Nhọc nhằn phu bốc vác vùng biên

TP - Từ khoảng trung tuần tháng 10, cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ - Gia Lai) trở nên nhộn nhịp với cả trăm chiếc xe tải chở sắn, điều, đậu tương từ Campuchia sang bán lại cho thương lái người Việt. Do nhu cầu vận chuyển các mặt hàng rất lớn nên những lao động phổ thông từ khắp nơi đổ về đây làm phu bốc vác.

> Sát Tết, quay quắt đợi việc
> 'Thân cò' mưu sinh trong giá rét

Những chuyến hàng lúc 0h

0:15 phút, một chiếc xe tải chầm chậm từ phía trạm kiểm tra Hải quan tiến tới, một nhóm phu khuân vác người Quảng Bình đang ngồi ngáp vì buồn ngủ tại một ngôi nhà ngay ven đường đứng phắt dậy, sau khi thương lượng giá cả, một người đàn ông trạc 40 tuổi hô to: “Nhanh lên, cố gắng “ăn hết con” (bốc hết xe chở sắn - PV) này rồi nghỉ”.

Nhanh như cắt cả nhóm người áp sát chiếc xe chở đầy sắn khô vừa từ Campuchia sang, đang đấu đít với một xe không của tiểu thương Việt Nam. Cả nhóm phu người bám thùng, người trèo lên bánh, nhanh chóng nhảy lên thùng xe.

Như đã thầm phân chia công việc trước, chẳng ai nói gì, người cào, người cất, người vác từng bao sắn từ xe này sang xe kia. Trong đêm lạnh, mà ai nấy mồ hôi nhễ nhại nhỏ xuống quyện với bụi tạo thành một lớp mặt nạ bụi quanh cả mặt.

Vừa vác xong một bao sắn anh Quang (Bố Trạch - Quảng Bình) hổn hển nói: “Hôm nay tụi tui mới “ăn” được hai con nên cố gắng “ăn” con này nữa rồi nghỉ chứ không thì đói”.

Khoảng 30 phút sau, xe sắn đã được bốc xong, người đàn ông lúc đầu nhận tiền từ chủ hàng và không quên dặn “mai có hàng thì nhớ kêu tụi em nhé”.

Bán sức khỏe, mua bệnh tật

Thời điểm hàng đổ về nhiều nhất khoảng từ 9 giờ sáng tới 15 giờ chiều, đỉnh điểm có khoảng 200 chiếc xe tải chen chúc trên bãi đất đỏ gần chợ cửa khẩu. Mỗi tấn sắn, đậu tương, điều… sau khi bốc xong được trả công 40 ngàn đồng, một ngày một nhóm phu bốc vác bốc được khoảng 2 - 4 xe bình quân 50 - 100 tấn sắn, nếu làm cật lực mỗi người trong nhóm cũng được từ 300 - 400 ngàn đồng.

Nhưng số tiền đó họ phải chia cho các cò “dắt mối” mỗi xe 100 ngàn. Một phu bốc vác tên Sơn (Phú Thọ) cho biết: “Nếu có cò dắt mối thì mỗi ngày chúng tôi “ăn” được 3-4 con, còn không thì chỉ được 1-2 con trừ chi phí ăn ở coi như đói”.

Những đồng tiền công mỗi người nhận được có đủ bù lại sức lực họ đã bỏ ra? Trung bình mỗi bao sắn phu khuân vác nặng khoảng 80kg. Nhưng tuyệt nhiên không ai than mệt, kêu nặng, họ chỉ cùng hô những tiếng “dô ta nào”.

Anh Nguyễn Minh Châu (45 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết: “Vác sắn còn đỡ, chứ vác đậu tương cả hơn một tạ như vác ngọn núi trên vai vậy”.

Việc phải vác những bao sắn, đậu tương, điều nặng trên vai, hít không ít bụi bẩn trong thời gian dài nên những người phu bốc vác ở đây thường xuyên bị cơn đau lưng, đau khớp… thêm vào đó là bệnh ho, phổi hằng ngày đeo đuổi trong từng hơi thở.

Anh Nguyễn Thế Sơn (27 tuổi, Thanh Hóa) là người duy nhất mang cả vợ, mẹ và đứa con 17 tháng tuổi cùng sống tại khu cửa này.

Hằng ngày anh cùng nhóm của mình đi bốc vác, mẹ anh cầm chiếc bao tải đi khắp bãi nhặt những lát sắn rơi rụng xuống, vợ anh thì ở lán lo cơm nước và chăm sóc cho đứa con nhỏ.

Anh chia sẻ: “Ở ngoài quê không có đất trồng lúa, việc làm cũng không có, nên mình phải bồng bế cả gia đình vào đây kiếm sống, biết là vất vả cực nhọc nhưng chỉ mong kiếm được ít đồng để về quê làm ăn”.

Theo Báo giấy