Nằm trong lòng khu phố cổ náo nhiệt, đoạn đường sắt do Pháp xây dựng từ hơn trăm năm trước nay vẫn hoạt động hiệu quả, đưa những chuyến tàu đi nhiều địa phương như Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn...
Từ cầu Long Biên, tuyến đường sắt đi qua các phố Gầm Cầu, Phùng Hưng. Đây là khu vực trung tâm phố cổ đông đúc, tuyến đường được xây dựng ở trên cao, riêng biệt.
Hết phố Phùng Hưng, tuyến đường sắt hạ độ cao bằng với đường giao thông nội đô, hai bên hành lang đường ray có nhiều nhà, và cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân.
Đã có thời điểm phố Phùng Hưng là điểm tham quan hàng đầu của du khách cả trong nước và quốc tế bởi sự đặc biệt của những chuyến tàu đi xuyên trong lòng phố, hàng quán mở ra đón khách rất đông đúc. Hiện tại, phố cà phê đường tàu Phùng Hưng đã bị yêu cầu ngừng đón khách vì lý do an toàn.
Nhà cửa hai bên san sát, có nhiều vị trí nhà và tàu chỉ cách nhau khoảng 1m. Sau khi hết đường trên cao ở phố Phùng Hưng, tàu sẽ đi qua Trần Phú; Điện Biên Phủ; Lê Duẩn; Nguyễn Khuyến để vào Ga Hà Nội.
Hà Nội có hai loại "tàu" để nhiều người phải nhớ, đó là tàu điện và tàu hỏa. Hiện tại hệ thống tàu điện đã bị loại bỏ.
Tại một đoạn phố Phùng Hưng, đường tàu được qui hoạch thành điểm tham quan của Hà Nội với các bức tranh tường đa dạng.
Tàu di chuyển trong nội thành tốc độ khá chậm, kéo còi nhiều gây ra độ ồn lớn, song người dân sống lâu năm ven đường tàu phải chấp nhận và rồi dần dần cũng thành quen.
Tàu đi xuyên qua khu dân cư thuộc phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng) về Ga Hà Nội.
Từ Ga Hà Nội về phía Nam, tàu đi song song với đường Lê Duẩn; Giải Phóng để đi đến các tỉnh thành phía Nam. Trong ảnh là một chuyến tàu đang di chuyển trên đoạn đường Lê Duẩn.
Các chuyến tàu hỏa di chuyển trong nội thành đã cắt qua rất nhiều đường phố, tất cả các vị trí này đều có hệ thống rào chắn, chuông báo hiệu, loa cảnh báo và người ứng trực suốt ngày đêm. Trong ảnh là điểm barie tại phố Khâm Thiên.
Một chuyến tàu từ phía Nam đi qua điểm giao với đường Trường Chinh để chuẩn bị vào Ga Hà Nội lúc 19h10.
Người dân hai bên đường đã quá quen với những chuyến tàu chạy qua trước cửa nhà, biết rõ giờ nào có tàu qua. Vì không có hàng rào an toàn, trẻ em nơi đây được quản lý chặt.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia không xuyên tâm qua Ga Hà Nội như hiện nay. Ga Hà Nội sẽ là trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.
Đoạn cà phê đường tàu cắt ngang phố Trần Phú nhiều ngày nay đã vắng khách tham quan do quy định cấm để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.
Theo Dân Trí