Nhìn lại vài “hiện tượng văn nghệ” 2012

TP - Vụ sáp nhập bất thành hai nhà hát kịch; Giọng hát Việt nổi vì đông người xem cả vì bê bối; “ông hoàng ca sĩ” hôn sư phản cảm… xứng đáng là những hiện tượng trong một năm văn nghệ sôi động 2012.

> Lê Hùng đã cứu hai nhà hát?
> 'Khóa môi' nhà sư, Mr.Đàm bị phạt thế nào?

1. Cuối năm, Nhà hát Kịch Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập. Nghệ sĩ các thế hệ tụ về đông đến nỗi sảnh của Nhà hát Lớn gây cảm giác chật chội. Vui tươi, phấn khởi, bùi ngùi. Khách mời cũng toàn người nổi tiếng, như Thành Lộc, Xuân Hương tận miền Nam bay ra…

Còn nhớ, nửa năm trước, cảnh nhà như có đám. Cuộc họp nội bộ có thành phần quan trọng ở Bộ VHTTDL đến dự, lòng họ “như cái bánh bóc ra” cho cơ quan chủ quản biết.

Còn người hùng Lê Hùng mào đầu buổi họp bằng câu “Tôi sẽ về hưu, mọi người yên tâm”. Trước đó 2 tháng, anh tỏ ra hy vọng: “Cuối năm 2012 tôi tròn 60 tuổi, đến tuổi về hưu. Nhưng theo quy định tuổi nghỉ hưu đối với những người có hàm vị giáo sư, tiến sĩ, NSND, tôi có thể tiếp tục giữ cương vị này vài năm nữa”.

Lê Hùng có điệp vụ bất khả thi trong năm 2012.

Một khán giả người miền Nam, nhà báo Nguyễn Thông tự nhận fan một thời của kịch miền Bắc, chứng kiến kỳ cuộc “sáp nhập hay không sáp nhập” đã viết trên blog than thở về thời oanh liệt nay còn đâu của Nhà hát Kịch VN và kịch Bắc nói chung.

Hài hước bình luận việc nhà hát có bao nhiêu vở Lê Hùng dựng bấy nhiêu, hết phần người khác rằng “Tất cả đều là con tao!” (nhại tên vở kịch Mỹ nổi tiếng Tất cả đều là con tôi).

Từ một người “nói có người nghe đe có kẻ sợ” Lê Hùng bị “xét lại” trên mọi phương diện kể cả những việc cá nhân nhất. Vì đâu nên nỗi?

Bây giờ, cả hai đơn vị (Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ) đều đang xắn tay dọn dẹp nhà cửa nhân sự của mình, mới từ tâm trạng mới đi. Tuy vậy, nhìn vào dàn diễn viên, vào kịch mục của Nhà hát Kịch VN hôm nay, thấy đúng là “ngổn ngang cơ đồ”. Bao giờ trở lại ngày xưa? Ngày xưa tức là cái ngày họ có tên phụ là Anh cả đỏ của làng sân khấu Việt Nam.

Vụ việc đình đám nhất làng sân khấu này âu cũng là bài học đáng nhớ cho những người quản lý. May mà Bộ chủ quản cuối cùng đã cầu thị, lắng nghe. Việc ra một quyết định quan trọng rồi lại tự hủy quyết định đó, chắc chắn, là chuyện hy hữu không chỉ ở Bộ này.

2. Nhìn các ca sĩ làm huấn luyện viên trong cuộc thi Giọng hát Việt ròng rã các tối chủ nhật hàng tuần, tôi lại thêm tâm đắc câu nhà văn nhà phê bình Vương Sóc (Trung Quốc) nói: “Xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không cẩn thận thì mất nhiều hơn được”.

4 ca sĩ làm HLV được BTC Giọng hát Việt quảng cáo là “thành công và cực kỳ nổi tiếng”.

Thoạt đầu, khán giả tỏ ra ngạc nhiên “ca sĩ mà hoạt ngôn thế” nhưng rồi đường dài mới biết ngựa hay. Chưa đến giữa chương trình, các nhân vật chính tỏ ra oải về mọi nhẽ, lại cứ cố gồng. Đa ngôn đa quá, càng nói nhiều diễn nhiều càng thấy vốn liếng giắt lưng- từ chuyên môn trở đi, cũng èng èng thôi.

