Nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khi “thuốc không có trong tay, thầy chưa có tại chỗ” thì những cây thuốc này có giá trị dự phòng và hỗ trợ điều trị tích cực. Trong những vị thuốc này có thể kể đến một số cây thuốc giải độc điển hình sau đây:
Bòn bọt
Còn gọi là cây bọt ếch, chè bọt, cây sóc…, được dùng để chữa rắn độc cắn bằng cách lấy lá tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương hoặc dị ứng sơn (lấy cả cành lá sắc lấy nước để rửa. Ngoài ra, còn được dùng để chữa tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, phù thũng…
Cây mua
Ở nước ta có nhiều loại mua, người ta hay dùng cây mua lùn để làm thuốc. Thường dùng để giải độc sắn và chữa rắn độc cắn (lấy rễ giã nát, hãm với nước sôi hoặc sắc lấy nước uống)
Đậu xanh
Đậu xanh vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi tiểu. Để giải độc lấy 100g đậu xanh rửa sạch, nghiền sống, chế nhiều nước rồi uống hoặc nhai luôn 1-2 nắm hạt sống rồi uống nhiều nước.
Có thể lấy cả hạt ninh nhừ ăn, nếu chỉ có vỏ hạt thì sắc lấy nước uống. Cũng có thể dùng bột đậu xanh hoà với nước nguội để uống. Hạt đậu xanh dùng giải độc trong mọi trường hợp, đặc biệt khi say sắn và ngộ độc nấm.
Kim ngân
Y học cổ truyền thường dùng cành lá và hoa để chữa bệnh và giải độc bằng cách mỗi ngày dùng 12g hoa (kim ngân hoa) hay 20g cành lá (kim ngân đằng) sắc lấy nước uống.
Nước sắc kim ngân được dùng để giải độc do cà độc dược, cỏ sữa lá to, hạt dây cam thảo, lá ngón và nấm độc. Có thể dùng lá kim ngân tươi nhai kỹ rồi nuốt lấy nước. Kim ngân thường dùng riêng hoặc kết hợp với bồ công anh, sài đất.
Rau má
Rau má vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát gan và lợi tiểu. Để giải độc lá ngón hoặc say sắn lấy cả cây rau má rửa sạch, giã nát, hòa với nước ấm rồi gạn lấy nước uống; để chữa ngộ độc nấm cũng làm như trên hoặc lấy rau má 160g đem sắc với 80g đường phèn lấy nước uống hoặc lấy 160g rau má và 400g củ cải tươi, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống.
Rau mùi
Rau mùi thường dùng để chữa ngộ độc thức ăn bằng cách lấy khoảng 120g hạt mùi đem sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.
Sắn dây
Còn gọi là cát căn, y học cổ truyền thường dùng lá, hoa, rễ củ và bột để giải độc bằng cách: Lấy củ sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hoặc củ khô (cát căn) sắc lấy nước uống; bột sắn dây hòa với nước rồi pha thêm đường uống; lá sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống để chữa rắn độc cắn, bã đắp lên trên vị trí tổn thương.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn