> Chi khống, lạm thu, có cán bộ tham gia bán ma túy cho học viên
> Kiến nghị xem lại quy định về quỹ phụ huynh
Trong báo cáo của lãnh đạo các Sở GD&ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, vấn đề thu chi đầu năm học có được nhắc đến đôi lần trong một vài câu hoặc một vài gạch đầu dòng. Thậm chí, trong báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, chấn chỉnh tình hình thu chi đầu năm được nêu lên như một ưu điểm trong công tác chỉ đạo của Sở như kịp thời ban hành các văn bản, tổ chức các hội nghị, các đoàn kiểm tra... Thực trạng vấn đề thu chi đầu năm học 2011 - 2012 chỉ được gói gọn trong một vài câu và phương thức giải quyết là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Một vài Sở có đặt vấn đề liên quan tới thu chi nhưng lại là kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi một số quy định hoặc dự thảo quy định. Chẳng hạn ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho rằng, Bộ nên xem lại quy định “mức thu phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được sử dụng để khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”. Theo ông Khiếm, do điều kiện kinh tế xã hội của từng nơi nên không phải trường nào cũng được hưởng nguồn lực ngân sách như nhau. Việc huy động đóng góp của cha mẹ học sinh giúp các trường phần nào khắc phục được sự khó khăn khi nguồn lực ngân sách ít ỏi.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng cách khai thác các nguồn thu trong xã hội thể hiện năng lực của hiệu trưởng các trường phổ thông. Theo ông Đạt, muốn công lập đóng vai trò chủ đạo, muốn các thành phố đi nhanh về trước, phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... nên cân nhắc một số quy định liên quan tới việc vận động đóng góp của cha mẹ học sinh. “Nên dùng tiền đóng góp của phụ huynh hỗ trợ việc mua sắm cơ sở vật chất cho nhà trường, miễn là đồng thuận. Nếu chỉ mong chờ vào kinh phí nhà nước, nếu trường hư một cái bóng đèn, từ khi hư đến khi mua được bóng đèn thay mất khoảng một tháng. Nếu cứng nhắc trong việc này sẽ triệt tiêu sự phát triển năng động của GD&ĐT các thành phố”, ông Đạt nói. Từ quan điểm này, ông Đạt cho rằng một số quy định trong mục b khoản 5 điều 10 dự thảo Điều lệ Ban Đại diện Cha mẹ học sinh nên bỏ như cấm lấy kinh phí của ban này chi cho các việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Không thể cứ báo cáo vui vẻ...
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học lưu ý các Sở, cấp tiểu học được miễn học phí, do đó phụ huynh tiểu học phải đóng thêm bất kỳ một khoản nào cũng đều tạo bức xúc trong dư luận.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà điều lệ quy định. Ví dụ Ban Đại diện không liên quan gì đến việc xây dựng cơ bản, không liên quan trực tiếp tới việc mua sắm thiết bị thì kinh phí hoạt động của ban này đương nhiên không phục vụ cho các nhiệm vụ đó. “Luật Giáo dục cũng như điều lệ không cấm những cá nhân, tập thể có đóng góp tự nguyện cho giáo dục đầu tư xây dựng công trình phục vụ giáo dục, đóng góp tài trợ ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, việc đóng góp này phải được tuân thủ theo các quy định của pháp luật, Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh không có trách nhiệm đứng ra thu”, ông Chuẩn nói.
Bổ sung ý kiến của ông Chuẩn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Bộ không cấm các trường nhận sự ủng hộ của xã hội, trong đó có các phụ huynh học sinh. Vấn đề là hiệu trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm nhận và quản lý các nguồn đóng góp đó, không đứng sau phụ huynh để làm những việc mình không làm được”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT thì cho rằng, các nội dung được lãnh đạo Sở GD&ĐT của 5 thành phố trực thuộc trung ương không đề cập thoả đáng vấn đề nóng đang được dư luận xã hội quan tâm. “Trong các báo cáo có nói vấn đề lạm thu nhưng chỉ đưa một vài ý kiến, chưa phản ánh hết những bức xúc ngoài xã hội”.
Ông Hùng dự báo, thu chi đầu năm sẽ là một vấn đề nóng tại nghị trường trong kỳ họp quốc hội sắp tới trong khi việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này ở một số nơi đang được xem nhẹ. “Từ đầu năm học tới giờ, báo chí liên tục phản ánh vấn đề này. Tôi cho rằng, việc kiểm tra, xác minh thông tin báo nêu là cần thiết, đặc biệt là những nơi được nêu địa chỉ cụ thể. Kiểm tra, xác minh rồi kết quả thế nào, xử lý ra sao, điều đó cần được nêu lên”.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại diện các ngành, Vụ chức năng của Bộ. “Theo tôi, các Sở nên theo gương của Đà Nẵng để xử lý các sai phạm trong thu chi một cách nghiêm túc. Có chỗ có thể rút kinh nghiệm, nhưng những nơi làm sai thì phải kỷ luật. Nếu cứ báo cáo vui vẻ thế này người dân sẽ không nghe. Sau cuộc họp này việc chấn chỉnh các sai phạm trong thu chi ở các thành phố không có chuyển biến gì, vẫn mang tinh thần êm ái như phần đầu cuộc họp hôm nay thì nghĩa là các đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hiển khẳng định.
“Theo tôi, các Sở nên theo gương của Đà Nẵng để xử lý các sai phạm trong thu chi một cách nghiêm túc. Có chỗ có thể rút kinh nghiệm, nhưng những nơi làm sai thì phải kỷ luật. Nếu cứ báo cáo vui vẻ thế này người dân sẽ không nghe” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển