Những cánh đồng không có con đường

TP - Ở ĐBSCL, nhiều cánh đồng lúa rộng mênh mông, hằng năm cho sản lượng rất lớn, nhưng đang khó đi lên sản xuất hiện đại vì không có đường nội đồng.
Cánh đồng mênh mông chỉ có bờ ruộng và mương dẫn nước.

Bờ ruộng lội bộ...

Gần 640 ha, cánh đồng như trải tận chân trời ở xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), của 203 hộ nông dân. Họ gồm Hợp tác xã Tân Phước và Tổ hợp tác số 5.

Chúng tôi đi trên con đê bao cao lớn vòng quanh cánh đồng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tân Phước - Phạm Hồng Thái giới thiệu, đê làm năm 2005, cao 4,5 m, mặt đê rộng 4 m; nhưng nay đang đắp thêm cho cao 6 m, mặt đê rộng 7 m.

Còn chân đê, thường rộng gấp đôi mặt đê. Con đê đã đứng vững trong lũ lớn năm 2011, Phó Chủ nhiệm HTX Phạm Hồng Thái khoe, nay chắc chắn còn vững hơn.

Nhưng để đi vào cánh đồng rộng mênh mông, chỉ có bờ ruộng. Xắn quần lội bộ nhiều cây số thật vất vả. Ông Thái nói: “Nông dân chúng tôi đi bộ bờ ruộng còn phải vác theo giống, phân, thuốc trừ sâu nên vất vả lắm”.

Và khi thu hoạch, năng suất lúa ở đây khá cao, theo ông Thái, cả 3 vụ bình quân mỗi héc-ta khoảng 16 tấn lúa khô, vận chuyển rất gian nan.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Đoàn Văn Thuận cho biết, xã có 1.150 ha ruộng làm được 3 vụ lúa một năm “vì có đê bao vững chắc”, nhưng toàn bộ nội đồng đều chưa có đường.

Nhiều người nói rằng: “Như thế, con đường đi lên sản xuất lớn của nông dân ở đây, đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa vẫn là bờ ruộng lội bộ như nghìn xưa?”, ông Thuận im lặng, không trả lời.

Sang xã Tân Thành B (Tân Hồng, Đồng Tháp), cánh đồng rộng hơn 300 ha của 150 hộ ở Tổ sản xuất số 4 và số 5 cũng không có đường nội đồng.

Đê bao ở xã Tân Thành B được đánh giá vững chắc nhất huyện rốn lũ Tân Hồng, vì kết hợp với quốc lộ 30 với các tuyến dân cư vượt lũ, như một vòng thành hùng vĩ bao quanh cánh đồng.

Nhưng đường nội đồng không có, lão nông Nguyễn Tấn Sinh 64 tuổi, nói “vào mùa thu hoạch, vận chuyển lúa khó khăn lắm”.

Nên khi bàn chủ trương của huyện xuống giống đồng loạt để có sản lượng lớn phục vụ kinh doanh, ông Sinh nêu thắc mắc ngay: “Vận chuyển như thế nào?”.

Ông Sinh nhắc lại vụ lúa hè thu mới rồi, thu hoạch có máy gặt đập liên hợp nhưng vận chuyển lúa từ ruộng vào, chính quyền đã phải đứng ra huy động toàn dân mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Vì vận chuyển lượng lúa rất lớn, phải nhờ xe kéo, trong lúc xe ít nên có người thu hoạch xong phải bỏ lúa giữa ruộng mấy ngày mới chuyển về được. “Lúa bị thất thoát rất nhiều”, ông Sinh nói.

Chiếc xe vận chuyển

Ông Huỳnh Kim Hải làm 2 ha lúa ở xã Tân Thành B kể: “Không có đường nội đồng, muốn chở lúa về nơi bán hay về nhà, phải thuê xe kéo lúa đi ngang qua đất của người khác. Hồi đầu, nhiều hộ không cho kéo lúa qua đất của họ vì vết bánh xe phá nát mặt ruộng, phải tốn công san phẳng mới gieo sạ được. Họ đã vác dao cản đầu xe. Chính quyền phải can thiệp, dần dần mới ổn, nhưng cũng khổ lắm”.

Trước đây, một năm chỉ làm một vụ, bà con nông dân dùng máy cày kéo rơ moóc để kéo lúa. Khi chuyển sang làm hai vụ, phải đào đường mương dẫn nước từ trạm bơm đến ruộng, rộng 4 - 6m.

Ông Hải nhớ lại “máy cày kéo rơ moóc chở lúa khi qua đường dẫn nước đã xảy ra nhiều tai nạn chết người, do máy cày bị lật. Để kéo lúa qua đường nước an toàn, bà con nông dân sáng chế ra “xe cải tiến” có bánh lớn, đường kính đến 1,4m và rộng 0,35m, đi trên đất lầy rất tốt, vượt qua mọi địa hình”.

Tuy nhiên, nhược điểm lại ở cái bánh lớn, vết bánh sâu và rộng phá nát mặt ruộng, sinh ra nhiều mâu thuẫn trong nông dân. Hai năm nay, bà con nông dân chế tác ra xe chở lúa từ máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc.

Một trong những người đầu tiên chế tác là ông Đặng Hoàng Dũng ở ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng (Châu Thành, An Giang).

