Vua mực làm thơ, viết nhạc
Năm nay, vương miện “Vua câu mực Trường Sa” được dành cho một số tàu, trong đó có tàu của thuyền trưởng Trương Đình Hiệp. Tàu ông Hiệp câu được 60 tấn mực khô. Mỗi ngư dân được chia phần 200 triệu đồng sau 4 phiên biển.
Từ trước đến nay, chưa bao giờ ngư dân câu mực trúng đậm như vậy. Danh hiệu “Câu mực nhanh” thuộc về lão ngư dân Tiêu Viết Được. Một đêm trên biển, lão ngư Được câu được hàng ngàn con mực.
“Vua” câu mực Nguyễn Đình Hiệp còn là một thi sĩ. Anh sáng tác hàng trăm bài thơ mộc mạc về biển đảo, về cuộc sống lao động trên ngư trường Trường Sa…
Trong những lần lên đảo giao lưu với chiến sĩ hải quân, nghe anh em thổ lộ niềm vui, nỗi cô đơn của người lính đảo, ông Hiệp bắt đầu sáng tác thơ và ca khúc. Có bài hát, ông viết thật như đếm: “Anh chiến sĩ ngã xuống Trường Sa, như tia sáng bầu trời xa xa, sống mãi trong lòng ta”.
Ngư dân bảo, tàu nào có ông thuyền trưởng thuộc nhiều bài hát, bài thơ và có máu văn nghệ, đội ngư dân của tàu đó rất khoẻ, đánh bắt đạt sản lượng và ít khi xảy ra tai nạn.
Là thuyền trưởng, vào những đêm vắng vẻ, khi các ngư dân xuống thúng câu mực, ông Hiệp phải trực Icom liên tục để nối sóng với các thúng và nghe thông tin thời tiết trên biển. Có tín hiệu giông biển, con tàu phải lượn một vòng vớt ngay các ngư dân, không để thúng bị lạc.
Trong những khoảnh khắc biển lặng yên, ông thuyền trưởng này bắt đầu lẩm nhẩm bài thơ, bài hát. Có bài mới, ông đọc và hát ngay vào Icom cho anh em trên thúng nghe luôn. Sau mỗi bài thơ ông Hiệp lại thuyết minh, giọng tỉnh bơ như người dẫn chương trình đang đứng trên sân khấu.
“Đọc bài Tình mẹ nữa đi ông Hiệp ơi !”, đêm văn nghệ nào, ngư dân cũng đề nghị được nghe bài này của ông Hiệp. Đọc xong, ông Hiệp tiếp tục dẫn nối chương trình bằng lời khuyên nhủ: “Vậy đó, chúng ta phải nghe lời mẹ, ai không nghe lời mẹ là chúng ta chưa tròn chữ hiếu”.
Hát cho khỏi… ngủ quên
Cả 3 cha con lão ngư dân Kiều Thuần (ở xã Bình Chánh, Bình Sơn) đợt này cùng xuống tàu câu mực. Trong cảnh tấp nập ngày mở biển, ngư dân khệ nệ bê lên tàu đủ loại thực phẩm chuẩn bị cho những ngày ở Trường Sa. Một thuyền trưởng cho biết, ngư dân đi biển mang theo đủ thực phẩm để dùng dài ngày.
Tàu anh chở theo 150 thùng mì tôm, gần 200 thùng bia lon, ngoài ra còn vô số nước giải khát, đường, sữa, cà phê tương đương khoảng 150 triệu đồng.
Số hàng này ngang bằng một đại lý tạp hóa trên đất liền. Nhưng tàu ra Trường Sa, dù gì đi nữa cũng không thể thiếu những rổ đĩa ca nhạc DVD gồm đủ thể loại và thiết bị nghe nhìn.
Mỗi ngư dân thủ theo một chiếc radio để nắm bắt tình hình trong đất liền. Một ngư dân cho biết: “Những chương trình về biển Đông, hải đảo, hoặc chuyện đêm khuya luôn được ngư dân câu mực đón nghe”.
Ban đêm, ngư dân thi nhau hát qua Icom. Vừa câu vừa hát. Nửa đêm, sợ ngư dân xuống thúng thiu thiu ngủ, thuyền trưởng bật máy và hát. Ba, bốn chục chiếc máy Icom giắt trên thúng của các ngư dân nối sóng.
