Rời phố về núi
Năm ngoái, tôi có dịp gặp họa sĩ Văn Thao tại trang trại của diễn viên Giang “còi” tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Cuộc gặp giữa hai người đều rời phố về núi, về quê này sau đó tôi đã kể trong bài viết “Giang còi rời phố về quê…” trên Tiền Phong Chủ Nhật. Tại cuộc gặp hôm đó, vợ chồng họa sĩ Văn Thao mời chúng tôi dịp nào đó lên chơi nhà ông.
Theo hẹn, chúng tôi rủ nhau lên thăm họa sĩ Văn Thao. Từ Hà Nội lên nhà ông không xa, chừng tám mươi cây số. Hôm đó, khi chúng tôi có mặt tại chỗ hẹn đã thấy họa sĩ Văn Thao ngồi trên chiếc xe máy ba bánh đỗ bên lề đường để dẫn về nhà. Từ lần gặp trước, khi biết ông về đây sống, chúng tôi đã thầm nghĩ không biết với đôi chân không còn lành lặn do bị tai nạn từ thời trẻ, liệu họa sĩ Văn Thao có gặp khó khăn gì không? Nay thấy ông ngồi trên xe máy ba bánh lượn ngon lành trên con đường ven sườn đồi để dẫn đường về nhà, chúng tôi thấy yên tâm. “Chân yếu, đi xe hai bánh khó chống được chân nên tôi phải dùng xe ba bánh này để về đây đi cho tiện”- họa sĩ Văn Thao nói với chúng tôi sau khi đã về nhà.
Mặc dù dịp này đã cuối tiết xuân, nhưng trên quãng đường vào nhà họa sĩ Văn Thao vẫn thấy cây mọc xanh mởn, điểm đây đó là một số sắc hoa trông thật thích mắt. Nhà họa sĩ cách đường quốc lộ không xa, nhưng vào đến đây thấy không gian tĩnh lặng, thoãng đãng hẳn. Phía trước nhà là cái ao rộng mà cứ ngỡ như một dòng sông, bên bờ được chủ nhân làm một mái lều để ngồi hóng gió, thư giãn. Không gian rộng rãi của gia trang khiến tôi nhớ lại cuộc gặp năm ngoái, khi cùng mọi người thăm trang trại rộng cỡ 1 hec-ta của diễn viên Giang “còi”, tôi có hỏi vợ họa sĩ Văn Thao: “Nhà ta rộng hay nhỏ hơn nơi đây?”, thì được trả lời “rộng khoảng gấp bốn”. Rồi bà kể, năm 2004, được người quen đã giới thiệu, họa sĩ Văn Thao đã lên xem mảnh đất này thấy phía trước là ao, phía sau là đồi núi nên rất thích. Khi tiếp xúc với chủ nhân, ông khen mảnh đất hết lời và đồng ý mua. “Thông thường khi mua, dù ưng ý cỡ mấy người ta thường chê một chút cho dễ mua hoặc dễ mặc cả, nhưng đằng này nhà tôi lại khen rất thật lòng. Chẳng ngờ người dân tộc lại thích nói thật, nên đồng ý bán với giá hợp lý. Nhưng lúc ấy gia đình tôi vẫn không đủ tiền, may được họ cho nợ, khi nào có thì trả nốt” - vợ họa sĩ Văn Thao cho biết.
Tại khu đất, vợ chồng họa sĩ Văn Thao dựng ngôi nhà sàn rộng hơn 100 mét vuông, trụ nhà xây bằng gạch, để mộc không trát. Đồ đạc trong nhà bài trí gọn ghẽ, tạo không gian vừa ấm cúng, vừa thoáng đãng. Bàn thờ nhạc sĩ Văn Cao được đặt ở vị trí trang trọng. Gần đó là một số bức ảnh và tranh về người nhạc sĩ tài hoa quá cố. “Đang sống ở phố thị đông đúc, nên khi về đây khiến tôi thư thái hơn để hoàn thành nốt cuốn hồi ức “Văn Cao-Đời và nghiệp”- họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể, do là con đầu của nhạc sĩ, từ nhỏ Văn Thao đã được cha đưa đi khắp nơi nên có dịp chứng kiến những vui buồn trong cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao. Sau này, khi đã dừng sáng tác, có ý kiến khuyên nhạc sĩ Văn Cao viết hồi ký nhưng ông không làm.
Có lần, nhạc sĩ đã nói với Văn Thao: “Tất cả cuộc đời cha nằm ở tác phẩm rồi”. Lúc đó, Văn Thao đã nghĩ, nếu vậy thì sau này mình sẽ làm công việc đó thay cha. Vì thế, từ vài chục năm trước, Văn Thao đã có ý thức thu thập nhưng tư liệu của nhạc sĩ Văn Cao. Đến khi viết “Văn Cao-Đời và nghiệp”, Văn Thao coi đó là một “hồi ức” vì cuốn sách được viết về cha qua lăng kính của người con. “Khi cuốn sách hoàn thành, tôi coi là một công việc lớn trong đời”- họa sĩ Văn Thao bày tỏ.
