“Nhớ nó lắm rồi”
Rời nhà Dìu, chúng tôi chạy xe vào bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nơi có hơn 60 nóc nhà mái đỏ nằm lọt thỏm dưới thung lũng rừng xanh, bao quanh là dốc đá dựng ngược. Vừa đến bản, âm thanh ti vi, loa thùng hòa lẫn cùng giọng hát cất lên văng vẳng như thức tỉnh cả vùng Đỉnh Sơn.
Trong không khí rộn ràng đó thấp thoáng ánh mắt của những phụ nữ tôi gặp ở bản lại như đang mỏi mòn, mong ngóng. Hỏi một cụ già ở bản, người này bảo, nơi đây nhiều đàn ông như con “ma rượu”, say khướt suốt ngày. Chưa dứt lời, cụ bà chỉ tay về phía nhà Mong Thị Loan (tên nhân vật được thay đổi) rồi nói: “Nó khổ lắm, làm vợ thứ 2 lại gặp phải thằng chồng nghiện rượu. Nó đi bán con về nhưng tiền không đủ trả nợ cho những cuộc nhậu của chồng ở thị trấn”.
Vào nhà Loan, nhưng cô và chồng vắng nhà, chỉ có hai đứa con nhỏ ngồi núp bên cánh cửa sổ nhìn ra. Đứa con gái đầu của Loan nhanh nhảu chạy ra bảo mẹ và cha vừa lên rẫy hái rau, đến chiều tối mới về. Theo lời kể của ông Cụt Văn Thuận, công an viên bản Đỉnh Sơn 2, Loan là vợ thứ hai của anh N., vì khó khăn, năm 2017 Loan vượt biên sang Trung Quốc bán đứa con trai thứ 3. Thế nhưng, trong thời gian mang thai trong bụng đi bán, chồng Loan ở nhà suốt ngày rượu chè.
Sau những cuộc nhậu cùng đám bạn ở thị trấn Mường Xén, chồng Loan đều ký nợ chờ vợ về trả. Hai tháng ròng rã xa nhà, tưởng chừng về có được số tiền ít ỏi để trang trải cuộc sống, sửa lại mái nhà, nhưng không, khi trở về món nợ lên đến hàng chục triệu.
“Bản này nhiều người bán con về cũng không đủ trả nợ, nghèo vẫn hoàn nghèo. Đa phần khi đi thì chồng ở nhà ăn tiêu, nhậu nhẹt nên khi vợ bán con về cục nợ to dần lên. Hiện tại ở bản, một số gia đình đã đi vào Nam làm ăn”, công an viên bản Đỉnh Sơn 2 chia sẻ.
Sát ngay nhà Loan, trường hợp của Lữ Thị Giang (tên nhân vật được thay đổi) có vẻ khấm khá hơn chút khi sửa được nhà, sắm được xe, trả được nợ sau chuyến vượt biên bán con trở về vào năm 2018. Gặp Giang, người phụ nữ tuổi 30 với gương mặt khả ái, nhưng bên trong ánh mắt Giang ẩn chất nỗi buồn sâu thẳm. Cô kể rằng, khi bán đứa con gái thứ 3 trở về được 80 triệu, số tiền này cô và chồng bàn kế hoạch trả nợ, sửa lại mái ngói, mua xe. Với vợ chồng Giang, trong mơ cũng không nghĩ có ngày mình được cầm số tiền lớn như vậy.
Thế nhưng, giấc mơ, niềm vui đó tan biến trong chốc lát khi vài ngày sau, số tiền bán con hết sạch, hai vợ chồng lại tiếp tục mò mẫm lên rừng làm rẫy. “Nghèo nên mới bán con chứ đâu có muốn. Tiền giờ tiêu hết rồi, phải lên rừng làm rẫy thôi. Giờ nhớ lắm, thương lắm nhưng không biết nó thế nào. Ở đó nó có được sống tốt không. Tết rồi không biết nó có được mua đồ mới không nữa”, nói đến đây đôi mắt Giang đỏ hoe, bàn tay chai sạn đan xiết vào nhau như để kìm nén nỗi buồn giấu kín bấy nay.