Thuyền trưởng hát xong, đến lượt ngư dân. Hát để quên đi giấc ngủ nặng trĩu đang ập đến, hát để biết rằng mình vẫn đang tồn tại trên chiếc thúng câu. Vào những đêm câu được nhiều mực, ngư dân càng hát rộn rã hơn.
Thuyền trưởng Dương Thành Vinh thuộc nhiều bài về quê hương Quảng Ngãi. Bình Sơn quê mẹ bao giờ cũng là bài mở đầu của ông Vinh. “Quê hương tôi Bình Sơn miền thùy dương biển xanh cát trắng, quanh năm tiếng sóng vỗ rì rào.
Mùa cá chuồn về cảng Sa Kỳ lao xao. Dân quê tôi hiền hoà như hạt muối Bình Châu Bình Thuận, như nước con sông Trà Bồng đã nuôi lớn bao thế hệ dân nghèo. Bình Sơn tiếng mẹ ầu ơ…”.
Ngư dân bảo, tàu nào có ông thuyền trưởng thuộc nhiều bài hát, bài thơ và có máu văn nghệ, đội ngư dân của tàu đó rất khoẻ, đánh bắt đạt sản lượng và ít khi xảy ra tai nạn.
Những bài nhịp điệu hùng tráng, tất cả các ngư dân đồng ca, chẳng hạn “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.
Hát át hiểm nguy
Trường Sa luôn là vùng biển đầy hứa hẹn tài nguyên hải sản, nhưng nghề câu mực khơi vẫn được coi là nguy hiểm nhất. Chỉ cần một cơn giông bất thần, lập tức 30 chiếc thúng trôi đi tứ tán.
Được mùa, ngư dân vẫn không thể quên những năm tháng nhọc nhằn đã qua. Ngư dân Dương Thanh Minh (44 tuổi, quê xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) kể, lần đi bạn cho tàu câu mực của ông Cườm, quê ở Đà Nẵng, cứ thả câu là mực bu tới đông đặc.
Mực lượn sáng như sao biển. Mấy anh em chở thúng mực về tàu phơi xẻ. Nóc tàu cõng giàn mực chao đảo vì hàng tấn mực tươi.
Bỗng “rắc”, chiếc giàn sập đổ về một phía. Anh em la thất thanh, không kịp trở tay. Chiếc tàu lật úp xuống biển và chìm nghỉm. Anh Minh nhanh tay bám vào một chiếc thúng. Khi đã định thần, anh lượn vòng vớt các ngư dân đang lóp ngóp bơi dưới biển.
Trôi nổi trên chiếc thúng và liên tục đưa tay vẫy những con tàu nhỏ tí xíu phía đường chân trời trong tuyệt vọng. Cái nắng hanh hao khiến ngư dân teo tóp, bơ phờ như con mực khô. Cuối cùng, một chiếc tàu vận tải của Singapore phát hiện và vớt chùm ngư dân đưa về bờ.
Còn vụ tai nạn gần đây nhất ập xuống đối với gia đình ngư dân Ngô Phường (48 tuổi, quê xã Bình Chánh huyện Bình Sơn). Ông Phường đi trên tàu cá QNg 95078 TS. Thúng câu được thả xuống vùng biển quần đảo Trường Sa. Nửa đêm anh Phường vẫn còn lên máy Icom thông báo câu được nhiều mực.
Nhưng sáng hôm sau, khi thuyền mẹ lượn một vòng vớt thúng, mới phát hiện thúng anh Phường rỗng không. Các ngư dân lạnh toát cả người. Trên sạp thúng còn một đống mực câu đen sì, gói mì tôm sống nhai dở, bịch cơm nguội rơi vãi, chiếc máy Icom vẫn lào xào nối sóng. Chủ nhân thì biến mất.
Trước đó, ngư dân Hồ Đông Tùng (SN 1974) cùng quê xã Bình Chánh huyện Bình Sơn bị tàu lạ nhấn chìm. Ngư dân Lê Văn Sơn câu gần thúng anh Tùng kể lại, chiếc tàu lạ lù lù xuất hiện trong đêm tối, lướt qua đè lên thúng của anh Tùng. Anh em bơi thúng tới tìm nhưng tất cả đã chìm nghỉm.