Trò chuyện với họa sĩ Văn Thao, tôi nhớ vào năm 2017, một vụ hỏa hoạn xảy ra khiến căn nhà nhỏ tại số nhà 102 phố Lê Duẩn của gia đình ông bị cháy rụi. Đề cập chuyện này, họa sĩ Văn Thao cho biết, may mà do chuyển về nơi này ở từ lâu nên những vật dụng giá trị của gia đình ông cũng được đưa về đây. Đặc biệt, những kỷ vật, di cảo, tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao do Văn Thao lưu giữ đã được chuyển một phần về đây và cất ở những nơi khác nữa nên giữ được nguyên vẹn.
Bức tranh và những lời ca
Tại nhà họa sĩ Văn Thao hôm đó, tôi chú ý đến bức tranh vẽ chân dung họa sĩ Văn Cao được đặt ở vị trí dễ quan sát. Bức tranh vẽ đã lâu, trên đó có một bài thơ khiến tôi phải rất chăm chú mới đọc rõ hết nội dung. Họa sĩ Văn Thao cho biết, đó là bức chân dung về cha mà ông rất thích, do họa sĩ Thọ Vân vẽ năm nhạc sĩ Văn Cao hơn sáu mươi tuổi. Thọ Vân là một họa sĩ nổi tiếng của Hải Phòng, bạn nhạc sĩ Văn Cao. Sau khi vẽ xong bức tranh, họa sĩ Thọ Vân đã đưa cho ông Doãn Tòng, một người bạn khác và dặn: “Khi tôi mất, hãy tặng bức tranh này cho Văn Cao”.
Doãn Tòng là một người bạn từ thời trẻ của nhạc sĩ Văn Cao, sống ở Hải Phòng. Trước Cách mạng Tháng Tám, khi nhạc sĩ Văn Cao hoạt động Việt Minh, trong những lần ông về Hải Phòng làm nhiệm vụ vẫn thường đến nhà Doãn Tòng. Sau khi họa sĩ Thọ Vân mất, năm 1992 Doãn Tòng đã mang bức tranh tới cho Văn Cao đúng năm nhạc sĩ 70 tuổi ta. Trong bức tranh, Doãn Tòng viết thêm bài thơ “Chèo thuyền Trương Chi” để tặng nhạc sĩ Văn Cao:
“Suốt đời chèo con thuyền
Trương Chi
Tìm Mỵ Nương trên lầu cao
huyền thoại
Gõ ván thuyền
Tay chèo
Miệng ca
Trên đò còn riêng ta
Anh chèo
Chèo mãi
Bao giờ mái chèo để lại
Trên dòng âm thanh
mênh mông
Anh vào huyền thoại”
Bài thơ viết thật xúc động về nhạc sĩ Văn Cao. Đọc xong bài thơ, tôi bất giác nhìn ra khoảnh ao lớn trước nhà mà cảm tưởng nó như một dòng sông. Rồi bỗng thấy cảnh tượng này thật hợp với lời ca trong bài hát Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao: “… Đò trăng cắm giữa sông vắng/Gió đưa câu ca về đâu?/Nhìn xuống đáy nước sông sâu/Thuyền anh đã chìm đâu!…”.
Mà cảnh tượng này không chỉ hợp với bài hát Trương Chi. Mờ phía xa ngôi nhà này là dãy núi có mây phủ bao quanh. Đâu đó nghe tiếng suối chảy róc rách phía sau nhà họa sĩ Văn Thao. Lại thấy phảng phất lời bài hát Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao: “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi/Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời/Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan/Quê hương dần xa lập núi ngàn/Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền/Ai hát trên bờ Đào Nguyên”. Hoặc những câu hát của nhạc sĩ trong bài Suối mơ: “Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối/Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát/Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”…
Tôi đem những liên tưởng nói trên của mình nói với họa sĩ Văn Thao, thấy ông mỉm cười, bảo mình thích trang trại này cũng vì nó gợi lên những khúc hát của nhạc sĩ Văn Cao. “Tôi đã từng đón đã đón mẹ tôi lên đây chơi và cụ rất thích nơi này”- Họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể thêm, vào dịp cuối tuần, con cháu của ông thường lên chơi rất đông. “Bạn bè tôi cũng thường lấy gia trang làm nơi tụ họp. Chốn thiên thai này tuy hơi xa, nhưng ít khi vắng khách”- Họa sĩ Văn Thao cười vui, chia sẻ thêm.
… Rời chốn thiên thai của người họa sĩ mến khách Văn Thao, tôi mang theo âm hưởng về những câu hát của nhạc sĩ Văn Cao suốt quãng đường về.