Chuyến vượt biên định mệnh
Nhiều người mẹ ở Hữu Kiệm vẫn tìm được con đường trở về sau chuyến vượt biên, nhưng một người ở bản Hữu Tiến, xã Chiêu Lưu đã phải bỏ mạng nơi xứ người trên chuyến xe định mệnh. Vụ tai nạn trên xảy ra tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 20/9/2018. Thời điểm đó, trên xe chở bốn thai phụ ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An và một người dắt mối trong đường dây đưa người vượt biên đi bán bào thai. Trong đó, nạn nhân Moong Thị Lâm (trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu) tử vong tại chỗ. Về Hữu Tiến sau hơn 1 năm tai nạn xảy ra, ở bản có vẻ bình yên hơn trước, nhưng nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến câu chuyện của mẹ con chị Lâm.
Ngồi bế đứa cháu 3 tuổi, ông Lương Văn Bảo (69 tuổi, bố chồng chị Lâm) cho hay, đáng nhẽ việc trông con là của mẹ chúng, nhưng từ khi con dâu mất, ông thường xuyên phải qua nhà để chăm sóc các cháu khi bố của 5 đứa trẻ phải lên rừng kiếm cái ăn. Vì nghèo khó, con dâu ông Bảo nghe theo lời dụ dỗ đi bán cái thai trong bụng. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, chuyến đi bất thành khiến gia đình rơi vào cảnh bi đát khi người mẹ mất đi để lại 5 đứa con thơ nheo nhóc.
Ông Bảo kể lại, vào một ngày giữa tháng 6/2018, khi đó chị Lâm đang mang thai tháng thứ 7 thì đột nhiên “mất tích”. Hỏi người ở bản không ai biết, người chồng của chị cũng chẳng hay vợ đi đâu. Chỉ đến đầu tháng 10/2018 gia đình ông như chết lặng khi nhận được tin con dâu tử vong do tai nạn giao thông bên Trung Quốc. “Họ nói con dâu chết ở Trung Quốc khi đó mới biết nó đi bán thai. Dân ở bản trước đó cũng nói cái Lâm đi bán con ở nơi rất xa, khi nào đẻ xong mới về. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, đến giờ vẫn hỏi bao giờ mẹ về”, ông Bảo buồn rầu.
Ông Lê Thanh Bình, Trưởng công an xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn trong thời gian qua thường xuyên tổ chức tuyên truyền ở các bản làng về vấn nạn buôn bán bào thai. Qua thống kê năm gần đây không phát hiện trường hợp nào, duy chỉ có chị Moong Thị Lâm (trú tại bản Lưu Tiến) bị tai nạn trên đường đi bán bào thai.
Theo ông Bình, thời điểm đi trên chiếc xe gặp nạn có 5 người, tại Chiêu Lưu có hai người. Trong đó một nạn nhân tử vong mang thai tháng thứ 7. “Gia đình nói chị Lâm đi làm ăn kiếm tiền, không phải đi bán con. Tuy nhiên phía lực lượng chức năng xác định chiếc xe chở 5 người bị tai nạn trên đường đi bán con sang Trung Quốc”, ông Bình cho hay. (Còn nữa)
Ngoảnh nhìn đứa cháu đang nhặt rau chuẩn bị bữa cơm tối, người đàn ông thở dài: “Giá như con dâu không đi bán cháu thì nay không khổ như này. Lâm đi có ai biết đâu, biết thì đã ngăn cản rồi”. Trong ánh mắt ông nội của 5 đứa cháu có chút ấm ức, trách cứ, nhưng chỉ có thể để ở trong lòng vì mẹ chúng không bao giờ trở về nữa.