Việc họ xuất hiện với những bộ cánh và dáng vẻ có lúc như thể ông hoàng bà chúa, càng cho thấy một tinh thần nhẹ văn hóa, nghệ thuật mà nặng giải trí, mua vui.

Thôi thì cũng không đòi hỏi gì quá cao ở một game show truyền hình. Thế nhưng những người tổ chức chương trình lại tỏ ra tâm đắc với những thang giá trị kiểu như “Từ khóa giọng hát Việt được tìm kiếm nhiều nhất trên google”. Mà được tìm chủ yếu bởi scandal.

Thêm một lần chứng tỏ rằng ngày nay, không chuộng bề nổi thì không phải văn hóa giải trí Việt Nam, truyền hình quốc gia Việt Nam.

Có lời phản bác rằng: Người ta đã bỏ bao tiền làm chương trình, cho mình xem miễn phí còn kêu ca gì? Hãy nhìn vào lượng quảng cáo mà họ ấn vào tai vào mắt khán giả mỗi bận với âm lượng chói tai, và hãy nhìn cách mà họ tô tượng đúc chuông cho những “ngôi sao”.

Một ông dẫn chương trình như ông Huy Khánh, đóng những phim chưa ai thừa nhận là nghệ thuật, chưa thể gọi nghệ sĩ đúng nghĩa, mà mỗi tối thứ sáu đều réo rắt rót tên mình vào tai khán giả, Huy Khánh thế này Huy Khánh thế kia.

Vấn đề ở đây là, anh ta - chị ta (những MC kiểu Huy Khánh, hoặc các ca sĩ giám khảo kiểu Giọng hát Việt) có thể mất kiểm soát, không biết điểm dừng nhưng còn người tổ chức chương trình và những người nắm sóng quốc gia thì sao? Cuộc thi nào cũng bôi ra rất dài, mỗi tuần tỉa một thí sinh rồi “hẹn gặp lại ở đêm thi sau”, không biết chán và không sợ bị chán.

Cũng qua những cuộc thi kiểu đó, người ta phát hiện ra: Người Việt Nam không có văn hóa tẩy chay.

Những bê bối dù lớn đến đâu, mọi người chỉ cười không quá 3 ngày, rồi lại hân hoan như thường. Mà xét cho cùng, cả thế giới này nhảm đâu chỉ chúng ta.

Lindsay Lohan- bê bối chồng bê bối nhưng đã vượt qua một đống ứng viên để vào vai huyền thoại điện ảnh Liz Taylor trong khi chỉ xét riêng về ngoại hình, cô này còn xơi mới đủ tiêu chuẩn.

3. Khi Đàm Vĩnh Hưng thanh minh rằng pha hôn hít nhà sư đồng tính của anh là do mất kiểm soát tạm thời bởi trước đó anh đã hẹn sẽ hôn ai bỏ tiền từ thiện cho vụ việc mà anh tham gia, một chủ trang web bình luận chát chúa “Đã ra đến chốn công cộng thì phải nhớ mà kéo phec-mơ-tuya lại chứ”, nghe không được “nhã” cho lắm nhưng không phải không có lý.

Nụ hôn đình đám nhất làng giải trí trong năm.

Những con số khủng về cat-xê, về lượng khán giả cho mỗi sô diễn của “ngôi sao” bây giờ, không hề tỉ lệ thuận với độ chín chắn chỉn chu khi xuất hiện trước công chúng. Còn khán giả chỉ biết bạc mặt đi vì hâm mộ, hâm mộ vô điều kiện.

Vừa từ tâm bão (của cuộc hôn sư đồng tính) bước ra, Đàm Vĩnh Hưng tự hào “khán giả vẫn chật kín trong live show của tôi ở Hà Nội, bây giờ tôi còn nhiều bạn bè và nhiều người xa lạ nhắn tin bày tỏ tình cảm hơn trước”. Có lẽ anh không quá lời. Đã bảo người Việt không có văn hóa tẩy chay dù chỉ 1 tháng!

Bởi thế cho nên trong năm qua, những sự kiện kiểu như Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại mới chìm lút đi trong những sự kiện ồn ào làng giải trí, xét về độ quan tâm của công chúng. Mà có lẽ năm nào cũng vậy thôi.

Theo Báo giấy