Ở đây, có những bìa rừng, sau một đêm bỗng “mọc” lên một ngôi làng mới, với đa dạng ngôn ngữ vùng miền. Những con người lầm lũi, nhếch nhác muốn nương tựa vào thiên nhiên bằng sức vóc nhỏ nhoi của mình. Chính quyền thường bị động trước những tình huống như thế này. Người ta chia nhiều hình thức di cư, nhưng cơ bản có tích cực và tiêu cực. Di cư tích cực là sự chủ động đem những cư dân có kỹ thuật, phương tiện và trí tuệ để khai phá một vùng đất đã quy hoạch phát triển. Ngược lại di cư tiêu cực, như một cuộc thiên di tự do, không kế hoạch và đầy hệ lụy. Ở Tây Nguyên, những cuộc DCTD đã thực sự gây ra nhiều “cuộc chiến”: Đổ máu tranh giành đất; chặt phá rừng; những thân phận người như bên rìa cuộc sống (không hộ khẩu và các tiện nghi đảm bảo)… Tuy vậy, thật khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho những người DCTD, khi mà nhiều công ty lâm nghiệp sở hữu đất rừng mênh mông nhưng làm ăn kém hiệu quả, có nơi bỏ hoang; lâm tặc tàn phá rừng. Nhìn ở góc độ ấy, những người DCTD thật đáng thương. Đáng thương như những đứa trẻ bụng ỏng, đít beo, tóc cháy sém chỉ có ánh mắt thăm thẳm hoang dại chứa đựng cả nghìn câu hỏi. Những đứa trẻ leo cây nhanh như loài sóc rừng vì chúng đâu có trò chơi gì mỗi khi bố mẹ lên rẫy. Những đứa trẻ ăn cơm nguội với ve sầu mà ai đó nói là món ăn truyền thống.
Vậy chính quyền quê cũ và nơi người DCTD đến thì sao? Không lẽ cả một bản kéo nhau đi chẳng ai biết; đến không ai hay (Có những bản, làng có mặt tại miền đất mới còn trước cả chính quyền thành lập). Có thể DCTD là một tập quán, nhưng nếu bản nào cũng như Bản Lác (Mai Châu-Hòa Bình) hoặc nhiều làng bản khác được đầu tư hạ tầng tốt, được hướng dẫn làm du lịch ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc, chắc chắn không ai muốn ly hương. Ngay cả những khu tái định cư mà đồng bào từ chối ở cũng đáng phải bàn. Nhiều tỉnh chỉ biết xây mà chưa khảo sát kỹ tập quán, đời sống của từng dân tộc DCTD. Có nhiều khu tái định cư xây xong bị bỏ hoang vì không có đất canh tác…
Trong khi đó Chính phủ, Ủy ban Dân tộc qua nhiều cuộc họp đã chỉ rõ các hiện trạng và đưa ra các giải pháp thiết thực với việc DCTD. Không cần truy trách nhiệm đâu xa, chỉ cần về các khu tái định cư bỏ hoang để tìm chủ đầu tư tiêu tốn tiền ngân sách; hãy đến những bản làng DCTD bên cánh bìa rừng (ngày một lùi xa) trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên; hoặc lần tìm về quê cũ, hỏi chính quyền sở tại vì sao để đồng bào mình di cư... Những câu hỏi ẩn ức như thế cứ đọng lại trong đôi mắt trẻ thơ thăm thẳm và hoang dại.