Chiếm dụng tràn lan
Trả lời chất vấn của một số thành viên Ban VHXH (HĐND thành phố), UBND thành phố cho biết, đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao dành cho trẻ em hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi vườn hoa, nơi vui chơi đang bị quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng sai mục đích. Điển hình như tại các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân, Nghĩa Tân, Đội Cấn. “Công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến không gian dành cho trẻ em bị lấn chiếm, thu hẹp, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, kinh doanh hàng quán”, UBND thành phố thừa nhận. Hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn. Tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư phớt lờ trách nhiệm đầu tư các khu vui chơi công cộng.
“Nhiều dự án, khu đô thị chậm triển khai, nhưng thành phố lại thiếu đất làm sân chơi dành cho các cháu, trong khi đó, nhiều điểm bị chiếm dụng để bán bia, giữ xe. Trách nhiệm của thành phố trong vấn đề này ra sao?”.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam
Đại biểu Phạm Xuân Tài (Thường Tín) đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ thực trạng thiếu sân chơi cho người dân so với nhu cầu và các quy chuẩn hiện nay. Sau 7 năm thực hiện quy hoạch sân chơi, vườn hoa công cộng được triển khai như thế nào? Liệu mục tiêu tới cuối năm 2015, Hà Nội có 45% khu đô thị mới, trung tâm quận huyện có sân chơi, vườn hoa dành cho trẻ em có thành hiện thực? Một số đại biểu cho rằng đất làm sân chơi kêu thiếu nhưng nhiều diện tích đất công đang bị lấn chiếm, cho thuê trái phép để trục lợi.
“Nhiều dự án, khu đô thị chậm triển khai, nhưng thành phố lại thiếu đất làm sân chơi dành cho các cháu, trong khi đó, nhiều điểm bị chiếm dụng để bán bia, giữ xe. Trách nhiệm của thành phố trong vấn đề này ra sao?”, ĐB Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi.
Xử lý nghiêm vi phạm
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội thừa nhận việc tổ chức khai thác các thiết chế văn hóa tại cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu sáng tạo đã không hấp dẫn được người dân. Hầu hết các thiết chế VHTT&DL đã được xây dựng từ nhiều năm trước quy mô nhỏ, không được duy tu bảo dưỡng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở QHKT khẳng định những kiến nghị của cử tri, của đại biểu về tình trạng thiếu nơi vui chơi cho trẻ em cần được các ngành giải quyết. Về quy hoạch, sau khi di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, phải ưu tiên sử dụng quỹ đất này phục vụ các mục đích công cộng, làm sân chơi cho trẻ em.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng, để khắc phục thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em đối với khu vực nội đô, khó nhất là không có quỹ đất. Việc di dời cơ quan, cơ sở gây ô nhiễm theo kế hoạch thực hiện chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Thành phố giao UBND các quận kiểm tra, rà soát các sân chơi bị chiếm dụng để có biện pháp giải tỏa, thu hồi đồng thời với việc bổ sung trang thiết bị dành cho các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư, khu tập thể. Sở KH&ĐT chủ trì nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đối với các dự án sân chơi, vườn hoa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Vụ cho thuê nhà tại 4F Trung Yên (Hà Nội): Không thu hồi được phải chuyển cơ quan điều tra
Trao đổi về vụ việc gần 600 m2 tầng 2 tòa nhà 4F Trung Yên (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị chiếm dụng (Tiền Phong đã nêu) ông Lưu Quang Hợi, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, để thu hồi lại tài sản này, cần phải có chủ trương của UBND TP. TP cần báo cáo thường vụ thành ủy hướng giải quyết. “Nếu chây ì, không thu hồi được thì buộc phải chuyển qua cơ quan điều tra; Cần phải làm rõ nguồn tiền cho thuê này như thế nào”, ông Hợi nói.
Trả lời ĐB tại phiên chất vấn ngày 7/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND TP đang tập trung chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty QL&PT nhà Hà Nội.
Thành Nam