Những người chỉ mang một cái tên chung - Tiền Phong

TP - Nói đến Tiền Phong, bạn đọc nhớ ngay đến tên những nhà báo nổi tiếng, những vị lãnh đạo báo tài ba. Còn họ, những người cùng làm nên thương hiệu Tiền Phong chỉ có một cái tên chung.

Viết về họ thật khó, bởi họ chỉ là những con người bình thường nhất bên cạnh những tên tuổi lớn của tờ báo đang nổi như cồn trên cả nước vào thời kỳ đó. Họ làm những công việc rất đỗi đơn giản. Họ âm thầm hoàn thành nhiệm vụ môt cách hoàn hảo. Họ như thảm cỏ mướt xanh trong khu rừng dày đặc những cây cổ thụ vạm vỡ. Nhưng có lẽ không có họ, sẽ chẳng thấy được tầm cao của đại ngàn.

Các cán bộ hành chính của báo Tiền Phong: Anh Nguyễn Trinh Đồng và chị Đinh Bích Thủy (giữa). Bìa phải: Anh Đỗ Hà, bìa trái: Anh Hoàng Rự (Ảnh: FB Nguyễn Trinh Đồng)

Cô đánh máy hay chữ

Ngày tôi về báo, thấy có một cô đánh máy chữ già già, beo béo,  trăng trắng, thâm thấp ngồi một mình một phòng ở góc phía sau tầng một tòa biệt thự cũ. Căn phòng bé tí, nhưng cửa sổ to đùng với những chấn song gỗ. Sau này tôi mới hiểu cái cửa sổ to đùng đó là để chuyển bản thảo cho dễ và cũng để dễ trao đổi công việc của thư ký tòa soạn với cô.

Chủ nhân căn phòng là cô Lan, vợ một nhạc sĩ. Cô ngồi đó múa 10 ngón tay trên chiếc máy chữ to đùng. Tất cả các bản thảo viết tay được cô gõ lại, nhân bản. Bản thảo trên giấy một mặt, tờ  trắng, tờ đen; chữ viết thì xấu - đẹp, thưa - dày, viết tắt… đủ kiểu tùy theo tính cách, địa điểm, thời gian, cảm xúc lúc viết của phóng viên. Nhưng được cái, dù viết ngoáy, viết tắt đến đâu cô đều luận ra được tất. Có những bản thảo, không thể luận được thư ký lại phải nhờ đến cô… “dịch” hộ.

Ðiều đặc biệt, dường như không tự ti mình chỉ là người đánh máy, cô mạnh dạn góp ý với người viết cả cách đặt câu, dùng từ. Còn những lỗi chính tả, với cô, là… muỗi! Cô tự chữa cho hết. Bản thảo qua khâu đánh máy của cô như thể được biên tập lần đầu tiên.

Một điều đặc biệt khiến tôi nhớ mãi là cái tên thủ đô nước Nga. Cô kiên quyết bảo vệ đến cùng phải viết đúng là Ma-xcơ-va, chứ không thể là Mát-xcơ-va như nhiều báo cho đến bây giờ vẫn viết. Ðể minh chứng cho quan điểm của mình cô dẫn từ nguyên gốc tiếng Nga tới tiếng Anh, tiếng Pháp rồi cả cách phát âm tiếng Nga là không hề có chữ T như các báo Việt Nam thường viết. Cách viết và gọi tên thủ đô Ma-xcơ-va như là một “đặc sản”, một nét riêng biệt, tạo nên một “phong cách” nho nhỏ ở Tiền Phong.

Nhớ những ngày cuối năm 1988, sau kỳ thi tuyển phóng viên đầu tiên trên cả nước, tôi từ một “anh giáo Thứ” tập tành trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Háo hức viết. Viết vì sự tri ân với những người tin tưởng mình. Viết để khẳng định mình.

Bài học đầu tiên của nghề biên tập tôi học được đầu tiên có lẽ là từ cô Lan: Nghiêm cẩn, có trách nhiệm ngay từ lúc viết bài, cẩn trọng từ những lỗi chính tả, ngữ pháp. Nhà báo ăn lộc chữ thì trước khi viết hay việc đầu tiên là phải viết cho đúng.

Những con người mang danh… Thần Tài

Nhớ những ngày cuối năm 1988, sau kỳ thi tuyển phóng viên đầu tiên trên cả nước, tôi từ một “anh giáo Thứ” tập tành trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Háo hức viết. Viết vì sự tri ân với những người tin tưởng mình tạo cho mình cơ hội trở thành phóng viên. Viết để khẳng định mình. Và… Viết cũng để kiếm sống trong những ngày cả nước còn đói, nghèo sau 3 cuộc chiến tranh, vì ngăn sông cấm chợ.

Sau niềm vui bài viết được đăng là niềm vui được lĩnh nhuận bút, được lĩnh lương. Vui đấy, nhưng cũng e dè đấy. Chuẩn bị một chuyến công tác mới, phải có chút tiền về đưa cho vợ, phải có chút ít đút ví để chi tiêu. Trông cả vào nhuận bút, vào lương.

Những phóng viên có thâm niên ở báo mới mạnh dạn hỏi thẳng, chứ cánh mới về như chúng tôi thì chỉ biết lượn qua lượn lại phòng hành chính. Và cả bọn tươi rói khi anh Nguyễn Trinh Ðồng nhỏ nhẹ nói: “Có nhuận bút rồi đấy, vào lấy đi!”, hay chị Ðinh Bích Thủy cười cười thông báo: “Có lương nhé!”. Và rồi cả cơ quan tíu tít, hồ hởi, những nụ cười cứ nở mãi từ phòng hành chính về đến mỗi gia đình.

Một lần kể lại những câu chuyện đó như một sự hàm ơn, chị Ðinh Bích Thủy nhẹ nhàng đáp: “Người đi làm chỉ mong có đồng lương. Các cậu là phóng viên ngược xuôi vất vả, bộ phận kế toán - thủ quỹ chúng tớ ở nhà cố gắng làm cho đúng hạn chứ có gì to tát đâu”.

Không chỉ người cơ quan vui vì sự quan tâm của những người phát tiền, mà các cộng tác viên còn hài lòng hơn nữa. Khi tôi đã là thư ký tòa soạn, một nhà văn nổi tiếng còn đứng giữa sân nhà 15 Hồ Xuân Hương chỉ mặt nói oang oang: “Tôi gửi bài không phải vì báo chú oai đâu nhé. Tôi viết vì tôi quý những người phát nhuận bút, phụ cấp cộng tác viên ở đây đấy!”. Rồi cả những em sinh viên nhận những món nhuận bút đầu tay cũng vô cùng thoải mái vì thấy mình được trân trọng. Thế mới biết, người phát nhuận bút như một vị sứ giả thiện lành mang hình ảnh đại diện cho tòa soạn, mang niềm vui tới những phóng viên.

Những con người như thế ở Tiền Phong còn nhiều lắm, kể mãi cũng không thể hết. Các nhà báo tài danh của Tiền Phong có thể đi đến khắp nơi trên trái đất viết về muôn vạn con người nhưng chả có thời gian viết về họ. Họ - Mỗi người đều có tên riêng, nhưng tên của họ không được ghi dưới mỗi bài báo hay bất kỳ chỗ nào trên các ấn phẩm. Vậy nhưng tất cả những cái tên ấy vẫn ẩn sâu, hòa trong màu mực để tạo nên cái manchette rất đỗi thân thương và trang trọng: TIỀN PHONG.         

_____

(*) Nguyễn Ngọc Nam - nguyên Phó tổng biên tập báo Tiền Phong