Xe chở lúa bánh xích, chế tác từ máy gặt đập liên hợp Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Kim.

Ông Dũng kể, máy gặt đập liên hợp Trung Quốc dở ở hệ thống gặt đập, hay hư và năng suất thấp, nhưng có điểm mạnh là chạy bằng xích rất êm trên ruộng lún mà không sợ lầy.

Chiếc máy được tháo bỏ hết hệ thống gặt đập, chỉ giữ lại máy, hộp số, bánh xích, sau đó hàn lại chiếc thùng phía sau và trước để chở lúa.

“Trông nhỏ gọn nhưng mỗi chuyến chở cả trăm bao lúa, hơn hẳn xe cải tiến bánh lớn trước đây”, - ông Dũng nói - “hai năm qua, mỗi năm tôi chế tác cả trăm chiếc loại xe này”.

Xe chở lúa loại mới đi lại khá êm, không phá nát mặt ruộng nữa, tuy nhiên, lại không qua được các đường mương dẫn nước, muốn qua phải bắc cầu. Những con đường nội đồng vẫn còn là nỗi khao khát của nông dân.

Từng có đường

Nhưng những cánh đồng giữa vùng lũ Đồng Tháp Mười, thuở trước từng có đường nội đồng. Các lão nông ở huyện Tân Hồng kể, vào những năm 1958 - 1960, khu dinh điền (nay là huyện Tân Hồng) được thành lập khi di dân từ hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vào lập nghiệp.

Để người dân vào vùng đất mới có thể làm ăn sinh sống, chính quyền thời đó cấp cho mỗi hộ 2 ha, gọi là ruộng lô, dài 1.000m và rộng 20m. Ngay khi cấp, đồng ruộng đã được qui hoạch có các con đường nội đồng.

Các con đường nội đồng tồn tại cho đến năm 1990, khi huyện Tân Hồng bắt đầu chuyển từ làm lúa một vụ sang hai vụ, các thửa ruộng được đắp bờ chung quanh để giữ nước, nhiều đoạn đường nội đồng bị cày lên làm lúa.

Đến khi đăng ký làm sổ đỏ, đường nội đồng thành đất canh tác của từng hộ riêng lẻ, những con đường nội đồng chính thức biến mất.

Nay bà con nông dân mơ ước có đường nội đồng như hồi nào, để giảm bớt sự khó nhọc của nghề nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, giảm được chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.

Chỉ riêng việc đi thăm đồng, ông Huỳnh Kim Hải nói, nếu có đường nội đồng, có thể chạy xe máy mà không phải đi bộ nhiều cây số, vừa đỡ vất vả vừa thăm ruộng được thường xuyên hơn, phản ứng với thiên tai dịch hại nhanh hơn, năng suất lúa chắc chắn sẽ tăng.

Làm đường nội đồng có lẽ cũng là một sự đầu tư thiết thực, hiệu quả cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiến trình đi lên sản xuất lớn, hiện đại hóa.

Ông Hải nói “trước mắt, chỉ cần làm đường đất, rồi tương lai sẽ dần dần cứng hóa, được thế nông dân phấn khởi lắm”.

Trang trại cũng không có đường

Ở tỉnh Cà Mau đã có một số trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại nhưng đều chưa có đường đi vào.

Cty CP thương mại và sản xuất Viễn Phú (Cty Viễn Phú) xây dựng trang trại hữu cơ tại xã Khánh An (U Minh). Sau 3 năm, Cty Viễn Phú cải tạo đất, san lấp mặt bằng, sản xuất thử nghiệm 230 ha sản xuất gạo hữu cơ (Organic).

Ông Trần Thanh Liêm, GĐ điều hành Cty Viễn Phú nói: “Hiện nay, con đường từ xã Khánh An đến trang trại đang xây dựng, nên đi lại còn rất gian nan”.

Trên cánh đồng sản xuất lúa gạo hữu cơ của Cty Viễn Phú được chia thành từng khoảnh rộng 5 ha, với suất đầu tư 7.000 USD/ha. Những năm tháng mở đất, khai hoang vùng đất U Minh hạ không sao nói hết khó khăn. Trung bình, mỗi tháng Cty Viễn Phú phải chi 4-5 triệu đồng thuê phương tiện đường thủy để chở người
vào làm.

Hiện nay, Cty Viễn Phú đã xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở cán bộ, nhà máy chế biến gạo hữu cơ…Ông Liêm nói: “Không thể hình dung được cảnh khó khăn vận chuyển máy tách màu nguyên khối, nặng nhiều tấn, trong khi đường bộ chưa có, đi đường sông rạch tự nhiên phải thuê xe cẩu để nâng, dùng 2 xà lan để kè. Rất lo, lỡ ra lật xà lan, chìm xuống sông thì tổn thất rất lớn. Chúng tôi thức suốt mấy đêm ngày mới đưa được máy tách màu vào vị trí an toàn!”

Ông Võ Minh Khải, TGĐ Cty Viễn Phú, nói: “Chúng tôi được chấp thuận mở rộng diện tích sản xuất, liên doanh, liên kết với bà con nông dân để sản xuất 10.000-20.000 ha. Cty Viễn Phú hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm gạo hữu cơ. Đường vận chuyển đang là bài toán khó tìm lời giải hiệu quả kinh tế”.

Theo Báo giấy