> Trạm bơm thành chuồng nuôi dê
> Mong manh Đê kè
Hoang phế
Âu thuyền Tắc Thủ nằm ở ngã ba Sông Trẹm, Cái Tàu và Sông Đốc thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 80 tỷ đồng. Âu thuyền hình chữ U, dài 206 m, rộng 14m. Đây là công trình thủy lợi có mục đích ngăn mặn, góp phần bảo vệ hơn 200.000 ha đất trong dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau.
Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau ra đời từ những năm 1990. Tuy nhiên, đến năm 2000, dự án cơ bản không còn phù hợp khi nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang phá hàng loạt đê ngăn mặn để đưa nước mặn vào nuôi tôm. Năm 2000, Chính phủ cho phép chuyển đất lúa kém hiệu quả ở bán đảo Cà Mau sang nuôi trồng thủy sản.
PV Tiền Phong nhiều lần liên hệ lãnh đạo Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau để tìm hiểu cách xử lý các công trình thủy lợi cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường, nhưng đều bị từ chối với lời giải thích: “Các công trình do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, chuyện tế nhị, khó nói lắm”.
Âu thuyền Tắc Thủ được khởi công xây dựng năm 2001 và khánh thành năm 2005. Ông Nguyễn Văn Thìn ở ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ kể: “Tôi nhớ lúc khởi công, khánh thành nhiều cán bộ phát biểu, công trình ngăn mặn phía tây theo sông Ông Đốc, giữ ngọt trong mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa kết hợp xả phèn đầu mùa mưa rồi vỗ tay. Tôi nghe mà nóng ruột quá trời, 80 tỷ đồng ở thời điểm đó là rất lớn. Bây giờ chỉ là một đống bê tông với sắt thép gỉ nát”.
Âu thuyền Tắc Thủ không được sử dụng để ngăn mặn một ngày nào. Bây giờ, dọc hai bờ âu thuyền chỉ bày ra cảnh hoang phế, với những đống sắt thép gỉ sét khổng lồ; 2 cánh cửa vô dụng được kéo lên phơi nắng mưa.
Ở giữa TP Cà Mau có cống thủy lợi Cà Mau xây dựng tốn mấy trăm tỷ đồng, chắn ngang kinh xáng Quản Lộ Phụng Hiệp nhằm ngăn mặn giữ ngọt, nay cũng hoang phế. Cán bộ Trạm thủy lợi TP Cà Mau trực cống Cà Mau cho biết: “Từ cuối năm 2012 đến nay, cống mở tự nhiên 2 chiều”. Khối bê tông đồ sộ kéo từ bờ phường 4 bên này sang bờ phường 5 bên kia, mặt cống là cầu nên hiện có vài hộ dân dựng tạm nhà dưới gầm để ở.
Cản trở giao thông, gây ô nhiễm
Kinh xáng Trắc Băng đổ về Sông Trẹm (Thới Bình) đến sông Cái Tàu (U Minh), rồi đổ ra Sông Đốc (Trần Văn Thời) là đường thủy quốc gia, tàu thuyền tấp nập. Từ khi âu thuyền Tắc Thủ chắn ngang, dòng chảy rất rộng trước đây bị bóp xuống còn 14 m giữa hai bờ bê tông. Chính quyền phải lập ra Trạm quản lý và điều tiết giao thông âu thuyền Tắc Thủ với hơn 20 người, có 2 tàu chặn ở hai đầu âu thuyền để điều tiết vì sợ tàu thuyền lớn cùng đi vào đụng nhau.
Cống Cà Mau cũng đang cản trở giao thông trên kinh xáng Quản Lộ Phụng Hiệp, tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP Cà Mau đi lên các tỉnh ĐBSCL. Kinh xáng rộng hàng trăm mét, nay cống Cà Mau chỉ có cửa thông thuyền rộng 7 m mỗi bên, lại còn có cầu giao thông tích hợp trên cống.
Khi PV Tiền Phong đang xem cống hoang phế, hai cha con chủ một sà lan chạy tới, căng dây đo khoảng cách thông thuyền, độ cao thông thuyền. Người cha giải thích: “Cực quá, muốn cho sà lan chở cát đá qua đây nhưng không biết có chui lọt không. Vận chuyển hàng hóa về Cà Mau sợ nhất là chỗ này”.
Trước đây, khi cống Cà Mau còn đóng mở, những lúc đóng cống, tàu thuyền nằm chờ kéo dài hai bên, khi mở cống thì tranh nhau chui qua. Anh cán bộ thủy lợi tên Thống trực ở cống Cà Mau nói: “Cống bị tàu thuyền đâm rung rinh hoài, tội nghiệp cho bà con không quen đường, hư hỏng tàu thuyền mỗi khi va chạm”.
Người dân sinh sống hai bên bờ sông, đoạn gần với cống Cà Mau, lại phải chịu hôi thối vì nước ứ đọng, và phù sa bồi lắng rất nhanh vì cống ngăn dòng chảy. Ông Tô Văn Trạng ở phường 5 nói: “Mở cống, bà con đi tàu bè mừng rồi mà bà con ở hai bên bờ cũng mừng vì đỡ hôi thối. Mong sao có ngày, chính quyền cho phá quách cái cống đi để dân đỡ khổ”.