Nhiều 'ông lớn' ngành xây dựng lãi giảm, hàng tồn kho lớn

TPO - Năm 2019 là năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp xây dựng. Sự sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận và hàng tồn kho lớn.
Cty CP Xây dựng Coteccons lợi nhuận giảm một nửa so với quý 3 năm ngoái

Cty CP Xây dựng Coteccons là một trong những nhà thầu xây dựng lớn vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với các con số tiếp tục gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Doanh thu quý 3 của công ty đạt 6.225 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng thu về 254 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với mức 574,5 tỷ hồi quý 3 năm ngoái.

Doanh thu thuần giảm, doanh thu từ hoạt động tài chính và công ty con cũng giảm, kéo theo lợi nhuận sau thuế của Coteccons giảm hơn 65% so với cùng kỳ năm trước, còn 165 tỷ đồng. Từ cuối năm ngoái đến nay, lợi nhuận của Coteccons đã liên tục giảm sút và xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận 16.262 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu về 478 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 60% so với 9 tháng đầu năm 2018. Dù đưa ra kế hoạch kinh doanh khiêm tốn trong năm 2019, song với tình hình hiện nay, Coteccons khó lòng đạt chỉ tiêu đề ra.

Hoạt động kinh doanh của Coteccons giảm sâu đến từ việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, trong đó có một dự án Đại đô thị mà công ty là nhà thầu xây dựng. Mặt khác, công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới từ đầu năm đến nay.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) cũng công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 hợp nhất cho thấy tăng trưởng nhưng 9 tháng lại giảm khoảng 3%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận đều giảm 3-4%, đạt lần lượt 5.186 tỷ đồng và 205,4 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 47% doanh thu và 43% lợi nhuận năm. Trong cơ cấu doanh thu quý 3 hay 9 tháng, mảng xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 90%; hoạt động bán vật liệu xây dựng đứng thứ 2.

Tính đến 30/9, chi phí xây dựng công trình dở dang của Ricon gấp 2,5 lần, lên gần 394 tỷ đồng. Một số dự án được kể tên như Aqua Bay (97 tỷ đồng), Regina Hưng Yên (57 tỷ đồng), Vietcapital Center (47 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản có số tồn kho lớn như Cty Bất động sản Phát Đạt. Theo đó, báo cáo tài chính quý 3/2019 ghi nhận, dòng tiền kinh doanh của Phát Đạt lại âm 471 tỷ đồng do tăng 1.273 tỷ đồng hàng tồn kho. Đây là quý thứ 3 trong năm, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm.

Hàng tồn kho tính đến 30/9 đạt 7.017 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tồn kho chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng và đầu tư cho các dự án đang triển khai.

Theo đó, dự án The EverRich 2 (quận 7, TP HCM) tồn kho lớn nhất, 3.597 tỷ đồng. Dự án tồn kho lớn thứ 2 là Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội 2.399 tỷ đồng, mới phát sinh trong năm nay.