Những người đang ôm nợ vì hồ tiêu: Đã có 'phao', nhưng chưa được cứu

TP - Trước thực trạng nông dân lâm cảnh nợ nần vì đầu tư trồng tiêu nhưng thất bại, phải bỏ xứ tha hương cầu thực, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Gia Lai có công văn hỗ trợ người dân có diện tích trồng hồ tiêu bị dịch bệnh chết.
Người trồng tiêu Chư Pưh, Gia Lai mong được khoanh, giảm nợ.

Có phao cứu sinh

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân huyện Chư Pứh (Gia Lai) có cơ hội tái sản xuất sau khi đầu tư trồng tiêu bị thất bại, ngày 11/12/2017, ông Nguyễn Văn Cư Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai (NHNN) có công văn số 951/GLA-THNS&KHNB về việc hỗ trợ người dân có diện tích trồng tiêu bị dịch bệnh chết.

Theo đó, NHNN yêu cầu tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương rà soát tổng thiệt hại của khách hàng đã vay vốn trồng hồ tiêu nhưng bị dịch bệnh chết; có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho họ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất... Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, phải kịp thời phản ánh về NHNN để xem xét giải quyết.

Chỉ một ngày sau đó, 12/12/2017 giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai đã có văn bản gửi đến các chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc và trưởng phòng nghiệp vụ yêu cầu nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này. UBND huyện Chư Pưh cũng có công văn khẩn số 1383/UBND-NL gửi các cơ quan chức năng xã, thị trấn, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát diện tích hồ tiêu bị hạn và dịch bệnh chết năm 2016, đề xuất các cấp, ngành có biện pháp giúp dân.

... Nhưng chưa được cứu

Dù ngân hàng và chính quyền địa phương đã chỉ đạo khẩn trương, nhưng chừng nào mới được cứu, thì các con nợ đang “chìm dần” vẫn chờ mòn mỏi.

Bà Huỳnh Thị Cúc (SN 1968, trú thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa) thế chấp nhà đất vay 800 triệu đồng tại Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Chư Sê trồng 1.000 trụ tiêu. Khi tiêu bị bệnh, gia đình không có khả năng trả nợ, ngân hàng tiếp tục cho vay thêm tổng cộng 120 triệu đồng, nâng số nợ lên 920 triệu đồng, nhưng không cho rút tiền mà giữ trong ngân hàng để tính lãi hàng tháng. Khi biết NHNN có chính sách giúp người trồng tiêu, bà rất mừng, nhưng bên đã cho vay chưa hành động gì theo chủ trương này.

Đang vùng vẫy trong bể nợ, chị Lương Thị Bích Phượng (SN 1977, trú thị trấn Nhơn Hòa) cứ tưởng công văn từ NHNN sẽ “cứu” gia đình mình nhưng thực tế không như vậy. Chị Phượng kể, năm 2016, thông qua “cò” ngân hàng, chị Phượng thế chấp 13 sổ bìa đỏ (9 sổ đất, 4 sổ nhà) vay 4,6 tỷ đồng Ngân hàng An Bình chi nhánh Gia Lai với lãi suất hơn 40 triệu đồng/tháng để chăm sóc 8.000 trụ tiêu. Để vay được số tiền lớn trên “cò” đã mách chị vay theo hộ kinh doanh cá thể. Do thiếu hiểu biết, chị giao hết hồ sơ giấy tờ để “cò” làm.

Khi 8.000 trụ tiêu chết sạch, gia đình đã nhổ hết trụ gỗ lên bán cũng chỉ trả lãi được một thời gian. Nghe NHNN có chính sách hỗ trợ người trồng tiêu, chị Phượng vội chạy tới hỏi ngân hàng, thì họ bảo chị vay theo hộ kinh doanh nên không nằm trong diện hỗ trợ này. “Do cần vốn để đầu tư chăm sóc tiêu, gia đình tôi mới nhờ một người hướng dẫn đi vay. Tôi cũng nói với “cò” và nhân viên tín dụng là nhà tôi vay để đầu tư cho cây tiêu chứ không có kinh doanh gì. Nhưng họ bảo, ghi vậy thôi chứ vay về làm gì là quyền của mình, tôi không hiểu lắm nên đồng ý vay”. Giờ tiêu chết, gia đình không có khả năng thanh toán.

Chị Phượng mong muốn ngân hàng cho khoanh nợ, không tính lãi và cho bán một phần số đất đang thế chấp để trả nợ dứt điểm nhưng ngân hàng không đồng ý. Ngày nào ngân hàng cũng gọi điện thoại yêu cầu chị bán bớt 1-2 lô đất để trả lãi và 1 phần gốc. Theo cách ngân hàng làm thì dù nhà chị có bán hết đất vẫn không hết nợ do lãi phát sinh hàng tháng quá cao. Cứ cái đà này, con cái chị phải bỏ học, gia đình phải ra đường ở. Khi nghe phóng viên phản ánh về trường hợp này, ông Diệp Bảo Long - Giám đốc Ngân hàng An Bình chi nhánh Gia Lai cho biết sẽ xem xét lại.

Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc NHNN bày tỏ quan điểm: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất rõ ràng trong việc giúp nông dân trồng tiêu bị chết. Các ngân hàng phải tạo điều kiện, không được ép buộc khách hàng. Nếu người dân nào bị như vậy, cứ viết đơn gửi thẳng về Ngân hàng Nhà nước để thanh tra vào cuộc.