Những cán bộ Đoàn 'ôm việc' ở Sinh Tồn

TP - Thấy có đoàn khách của T.Ư Đoàn ra thăm đảo trong Hành trình tuổi trẻ Vì biển đảo quê hương, anh Mai Thành Tiến, Bí thư Đoàn trên đảo Sinh Tồn cười hiền giới thiệu: “Trên đảo chỉ có 1 đoàn viên đích thực thôi. Chúng tôi vừa làm cán bộ, lại vừa là đoàn viên, cũng vừa làm thêm nhiều nhiệm vụ nữa”.
Anh Tiến (trái) và anh Hoa (phải) nhận quà từ đoàn hành trinh Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013

Cán bộ Đoàn “ôm việc”

Với nước da đen sạm, anh Tiến (SN 1984) trông già hơn so với độ tuổi của mình. Đưa phóng viên đi thăm các gia đình trên đảo, anh Tiến bảo, hoạt động Đoàn trên đảo cũng giống như ở đất liền, chỉ khác biệt duy nhất về … số lượng đoàn viên.

Đếm vài nóc nhà trên đảo, anh Tiến bảo chỉ duy nhất một đoàn viên “thực thụ” sinh năm 1983. “Mình cũng là một đoàn viên, đồng chí phó chủ tịch xã cũng là một đoàn viên. Thế là có thêm hai đoàn viên nữa”, anh Tiến cười.

Theo anh Tiến, ở trên đảo, cũng không có phân công nhiệm vụ cụ thể về Đoàn, Hội, Đội. “Ở đây, mỗi lần tổ chức văn hóa, văn nghệ, vui chơi là các đoàn viên, thanh niên trong quân đội, trẻ em và gia đình trên đảo cũng tham gia cùng cho rôm rả”.

Theo anh Tiến, đặc biệt mỗi khi có các đoàn khách đến thăm, cả đảo vui như hội, và chỉ lúc đó, đoàn viên, thanh niên trên đảo mới bận rộn.

Một buổi liên hoan văn nghệ trên đảo Sinh Tồn với đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013. Ảnh: Trường Phong

Thực ra, công tác Đoàn chỉ là một trong rất nhiều việc anh Mai Thành Tiến phụ trách. Chia sẻ với phóng viên, anh Tiến cười “Mình còn là Phó Chủ tịch hội đồng, Tiểu đội trưởng dân quân, kiêm luôn nhiệm vụ tài chính kế toán của xã đồng thời làm giáo viên cho các cháu”.

Ôm đồm nhiều việc, nhưng anh Tiến bảo, thực ra, do dân trên đảo không nhiều, nên lượng công việc hành chính ít. “Thường những việc hành chính mình để buổi tối làm, còn ban ngày dành thời gian dạy học cho các cháu”, anh Tiến nói.

Lúc chúng tôi đến thăm đảo (tháng 5/2013), anh Tiến đảm nhiệm vai trò giáo viên cho 1 cháu bé lớp 2. “Cũng dạy học cả tuần từ thứ 2 đến thứ 6 như ở trong đất liền”, anh Tiến kể. Ngoài anh Tiến, Phó chủ tịch xã Sinh Tồn Kim Thanh Hoa (SN 1985) cũng là một … đoàn viên, bên cạnh chức danh đi kèm là giáo viên, dân quân trên đảo. “Hầu hết cán bộ trên đảo đều kiêm nhiệm chức năng làm giáo viên”, anh Tiến nói.

Anh Tiến vốn là một bộ đội xuất ngũ, là đội trưởng đội thanh niên tình nguyện của tỉnh Khánh Hòa. Anh Hoa cũng có “thâm niên” hoạt động trong phong trào tình nguyện ở đất liền nên chỉ cần học thêm nghiệp vụ sư phạm, tập huấn vài lần là có thể dạy học cho các cháu.

Anh Hoa kể, trong các buổi hoạt động Đoàn, Đội trên đảo, cùng với các tiết mục văn nghệ, cũng thường tổ chức cho các cháu chơi trò chơi. “Chúng mình đều xuất phát là cán bộ Đoàn, hoạt động trong phong trào tình nguyện trong đất liền, nên trò chơi cũng biết nhiều và các cháu rất thích”, anh Hoa chia sẻ.

Hạnh phúc về từ đảo

Chia sẻ về quyết định ra công tác tại đảo, anh Tiến bảo, đó cũng là cái duyên. Khoảng năm 2008, anh Mai Thành Tiến lúc đó đang là đội trưởng đội thanh niên tình nguyện Khánh Hòa, được phân công lên công tác ở huyện Khánh Sơn. Có đợt, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa tuyển người ra công tác tại quần đảo Trường Sa, anh liền xung phong đi với mong muốn cống hiến sức trẻ cho biển, đảo quê hương.

Lúc đi, anh Tiến chỉ mới quen bạn gái được một thời gian nên nhiều khi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu da diết. “Đến năm 2010, tranh thủ đợt nghỉ phép mình về làm đám cưới luôn”, anh Tiến kể.

Anh bảo, đi mãi rồi cũng quen, nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, vợ con dần nguôi ngoai. Không gặp duyên như anh Tiến, anh Kim Thanh Hoa gặp nhiều trắc trở đường tình duyên. Thoáng đôi mắt buồn, anh bảo, từ ngày ra đảo, cũng có liên lạc với một số bạn gái thân quen trong đất liền, nhưng do xa cách về mặt địa lý mà không giữ được mối quan hệ.

“Thực sự là cũng có quen biết, có tình cảm dành cho nhau, nhưng xa xôi quá, ai người ta đợi được đến lúc mình về…”, anh Hoa nói.

Gần một năm trôi qua, tháng 4/2014, tình cờ gọi điện hỏi thăm sức khỏe, anh Hoa bất ngờ khoe mới lập gia đình cuối năm 2013 và hiện nay vợ đang có bầu 2 tháng. “Khoảng mấy tháng sau đợt Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ra thăm là mình chuyển về đất liền. Bây giờ mình làm cán bộ Tư pháp ở xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh)”, anh nói.

Anh chia sẻ, cũng vì những năm tháng cống hiến ở Trường Sa mà bây giờ về đất liền, anh em, bạn bè đều trân trọng, quý mến. “Mình coi đảo như là quê hương thứ 2. Lâu lâu vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình anh em trên đảo thế nào”, anh Hoa nói.

Anh Mai Thành Tiến cũng về đất liền cùng đợt với anh Hoa, hiện đang làm kế toán ở xã Diên Hòa (Diên Khánh, Khánh Hòa). “Nhìn chung cuộc sống bây giờ ổn định rồi. Nếu có điều kiện, mình nhất định sẽ quay lại thăm các anh em ở trên đảo”, anh Tiến nói qua điện thoại.