Nét cổ biên thùy
Rời con nước ở thành phố Lạng Sơn, dòng Kỳ Cùng chảy ngược sang mạn Tây Bắc của tỉnh Lạng Sơn, vòng qua huyện Văn Quan đến thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng rồi men theo đường số 4 rực lửa thời đánh Pháp lên tới huyện Tràng Định.
Đứng trên đèo Bố Củng, quốc lộ 4A, chúng tôi phóng tầm mắt về phía thị trấn Na Sầm. Mặc dù trời quang nhưng từ trên cao, chúng tôi như vén những áng mây màu trắng xốp cùng sương mù để chiêm ngưỡng thị trấn miền biên viễn huyền ảo, lung linh. Na Sầm là thị trấn nhỏ, khá yên bình nằm trải dài theo con sông Kỳ Cùng. Đất và nước hòa quyện với nhau tạo nên một mảnh đất trù phú với nhiều nét văn hóa, nơi quần cư của các tộc người chung sống vui vẻ, an nhiên từ xưa đến nay.
Bà Vũ Kiều Oanh, Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Lạng Sơn nheo mắt về dãy nhà ép dưới chân núi Phje Mòn (Diễn Trận Sơn), chạy song song với sông Kỳ Cùng rồi bồi hồi nhớ lại: Phố Na Sầm xưa người Hoa chiếm đa số, phần còn lại là người Kinh ở dưới xuôi tới nên phố xá kiến trúc chủ yếu theo lối người Hoa. Ấy là những ngôi nhà sâu hun hút, có gác xép, lợp ngói âm dương. Nhà nào cũng có khoảng sân lấy ánh sáng, ngăn cách giữa nhà và bếp, có bể nước, dây phơi. Nhà của người Kinh đa số là cấp 4, nhà nào kha khá thì có trần vôi rơm để chống nóng và cất đồ.
Với ông Hoàng Choóng, 77 tuổi, người dân tộc Tày, trú tại thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng khi đề cập đến quê hương bản quán thì ánh mắt ông linh hoạt hẳn. Ông cho biết, từ thuở nhỏ, đã được theo cha anh và chúng bạn ra sông Kỳ Cùng tắm và chơi trò trận giả. Những lúc chiều tà, ông mân mê với những thớ đất dẻo ven bờ sông rồi nhẫn nại nặn thành hình muông thú.
Thế rồi, ông trở thành nghệ nhân nổi tiếng với việc sản xuất ra các loại đầu sư tử mèo, gà biết gáy cùng hàng trăm sản phẩm dân gian khác, được đông đảo người dân mến mộ. Bây giờ, trong căn nhà nhỏ của ông cũng là “xưởng sản xuất”, với bộn bề màu sắc chủ đạo đỏ, đen, xanh nguyên chất. Ông chỉ vào từng đầu sư tử kích cỡ khác nhau rồi giới thiệu: Sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Tày, Nùng. Nó độc đáo bởi hình thù giản đơn giống chiếc nón vành rộng, được trang trí bằng các đường vẽ với nhiều màu sặc sỡ. Hình ảnh những con sư tử mèo với những điệu múa khỏe khoắn, rộn ràng đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đồng bào các dân tộc xứ Lạng
Theo ông Choóng, vào dịp tết Nguyên đán, đội múa sư tử mèo của xã Hoàng Việt thường đến thị trấn Na Sầm để giao lưu, chúc Tết. Đội sư tử mèo gần chục người đi từng nhà để cầu cho gia chủ sức khỏe, năm mới ăn nên làm ra. Đồng bào địa phương quan niệm năm mới sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó.
Đậu phụ Na Sầm
Bà Vũ Kiều Oanh nhẩn nha đi dọc sông Kỳ Cùng bồi hồi kể, tốt nghiệp THPT rời xa quê hương đi học chuyên nghiệp rồi tít tắp công việc trên tỉnh Lạng Sơn, thi thoảng mới về quê hương. Thế nhưng, hình bóng nếp nhà, ngõ phố Na Sầm luôn trong tâm trí của bà. Nhất là những món ăn riêng có của địa phương thì không bao giờ quên, nó đã trở thành miền ký ức, niềm thương, nỗi nhớ, nhất là món khoái khẩu đậu phụ Na Sầm.
Theo bà Oanh, đậu phụ Na Sầm, giờ thành món ngon nức tiếng gần xa, ai đi qua đều ghé lại mua vài túi về ăn, mang biếu. Người Na Sầm cũng hay gửi đậu cho người thân xa quê vơi nguôi nỗi nhớ cố hương. Trong các mâm cỗ, từ đám cưới, đám hỏi đến cơm khách, không bao giờ thiếu món đậu phụ, như một cách người Na Sầm khoe khéo niềm tự hào về sản vật quê hương.
“Qua nghiên cứu, nghề làm đậu ở Na Sầm bắt nguồn từ những gia đình người Hoa chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Đậu phụ gọi theo tiếng Thổ là “Tàu phù”, óc đậu gọi là “Tàu phù phá”. Món đậu phụ hiện diện hầu như trong mọi bữa ăn của người Na Sầm bởi nó rẻ tiền, ngon, bổ dưỡng, mà chế biến được thành nhiều món với hương vị khác nhau. Nhà tôi hay ăn món đậu rán tẩm hành. Còn hàng xóm thì lại làm món canh nấu với dạ dày lợn cùng đậu rán, kèm một số gia vị đặc biệt, thành món canh nóng hổi, thơm lừng”, bà Kiều Oanh thuật lại.
“Mỗi lần trở lại quê hương, được đắm mình với kỷ niệm xưa, tắm tâm hồn mình với phố núi nhỏ ven sông Kỳ Cùng và những nét phong tục tập quán, ẩm thực địa phương đậm đà bản sắc dân tộc… cứ như thế, những người con xứ Lạng thấy mình an nhiên, bình thản lạ kỳ”, bà Vũ Kiều Oanh
Bà Oanh kể rằng, đôi khi làm món đơn giản hơn là đậu sống cắt miếng, bày sẵn trong đĩa sâu lòng. Hành khô băm nhỏ phi thơm, cho thịt xay vào đảo săn, rồi nêm xì dầu, gia vị, thêm nước sốt lên, dội lên đậu. Hay đậu rán vàng chấm xì dầu, chấm nước mắm chanh. Có khi đậu rán sơ kho thịt ba chỉ, sốt cà chua với ốc sông Kỳ Cùng rất tốn cơm.
Nghệ nhân Đặng Thị Nhàn, năm nay gần 60 tuổi, trú tại khu 4, thị trấn Na Sầm, người có kinh nghiệm làm đậu hơn 20 năm chia sẻ: Để có một mẻ đậu ngon trước tiên phải chọn loại đỗ tương ngon, hạt đẹp, không bị lép, nước để làm đậu phải là nguồn nước trong mát Kỳ Cùng. Khi tiến hành nén đậu thì phải thật cứng chia làm 2 lần để khi chế biến đậu không bị nát. Đến nay, gia đình bà vẫn làm đậu theo phương pháp truyền thống, không sử dụng máy móc...
Chúng tôi rời Na Sầm khi con nước sông Kỳ Cùng lấp loáng ánh hoàng hôn. Trên dòng sông đó còn có các loài tôm cá ngon, riêng có mà trong bài viết này chưa thể kể được, hy vọng sẽ được quay trở lại với những câu chuyện kỳ thú tiếp theo nơi biên cương xứ Lạng.
(còn nữa)