nếu có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi như: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày… cũng là đối tượng có nguy cơ mắc cao ung thư dạ dày.
Những ai mắc hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình là đối tượng có nguy cơ mắc cao ung thư dạ dày và tuổi từ 40 tuổi nên nội soi dạ dày tầm soát tìm ung thư sớm.