Mỗi nhà văn có một lối đi riêng, cách tiếp cận riêng của mình để đến được với độc giả. Nhà văn Nguyễn Kiên vốn dĩ hiền hoà, kỹ lưỡng, chu đáo và nhẹ nhàng. Ông đến với độc giả không cần nhờ tới bất kỳ “cơ quan chức năng” nào, kể cả hệ thống truyền thông. Nếu có đám đông người, thế nào Nguyễn Kiên cũng thụt lùi vào, cười cười nhường chỗ cho người chen lên. Đi đâu, làm gì ông cũng khẽ khàng. Ấy thế mà rồi cuộc sống vẫn cứ ẩy ông lên trước. Lên trước rồi, ông vẫn nhăn nhó, xuề xoà, xin mọi người xem lại. Không khách khí, không đãi bôi mà là thực lòng.
Nhà văn Nguyễn Kiên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nguyễn Kiên luôn luôn ngó trước nhìn sau trước khi làm gì. Ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn thời bắt đầu mở cửa (1990 – 1995) thật hợp, thật vui, thật đẹp. Thời ấy mới mẻ, thật nhiều bối rối băn khoăn, nhưng cũng đáng nể phục đối với sức sáng tạo của các nhà văn. Đó là những năm tháng được mùa vô cùng đẹp đẽ. Đẹp cho cả ông, đẹp cho cả anh em cơ quan, đẹp cho cả nền văn học nước nhà.
Ông thủng thỉnh đi và Nhà xuất bản cũng đủng đỉnh đến đích, vừa sang trọng, vừa rộn ràng. Những tác phẩm nổi trội của nền văn học nước nhà được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, mà đứng đầu là nhà văn Nguyễn Kiên.
Những năm ấy, những ấn phẩm mới của Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực sự tạo nên một điểm nhấn vô cùng ấn tượng cho sự nghiệp xuất bản sách văn học của Việt Nam.
Những tác giả tác phẩm khởi đầu như “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khán; “Ký sự miền đất lửa” của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân. Tiếp sau đó, cuốn “Thời xa vắng” của Lê Lựu làm nức lòng bạn đọc và giới xuất bản. Các cuốn sách gây ấn tượng mạnh, gây nhiều tranh cãi như “Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”, “Khách ở quê ra”, “Lão Khúng” của Nguyễn Minh Châu tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ của văn học thời đổi mới.
Sau đó, vụ mùa bội thu, ba tác phẩm của ba nhà văn trẻ: “Thân phận của tình yêu” của Bảo Ninh; “Bến không chồng” của Dương Hướng và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường đều do các nhà văn, các nhà biên tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn chăm chút “đỡ đẻ”.
Nhà văn Nguyễn Kiên với các tác phẩm đặc sắc viết về nông nghiệp, nông thôn: “Vùng quê yên tĩnh”, “Lá rụng”, “Nhìn dưới mặt trời”, “Chặng đường nhớ lại”, “Một cảnh đời”. Sách của ông, cũng như cách sống khiêm nhường ấm áp của ông không bao giờ là những chuyện gây ồn ào. Nó như cuộc sống đầy ắp tình người của ông vậy. Thời gian đi qua, nhưng cái tình còn lại. Nó vẫn là tiếng nói ấm áp đầy truyền cảm của một thời đầy biến động mà đất nước ta phải trải qua - thời gian khó.
Cho em kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của anh, anh Kiên!
Nhà văn Nguyễn Kiên, tên khai sinh: Nguyễn Quang Hưởng, sinh ngày 02/4/1935; quê quán: xã Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Ông từ trần vào hồi 19h3p ngày 25/2/2014. Lễ viếng từ 10h ngày 4/3/2014. An táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội).
Nhà văn Nguyễn Kiên tham gia chống Pháp từ năm 1947; Ông được nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương. Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I năm 2001, Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2002...