Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam đã được tiến hành tại Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã nhất trí về việc hợp nhất Đảng, tán thành lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Điều lệ vắn tắt… do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo.
Từ đó ngày 3-2-1930 được coi là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Các Đại hội của Đảng là sự cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Đảng và là những cột mốc đánh dấu sự phát triển của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-5-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc).
Đại hội họp trong bối cảnh cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh mặc dù bị dìm trong bể máu nhưng đã dần dần được khôi phục. Với sự tham dự của 13 đại biểu thay mặt cho gần 6 nghìn đảng viên, Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ chính trước mắt của Đảng: Một là, củng cố và phát triển Đảng; Hai là, thu phục quảng đại quần chúng; Ba là, chống chiến tranh đế quốc. Thông qua nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, các nghị quyết về công tác quần chúng...
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 người (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ban chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế cộng sản.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2-1951.
Đại hội lần thứ II của Đảng họp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chuyển sang thế phản công chiến lược, đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhận được sự giúp đỡ của các nước XHCN là Liên Xô, Trung Quốc.
Đại hội đã thông qua Chính cương; Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội đã xác định: Cách mạng Việt Nam là “Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” và “cuộc cách mạng này nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới Chủ nghĩa xã hội”.
Đại hội đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 tại Hà Nội.
Đại hội lần thứ III của Đảng họp trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đã bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Miền Nam tạm thời bị chủ nghĩa thực dân mới là đế quốc Mỹ thống trị.
Đại hội lần thứ III của Đảng đã vạch ra đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền đất nước: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Hai miền có nhiệm vụ chung, bao trùm là đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đại hội lần thứ III của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết.
Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(Còn tiếp)