Không có thời gian nghe điện thoại
Như đã thông tin, theo công bố mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa vừa nâng cấp độ dịch COVID-19 lên màu vàng - nguy cơ cao. Theo số liệu thống kê của thành phố, trong đợt dịch thứ 4, quận ghi nhận 2.283 trường hợp mắc COVID-19, là điểm nóng, dẫn đầu về số ca COVID-19 trên địa bàn Thủ đô. Khi thành phố chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở tại các phường, xã chịu áp lực vô cùng lớn.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chia sẻ, cả chính quyền cơ sở và nhân viên y tế đều chịu áp lực lớn.
“Nhân viên y tế làm không hết việc. Nhiều khi lãnh đạo UBND phường gọi điện cũng không có thời gian nghe máy”, bà Loan thông tin. Cuối giờ chiều chủ nhật, bà Loan gửi số điện thoại của Trạm trưởng Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa tên Nguyễn Thanh Hà cho phóng viên Tiền Phong, đồng thời dặn trước, có khi không gọi được đâu, bởi chị Hà đang làm việc.
Tôi nhấn số, đầu dây bên kia nói: “Anh cần gì đấy, sao giới thiệu dài thế. Tôi đang đưa F0 đi điều trị. Rẽ vào đường này nhé (nói với lái xe - PV)” rồi cúp máy. Một lúc sau, phóng viên gọi lại, chị Hà vẫn bảo “Anh cần thông tin gì, nói nhanh vì tôi bận quá, không có nhiều thời gian”.
Nói về áp lực trong thời gian qua, chị Hà bảo “có lúc tôi phải nghe hai tai hai điện thoại, giảm cả thính lực; ngồi máy tính nhiều đến độ giảm thị lực. “Không phải làm trưởng trạm y tế là ngồi chỉ đạo đâu ạ. Vẫn trực, vẫn đưa các F0 đi điều trị bình thường”, chị Hà nói. Với chị Hà và những nhân viên y tế như chị Hà, trong cả đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu như không có chuyện chỉ làm giờ hành chính.
Ðâu phải ai cũng sẵn sàng tiếp cận với bệnh nhân
Cùng với Đống Đa, quận Thanh Xuân cũng là địa chỉ chịu nhiều áp lực vì dịch COVID-19. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà chia sẻ, có những cuộc họp với nhân viên y tế trên địa bàn, họ phát biểu mà rưng rưng.
“Bao nhiêu áp lực dồn cả lên họ. Sức người cũng có hạn. Rồi chị em phụ nữ phải đi đêm hôm. Gia đình thông cảm thì không sao, chứ không thông cảm thì rất khó để họ hoàn thành công việc”, ông Hoà nói. Theo ông Hoà, mỗi trạm y tế phường chỉ có 5 - 10 người, mà tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, số lượng F0 tăng lên. Ngoài nhiệm vụ điều tra, truy vết, báo cáo về tình hình dịch, nhân viên y tế còn làm nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn, phát thuốc… cho bệnh nhân F0.
Ông Hoà cho rằng, nếu không phải là cán bộ ngành y, đâu phải ai cũng sẵn sàng tiếp cận với bệnh nhân COVID-19. Ngoài an toàn của bản thân, còn an toàn của gia đình, con cái. Nhân viên y tế làm việc này vừa vì công việc chuyên môn, vừa vì trách nhiệm với cộng đồng, nên rất cần sự động viên chia sẻ cả về tinh thần và vật chất.