Nhiều trường tiếp tục cho học sinh nghỉ: Sẵn sàng học trực tuyến

TP - Đến chiều 16/2, đã có hơn 20 địa phương thông báo tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, trong đó một số tỉnh, thành phố quyết định dạy học trực tuyến. 
Giáo viên các trường sẵn sàng dạy học trực tuyến

Những địa phương tiếp tục cho học sinh tạm dừng đến trường như: TPHCM, Hà Nội, Hải Dương, Đồng Tháp, Hải Phòng, Ninh Thuận, Thái Bình, Kon Tum, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Bắc Giang... Nhiều địa phương đóng cửa trường học đến hết tháng 2, đồng thời quyết định tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình năm học. Một số địa phương cho học sinh nghỉ đến 22/2 như: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Lào Cai, Long An...

Những địa phương cho học sinh "tạm dừng đến trường" trong thời gian ngắn hơn yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học linh hoạt như giao bài tập trực tuyến, chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng dạy học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh bùng phát.

Ngoài ra, các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh đã có thông báo cho học sinh quay lại trường học từ 17/2 như: Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Tiền Giang...Để đón học sinh quay lại trường học, các địa phương này yêu cầu nhà trường siết chặt giải pháp phòng dịch. Trước hết là tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường học, học sinh đến trường đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn... Phụ huynh, học sinh trở lại địa phương sau tết phải thực hiện khai báo y tế. Giáo viên các lớp được giao nhiệm vụ thông báo và nắm rõ tình hình sức khoẻ học sinh, nếu học sinh nào có dấu hiệu ốm, sốt phải để ở nhà để theo dõi y tế. Các nhà trường cũng được yêu cầu dạy học trực tiếp trong tình hình mới, không tổ chức các hoạt động tập trung như: chào cờ, hoạt động trải nghiệm...

Sẵn sàng học trực tuyến

Có thể nói đến thời điểm này hầu hết các nhà trường đã sẵn sàng cho kế hoạch dạy học trực tuyến bởi trước Tết Nguyên đán đã có một tuần đệm để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, bài giảng. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh  (Hà Nội) nói, trên địa bàn vừa có một học sinh lớp 2 mắc dương tính với COVID-19, tất cả học sinh liên quan đều đã được lấy mẫu xét nghiệm. Trong bối cảnh hiện nay, ông Hậu cho rằng, dạy học trực tuyến là phù hợp. Các nhà trường không gặp khó khăn vì đã có sự chuẩn bị cũng như có kinh nghiệm triển khai dạy học theo hình thức này từ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nhà trường sẽ dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh không đến trường, giáo viên được yêu cầu chuẩn bị giáo án cho dạy học kiến thức mới. Phụ huynh hỗ trợ điều kiện để học sinh học tập hiệu quả. "Khi đi học trở lại, giáo viên sẽ dạy bài kế tiếp, không dạy lại bài đã dạy trực tuyến vì thế nhà trường đề nghị phụ huynh sắp xếp, tạo điều kiện để 100% học sinh được học trực tuyến", bà Xuân Mai nói.

Ông Vũ Hồng Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, tình hình dịch bệnh tại địa phương căng thẳng, để kiểm soát dịch bệnh, Hải Dương đã đóng cửa trường học, yêu cầu các nhà trường dạy học trực tuyến, đa dạng hoá hình thức dạy học như: giao bài tập qua email; mạng xã hội...

Phụ huynh rơi vào thế khó

Tại Hà Nội, chiều 15/2, UBND TP Hà Nội quyết định cho toàn bộ học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 28/2. Thay vào đó, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến. Quyết định này được đưa ra khiến nhiều phụ huynh rơi vào thế khó vì sau kỳ nghỉ tết, đa số gia đình đưa con về quê sẽ phải trở lại Hà Nội trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Anh Trần Văn Khánh quê ở Nghệ An cho biết, nếu con được nghỉ học gia đình sẽ gửi 2 con ở lại cùng ông bà ở quê. Tuy nhiên, nhà trường thông báo học trực tuyến, con học lớp 1 và lớp 3 chưa biết tự mở máy tính để học, ông bà đã già cũng không sử dụng được máy tính nối mạng để học. Vì thế, anh đành phải đưa 2 con trở lại Hà Nội, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm.

Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình khi quay lại Hà Nội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nhiều người giúp việc không muốn quay lại Thủ đô.

Chị Nguyễn Thanh Hương ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng sẽ phải nghỉ việc luân phiên để ở nhà trông và mở máy cho con học trực tuyến. "Dù nhà có 1 cháu đã học lớp 8 có thể tự theo lịch để mở máy học nhưng bố mẹ không yên tâm khi giao máy tính nối mạng cho con, con sẽ điểm danh xong thoát ra chơi điện tử. Còn cháu lớp 2 lại càng phải có bố mẹ hỗ trợ mới học được. Nếu dịch kéo dài, gia đình thật sự gặp khó khăn vì nghỉ làm nhiều, thu nhập bị cắt giảm đáng kể", chị Hương nói.   

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến khẳng định, các nhà trường sẵn sàng dạy học trực tuyến theo kế hoạch và không gặp khó khăn vì có nền tảng, kinh nghiệm từ trước đó.